“Thuốc” trị tính lề mề của trẻ: Kiên trì giáo dục

GD&TĐ - Trẻ dễ bị phân tâm và có xu hướng tò mò với những thứ xung quanh. Vì vậy, cha mẹ thường gặp khó khăn trong việc đốc thúc con hoàn thành công việc. Làm thế nào để “trị” căn bệnh lề mề?

Trẻ dễ bị phân tâm bởi những thứ xung quanh. Ảnh minh hoạ
Trẻ dễ bị phân tâm bởi những thứ xung quanh. Ảnh minh hoạ

Trước khi giúp con khắc phục tính lề mề, phụ huynh nên tìm hiểu “gốc rễ” của vấn đề. Từ đó, đưa ra những biện pháp hiệu quả nhất.

Chuyện “thường ngày”

Nhiều cha mẹ có con học mẫu giáo, tiểu học thường phàn nàn về việc trẻ lề mề trong ăn uống, sinh hoạt, thậm chí là học tập. Điều này khiến nhiều phụ huynh dễ nổi nóng và là “nguồn cơn” đẩy mọi chuyện trở nên căng thẳng.

Có lẽ, tình trạng lề mề ở trẻ không phải là điều lạ lẫm đối với các ông bố bà mẹ. Tuy nhiên, nếu thói quen này không được sửa đổi, việc học cũng như cơ hội phát triển sau này của trẻ chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Đặc biệt, nhiều bé thích sử dụng vũ khí “lề mề” nhằm chống đối những yêu cầu của cha mẹ. Phản ứng thường gặp nhất là khi phụ huynh yêu cầu, trẻ vờ như không nghe thấy hoặc “ì ra”, bất chấp bị thúc giục. Các chuyên gia cho rằng, đây là kiểu chống trả “ngấm ngầm”, lâu dần sẽ xây dựng nên đặc trưng “rùa bò” ở bé.

Cha mẹ luôn muốn con bắt kịp nhịp sống của người lớn. Song, trên thực tế, tâm lý, nhịp sống của người lớn và trẻ nhỏ hoàn toàn khác nhau. Do đó, điều quan trọng là cha mẹ cần tìm hiểu kỹ các nguyên nhân để giải quyết thói lề mề của con theo cách tích cực, tránh nổi nóng, gây tổn thương trẻ.

“Con mình chưa bao giờ đi học được đúng 8 giờ sáng cả. Gần như hôm nào cũng phải gọi điện nói với cô là con tới muộn để cô mở cửa cho. Bực quá, ko biết làm sao cho con nhanh hơn được?”, chị Minh Trang (Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ.

Nữ phụ huynh này cho biết, để khắc phục tính chậm chạp của trẻ, chị đã đánh thức con dậy sớm hơn, trừ hao thời gian bé làm vệ sinh, ăn sáng, mặc quần áo, đi giày... Thậm chí, chị Trang đã chuẩn bị quần áo và những đồ dùng cần thiết cho con vào buổi tối trước khi đi ngủ. Như vậy, sáng hôm sau, bé sẽ không phải mất công tìm đồ, giúp tiết kiệm thời gian.

“Mình chuẩn bị hết từ tối rồi, nhưng bản tính của con là lề mề, chậm chạp. Con làm gì cũng từ từ, ngắm nghía chán chê rồi mới làm! Có hối thúc thì con cũng kệ. Nhiều khi bực quá, mình la thì con lại cuống cả lên và như vậy càng chậm. Nhưng chẳng lẽ mẹ cứ làm cho con mãi sao? Chậm chạp như thế thì sau này học hành làm sao? Bây giờ, bé đang đi nhà trẻ, nhưng chỉ mỗi việc tới đúng giờ cũng không thực hiện được. Mình rất lo, không biết sau này con sẽ học tập thế nào?”, nữ phụ huynh bày tỏ lo ngại.

Cùng cảnh có con “chậm như rùa” là chị Thanh Tâm (Ba Đình, Hà Nội). Năm nay, dù đã học lớp 3, nhưng bé Kiều Anh nhà chị Tâm vẫn không thể tới trường đúng giờ. Bà mẹ trẻ tâm sự, việc đánh thức Kiều Anh dậy buổi sáng là một “vấn đề lớn”. Bởi, khi báo thức kêu, Kiều Anh còn nằm... “thừ” mặt, dụi mắt một lúc rồi mới có thể ra khỏi chăn.

