Giá lợn giảm, người nuôi trên địa bàn Thanh Hóa 'lỗ chồng lỗ'

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Giá lợn hơi giảm, giá thức ăn ở mức cao khiến nhiều hộ chăn nuôi lợn tại Thanh Hóa 'lỗ chồng lỗ'.

Do giá lợn hơi giảm sâu, anh Lê Bá Đức ở xã Hoằng Thắng (Hoằng Hóa, Thanh Hóa) quyết định duy trì lợn nái sinh sản, cầm cự qua giai đoạn này.
Do giá lợn hơi giảm sâu, anh Lê Bá Đức ở xã Hoằng Thắng (Hoằng Hóa, Thanh Hóa) quyết định duy trì lợn nái sinh sản, cầm cự qua giai đoạn này.

Không ít hộ chấp nhận bán lỗ vì lo sợ nếu cầm cự thêm, giá lợn hơi sẽ tiếp tục giảm.

Lỗ vẫn phải bán!

Trước thực trạng giá lợn hơi giảm sâu, trong khi giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, nhiều hộ chăn nuôi tại địa bàn Thanh Hóa đang loay hoay tìm giải pháp nhằm giảm thiệt hại. Ngoài giảm quy mô đàn, chủ động nguồn thức ăn từ nông nghiệp, thậm chí nhiều hộ chấp nhận lỗ cho lợn xuất chuồng.

Với thâm niên hơn chục năm chăn nuôi lợn, anh Lê Bá Đức ở thôn Hải Phúc (xã Hoằng Thắng, huyện Hoằng Hóa) vừa cho xuất chuồng gần chục con lợn thịt, với giá chỉ 48.000 đồng/kg. Với mức giá thấp như thế này, anh Đức chấp nhận lỗ khoảng 4 triệu đồng.

“Lỗ vẫn phải bán, bởi vì nếu nuôi cầm cự để chờ giá lên thì có khi lỗ càng thêm lỗ. Trong khi đó, nếu kéo dài thời gian nuôi vừa tốn thức ăn mà lợn đến giấc này cũng chậm lớn”, anh Đức ngậm ngùi.

Theo anh Đức, giá lợn hơi trên thị trường hiện đang dao động từ 46.000 - 48.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, lên 370.000 đồng/bao loại 25kg.

Trung bình thời gian nuôi đối với lợn thịt kéo dài từ 5 - 6 tháng. Chi phí thức ăn cho mỗi con (trọng lượng khi xuất chuồng đạt khoảng 100kg) tốn gần 5 triệu đồng, chưa tính các chi phí điện, nước, tiêm phòng và vệ sinh chuồng trại...

“Nếu người chăn nuôi phải mua thêm con giống, trung bình từ 1,2 - 1,5 triệu đồng/con, trọng lượng khoảng 7kg thì xác định là lỗ. Với những hộ chăn nuôi tự cung cấp được con giống thì hòa vốn, không có công lao động.

Biết là lỗ, nhưng đến lúc bán thì vẫn phải bán thôi, cầm cự thêm ít tháng có khi giá lợn hơi lại tiếp tục xuống đáy, người chăn nuôi lại càng thêm khổ”, anh Đức ngậm ngùi.

Cũng vừa xuất chuồng chục con lợn thịt với giá 48.000 đồng/kg, ông Nguyễn Văn Thanh (66 tuổi), ở thôn Hoàng Trì 2 (xã Hoằng Thắng, huyện Hoằng Hóa) không khỏi bùi ngùi, tiếc nuối.

Với kinh nghiệm nuôi lợn hơn 20 năm nay, ông Thanh cho rằng, thông thường sau Tết Nguyên đán, giá lợn hơi sẽ tăng. Tuy nhiên, khoảng vài năm trở lại đây, thời điểm sau Tết giá lợn hơi lại có xu hướng giảm mạnh.

“Bầy lợn vừa xuất chuồng, tôi dự tính nuôi cầm cự qua Tết với hy vọng giá lợn hơi sẽ nhích lên. Tuy nhiên, đến thời điểm này giá lợn hơi chỉ còn dao động từ 46.000 - 48.000 đồng/kg. Như vậy, so với thời điểm trước Tết người chăn nuôi lỗ thêm từ 5.000 - 7.000 đồng/kg”, ông Thanh nói.

Theo ông Thanh, nếu giá lợn hơi nằm ở mức 50.000 đồng/kg trở xuống, người chăn nuôi xác định là lỗ. Bởi hiện tại, giá thức ăn chăn nuôi đều ở mức cao, loại rẻ nhất cũng hơn 300.000 đồng/bao loại 25 kg, có loại xấp xỉ 400.000 đồng/bao, với cùng trọng lượng.

Trong khi đó, anh Đặng Xuân Cự ở xã Hoằng Hải (Hoằng Hóa, Thanh Hóa), với thâm niên chăn nuôi lợn 10 năm nay cũng cho rằng, với giá lợn dưới mức 50.000 đồng/kg như hiện nay, người chăn nuôi lỗ gần 1 triệu đồng/con.

