Gia Lai: Không có người mua, dưa hấu “chết già” trên đồng

GD&TĐ - Nhiều năm nay, người dân các tỉnh Bình Định, Phú Yên ngược ngàn lên Gia Lai, Đắk Lắk... thuê đất trồng dưa hấu với diện tích hàng trăm ha. Tuy nhiên, năm nay dưa hấu đã đến ngày thu hoạch nhưng vắng người mua.

Dưa hấu quá ngày thu hoạch, anh Nguyễn Văn Tân lo lắng phải bỏ cả ruộng dưa, tay trắng mà về quê.
Dưa hấu quá ngày thu hoạch, anh Nguyễn Văn Tân lo lắng phải bỏ cả ruộng dưa, tay trắng mà về quê.

Hơn một tuần qua, giấc ngủ của chị Tô Thị Hiệp (42 tuổi) luôn chập chờn vì ruộng dưa hấu của gia đình đã đến ngày thu hoạch nhưng không có thương lái hỏi mua.

Chị Hiệp tâm sự, nhiều tháng trước vợ chồng chị từ tỉnh Bình Định lên xã Ia Lâu (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) thuê 3,2 ha đất để trồng dưa hấu. Để lấy chỗ che mưa, che nắng hai vợ chồng dựng tạm căn lều hơn 10m2. Như những năm trước, vụ dưa này anh chị đầu tư gần 250 triệu đồng tiền giống, phân bón…, chưa tính công 2 vợ chồng chăm sóc.

“Những năm trước vào thời điểm này thương lái đến hỏi mua ồ ạt. Nhưng năm nay, đến ngày thu hoạch rồi nhưng chẳng có người nào hỏi. Bao nhiêu công sức, vốn liếng gia đình tôi đổ dồn vào đây. Nếu không bán được coi như đổ nợ”, chị Hiệp nói.

Những ngày qua, anh Nguyễn Văn Tân (47 tuổi) luôn cầm trên tay chiếc điện thoại để xem tình hình cửa khẩu phía Bắc và gọi điện tìm thương lái đến mua dưa hấu.

Anh Tân kể: Hơn 3 tháng trước anh cùng vợ thuê ô tô chở đồ đạc, máy móc từ thị xã An Nhơn (tỉnh Bình Định) vượt hơn 200km lên tỉnh Gia Lai để thuê 30 sào đất với giá gần 30 triệu đồng trồng dưa. Mang hy vọng vụ dưa này sẽ cho năng suất, chất lượng tốt để gia đình có cái Tết ấm no, đủ đầy. Do đó, hai vợ chồng anh cố gắng chăm sóc để dưa sinh trưởng và phát triển tốt.

Khi thấy dưa đạt năng suất cao và chuẩn bị đến ngày thu hoạch, vợ anh Tân về quê để lo việc gia đình và gieo sạ mấy sào lúa. Một mình anh ở lại trông coi ruộng dưa và chờ thương lái đến hỏi mua. Tuy nhiên, khi nghe tin cửa khẩu phía Bắc ách tắc, vợ chồng anh đứng ngồi không yên vì lo dưa không bán được.

“Hơn 3 tháng qua, mặc dù gia đình thuê 5 nhân công phụ chăm sóc ruộng dưa nhưng không hết việc. Do đó, mỗi ngày vợ chồng tôi đều thức dậy từ lúc 4 - 5 giờ sáng để tưới nước, làm cỏ và bón phân cho cây. Đến nay, gia đình đã đầu tư cho ruộng dưa ngót nghét 200 triệu đồng.

Số tiền này, một phần gia đình tích góp được, phần còn lại là vay ngân hàng. Thế nhưng, đến nay đã quá ngày thu hoạch nhưng vẫn chưa có ai hỏi mua. Mấy ngày qua, vợ tôi ở quê gọi lên suốt để hỏi tình hình. Tôi chỉ biết an ủi, động viên vợ. Ít hôm nữa nếu không bán được có lẽ tôi đành bỏ cả ruộng dưa rồi tay trắng mà về quê”, anh Tân tâm sự.

Ông Lê Thành Công, Chủ tịch UBND xã Ia Lâu, cho biết, năm nay ngoài người dân địa phương thì nhiều nông dân ở các khu vực khác đến thuê đất trồng dưa hấu với diện tích khoảng 60ha.

Theo ông Công, khoảng nửa tháng trước một số diện tích dưa hấu của người dân đã cho thu hoạch với giá bán từ 5.000 - 6.000 đồng/kg. Tuy nhiên đến nay, nhiều ruộng dưa đã vào vụ thu hoạch nhưng gặp khó khăn khi tiêu thụ.

“Trong vài ngày tới, nếu thương lái không đến mua, nhiều ruộng dưa sẽ hư và phải cắt bỏ. Nếu tình hình tiếp tục kéo dài, chính quyền địa phương sẽ kêu gọi người dân, tổ chức trên địa bàn giải cứu dưa hấu giúp nông dân”, ông Công nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các xạ thủ phòng không Ukraine thuộc Lữ đoàn cơ giới 93.

Tham nhũng khiến binh sĩ vỡ trận?

GD&TĐ - Theo chuyên gia Vadim Kozyulin, nạn tham nhũng đang đẩy nhanh cuộc rút lui của quân đội Ukraine hơn là tình trạng thiếu vũ khí hiện nay.