Mỗi bức tượng một thần thái
Chúng tôi ghé thăm nhà già Ksor Ksôh (làng Mrông Ngó 4, xã Ia Ka, huyện Chư Păh, Gia Lai) vào một chiều nắng cháy. Say sưa đục đẽo “bức tranh” của mình nên già không để ý thấy sự xuất hiện của người lạ. Già Ksor Ksôh với nước da ngăm đen, thân hình khỏe khoắn hơn so với cái tuổi 66 của mình.
Chăm chú nhìn khúc gỗ thô sơ trước mặt một lúc, già Ksor Ksôh lại nâng búa gõ chan chát vào chiếc đục. Từng đường nét uyển chuyển, tinh xảo dần hiện ra.
Dừng tay uống nước, già Ksor Ksôh giật mình khi thấy sự xuất hiện của chúng tôi. Nở nụ cười hiền, già Ksor Ksôh mời cả đoàn uống nước. “Mình tập trung quá nên không để ý có khách đến. Mọi người thông cảm, ngồi xuống đây uống nước với già”.
Nhấp ngụm nước mát, già Ksor Ksôh cho hay, hồi nhỏ khi thấy ông nội đục đẽo tượng gỗ nên bắt chước học theo. Khi mới bắt đầu cầm đục, những đường nét Ksor Ksôh tạo ra nguệch ngoạc, hình thù không rõ ràng. Nhiều khúc gỗ đành phải bỏ đi sau những nhát đục của chàng thanh niên Ksor Ksôh lúc bấy giờ.
Không chịu từ bỏ, khi lên 15 tuổi Ksor Ksôh lén cha lên rừng xem nhà mả, nhìn người dân tạc tượng rồi làm theo. Sau nhiều lần thất bại, những tác phẩm đầu tiên với hình thù đơn giản được chàng thiếu niên tạc thành.
“Ngày xưa, người dân quan niệm con trai nếu chưa dựng vợ thì không được học tạc tượng. Nhưng mình thấy nhiều người tạc tượng, tạo nên những hình thù sống động nên rất thích. Mình lén đi xem người ta tạc rồi bắt chước làm theo. Qua một thời gian mình cũng tạc được những bức tượng đầu tiên, nhưng khô cứng. Tập luyện mỗi ngày, sau thời gian dài các bức tượng của mình cũng có hồn và sống động”, già Ksor Ksôh chia sẻ.
Theo già Ksor Ksôh để tạo ra một bức tượng đẹp trước tiên phải chọn được gỗ tốt, phù hợp với hình dáng. Bên cạnh đó, nghệ nhân tạc tượng phải kiên trì, tỉ mẩn để tạo nên những đường nét mềm mại, uyển chuyển.
Theo già Ksor Ksôh, cái khó nhất khi tạo ra một tác phẩm tượng gỗ của người dân Tây Nguyên là lột tả được thần thái nhân vật. Mỗi bức tượng có hình dáng, trạng thái và biểu cảm khác nhau. Những bức tượng được đặt ở các khu nhà mồ thường diễn tả tâm trạng đau buồn, nhung nhớ của người còn sống đối với người đã mất.
Còn những bức tượng miêu tả cuộc sống sinh hoạt hàng ngày thường có cảm xúc vui vẻ, hạnh phúc…
“Tượng gỗ không có bản vẽ, do đó người nghệ nhân phải có con mắt thẩm mỹ và chuẩn từng thao tác. Nếu sai một chi tiết hay một nhát đục, đẽo sẽ không thể lột tả được thần thái của nhân vật hoặc phá hỏng cả tác phẩm”, già Ksor Ksôh chia sẻ.
Truyền dạy cho thế hệ trẻ
Với đôi bàn tay thoăn thoắt của mình, già Ksor Ksôh tiếp tục “vẽ” lên những bức tranh đời sống hành ngày của người dân. Người nông dân lao động, hình ảnh mẹ bồng con được già Ksor Ksôh khắc họa lên gỗ mộc mạc, giản dị.
Ném ánh mắt về phía xa, già Ksor Ksôh cho hay, trước kia khi gỗ rừng còn nhiều, chính quyền chưa cấm chặt hạ thì người dân cứ thế lên rừng đốn về. Những tượng được làm từ gỗ hương, trắc… được sử dụng hàng chục năm, có khi hàng trăm năm. Tuy nhiên, nay rừng đã cạn kiệt, người dân mua gỗ xoan, mít về đục đẽo để thỏa niềm đam mê.
Già Ksor Ksôh chia sẻ, người Jrai tại địa phương có nghi lễ truyền thống là Pơ Thi (Lễ bỏ mả). Do đó, trong những ngày này người dân sẽ tạc tượng gỗ để thể hiện tình cảm của người sống với người đã về với cõi âm. Những bức tượng gỗ được đặt ở nhà mồ thường gắn liền với đời sống tinh thần hằng ngày của người đó lúc còn sống.
Để có chi phí duy trì niềm đam mê của mình, mỗi khi có người cần già Ksor Ksôh đều nhận tạc tượng thuê. Theo già Ksor Ksôh, người dân thường tạc tượng nhiều nhất vào tháng 3, khi lễ Pơ Thi diễn ra. Khi đó, nhiều đêm già phải thức trắng đêm để tạc tượng kịp giao cho khách hàng. Những bức tượng nhỏ chỉ mất 2 - 3 ngày hoàn thiện. Tuy nhiên, những tượng gỗ lớn già Ksor Ksôh phải mất cả tháng để hoàn thiện.
Khi còn trẻ già Ksor Ksôh không quản ngại khó khăn đi khắp các vùng, miền tạc tượng cho bà con có nhu cầu. Đến khi về già, lo sợ nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình bị mai một nên già sẵn sàng giảng dạy cho thế hệ trẻ. Hiện nay cả làng có gần 10 người đã được già giảng dạy, có thể đục đẽo nên những tác phẩm sống động.
Không chỉ biết đục tượng gỗ, già Ksor Krôh còn đan lát, làm nhà sàn, nhà rông truyền thống, chế tác các loại nhạc cụ dân tộc. Bên cạnh đó, già Ksor Krôh còn biết đánh chiêng, từ nhỏ đến lớn ông đều có mặt trong các đội chiêng lớn nhỏ của làng.
“Mình biết mỗi thứ một ít, tuy nhiên mình thích nhất là tạc tượng gỗ. Qua những bức tượng mình có thể vẽ lên bức tranh đầy màu sắc, thể hiện cuộc sống thường nhật của người dân. Do đó, mình muốn gìn giữ và truyền dạy cho con cháu nghề truyền thống này”, già Ksor Krôh chia sẻ.
Với những cống hiến của mình, năm 2019 già Ksor Krôh vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực tri thức dân gian”. Không những vậy, nghệ nhân Ksor Krôh cũng đã từng được Bảo tàng dân tộc học Việt Nam tặng giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong bảo tồn di sản văn hóa của dân tộc Jrai.