Theo anh Cự, hiện nay giá thức ăn chăn nuôi lợn thịt trên thị trường lên tới gần 400.000 đồng/bao, loại 25 kg. Trong khi đó, chi phí đầu tư lợn giống cũng khá cao, trung bình khoảng 1,2 - 1,5 triệu đồng/con, trọng lượng từ 6 - 8 kg, chưa tính thêm chi phí điện, nước, tiêm phòng dịch bệnh, đầu tư trang trại, nhân công lao động...

Giá lợn giảm, giá cám cao nên ông Nguyễn Văn Thanh cũng duy trì lợn nái cho sinh sản và bán lợn con.

Giá lợn giảm, giá cám cao nên ông Nguyễn Văn Thanh cũng duy trì lợn nái cho sinh sản và bán lợn con.

Chăn nuôi cầm cự

Đây cũng là giải pháp được nhiều hộ chăn nuôi lợn tại Thanh Hóa lựa chọn trong thời điểm giá lợn hơi giảm sâu. Như hộ chăn nuôi của gia đình anh Lê Bá Đức cũng xác định giảm quy mô đàn để giảm thiểu thiệt hại.

“Với giá lợn hiện tại, gia đình tôi quyết định không tăng đàn, nhất là lợn thịt. Hiện gia đình chỉ để lại 18 lợn nái cho sinh sản và bán lợn con cầm cự qua giai đoạn này. Thời gian tới, nếu giá lợn hơi nhích lên sẽ cân nhắc để tăng đàn”, anh Đức cho hay.

Theo anh Đức, chi phí nuôi lợn nái trại cũng khá tốn kém. Trung bình, mỗi con tốn khoảng 3kg/ngày. Nếu trộn thêm cám gạo để tiết kiệm chi phí thì chất lượng lợn con không đồng đều, kéo dài thời gian nuôi.

Khu chăn nuôi lợn nái hiện nay của gia đình anh Đức.

Khu chăn nuôi lợn nái hiện nay của gia đình anh Đức.

Hộ chăn nuôi của gia đình ông Nguyễn Văn Thanh (thôn Hoàng Trì 2, xã Hoằng Thắng) cũng quyết định không tăng đàn với lợn thịt ở thời điểm này. Thay vào đó, ông Thanh quyết định duy trì 4 lợn nái cho sinh sản để bán lợn con.

Ngoài ra, để tiết kiệm chi phí, ông Thanh cho lợn thịt ăn xen kẽ cám viên và cám gạo hoặc nguồn thức ăn gia đình tự sản xuất như ngô, khoai lang... Người đàn ông này tính toán, nếu làm theo cách này trung bình có thể tiết kiệm khoảng 4 - 5 bao cám mỗi con, tương đương khoảng 1,5 - 2 triệu đồng/con. Tuy nhiên, làm theo cách này thì thời gian nuôi lợn thịt cũng kéo dài hơn.

Ông Hoàng Trung Kiên, Phó Chủ tịch UBND xã Hoằng Thắng (Hoằng Hóa, Thanh Hóa), phụ trách mảng nông nghiệp, cho biết: Về tình hình nghề chăn nuôi lợn trên địa bàn toàn xã hiện với quy mô chủ yếu là các gia trại.

Cả xã chỉ có 2 trang trại lợn được xây dựng xa khu dân cư, với quy mô lần lượt là 1 ha và 2.000 m2. Tổng số lượng đàn lợn tại 2 trang trại này khoảng gần 2.000 con. Ngoài ra, theo thống kê sơ bộ hiện toàn xã có khoảng 1.000 con lợn thịt, chưa xuất chuồng.

Theo ông Kiên, nghề chăn nuôi tại địa phương khoảng 2 năm trở lại đây không có nhiều tín hiệu tích cực. Đặc biệt là nghề chăn nuôi lợn, hiện giá lợn hơi giảm sâu trong khi giá cám cao ngất ngưởng. Vì vậy, phần lớn các hộ chăn nuôi chủ yếu là cầm chừng, ít tăng đàn, thậm chí nhiều hộ chẳng còn mặn mà với nghề này.

“Về phía chính quyền, chúng tôi cũng thường xuyên động viên các hộ chăn nuôi. Với thực trạng hiện nay, chúng tôi rất mong muốn các bộ ngành liên quan sẽ có những giải pháp điều chỉnh về giá, đặc biệt là giá thức ăn chăn nuôi để các hộ chăn nuôi phấn chấn”, ông Kiên nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

“Yêu chay” không có nghĩa là mối quan hệ thiếu tình yêu. (Ảnh: ITN)

Vì sao 'yêu chay' ngày càng phổ biến?

GD&TĐ - Có tới 40 triệu người Mỹ đang trong các mối quan hệ lãng mạn không quan hệ tình dục. Đáng nói,phần lớn những người này hoàn toàn hài lòng với điều đó.