Nếu không có cha mẹ quan sát, trẻ có thể không tập trung hoàn thành công việc. Ảnh minh hoạ
Nếu không có cha mẹ quan sát, trẻ có thể không tập trung hoàn thành công việc. Ảnh minh hoạ

Cần sự kiên trì từ phụ huynh

Chia sẻ về “nỗi khổ chung” của nhiều phụ huynh, chuyên gia thay đổi tư duy bố mẹ, dạy con thành công và hạnh phúc - Trần Quốc Phúc cho rằng, việc con lề mề là điều bình thường. Không ít trẻ lề mề, bừa bộn, kém gọn gàng. Nhiều công việc đang dang dở, con cũng bỏ đó. Hoặc, nhiều trẻ không sắp xếp đồ dùng cá nhân ngăn nắp... Tuy nhiên, chuyên gia này nhấn mạnh, lý do của tình trạng này là vì trẻ chưa được học cách bài bản để sắp xếp gọn gàng, cũng như làm mọi việc một cách nhanh nhẹn. Vì vậy, phụ huynh cần dạy con làm thế nào để có thể hành động nhanh, gọn trong cuộc sống. Đồng thời, cần giải thích vì sao con nên làm như vậy. Cha mẹ cũng được khuyến khích phân tích hiệu quả từ thói quen nhanh nhẹn cho trẻ hiểu. Ngược lại, trẻ cũng cần biết rằng, những người lề mề sẽ gặp khó khăn như thế nào trong cuộc sống. Ví dụ, nếu không ngăn nắp, con sẽ không tìm được đồ. Từ đó, con sẽ mất nhiều thời gian và trở thành người lề mề. Song, cha mẹ không thể yêu cầu con “bỏ” thói quen lề mề nhanh chóng. Do đó, phụ huynh cần cùng con rèn luyện hành trình từ khoảng 7 - 10 hoặc 21 ngày.

“Cha mẹ không nên chỉ trích, phê phán khi con lề mề. Việc phê phán sẽ khiến con tổn thương và có cảm giác rằng, mình làm mọi việc đều lề mề. Khi ấy, con sẽ khó thay đổi tích cách đó. Ngoài ra, không nên kỳ vọng rằng, cha mẹ nói là con sẽ làm theo ngay. Mỗi ngày có thể đưa ra một khung thời gian cố định”, chuyên gia Trần Quốc Phúc gợi ý.

Ví dụ, cha mẹ hãy cho con 5 phút rửa mặt. Sau đó, phụ huynh cần khen con làm tốt và yêu cầu trẻ lặp lại liên tục nhiều ngày. Hoặc, cha mẹ có thể quy định thời gian để con chuẩn bị đi học, khoảng 5 phút. Khi con làm tốt, hãy khen con và nói rằng, trẻ đã làm rất giỏi. Sau 21 ngày, con sẽ có được kỹ năng làm việc nhanh, gọn.

“Điều quan trọng là kiên nhẫn, đồng hành với con trong cuộc sống bằng tình yêu thương”, chuyên gia Trần Quốc Phúc chia sẻ.

Biện pháp tuỳ vào nguyên nhân

Trong khi đó, bà Ngô Thị Nhài – giáo viên kỹ năng sống của Câu lạc bộ kỹ năng sống Cara cho rằng, trước khi đưa ra cách khắc phục tính chậm chạp của trẻ, cha mẹ cần biết những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Nguyên nhân đầu tiêu có thể do trẻ chậm chạp bẩm sinh. Lý do là bởi đặc điểm thể chất, hệ xương, hệ thần kinh… đang trong quá trình phát triển. Hay nói cách khác là cơ thể chưa hoàn thiện đúng độ tuổi của trẻ nên dẫn đến tình trạng con thường xuyên lề mề, chậm chạp. Ngoài ra, sự thiếu hứng thú trong công việc cũng sẽ dẫn đến tình trạng trẻ lề mề. Một số trẻ chỉ hành động nhanh nhẹn đối với những công việc con thích.

Một nguyên nhân khác có thể là do trẻ không có khái niệm về thời gian. Khi đó, con không ý thức được công việc mình đang làm là nhanh hay chậm, hay thực hiện  như thế nào là phù hợp. Hoặc, một số trẻ có thói quen lề mề do được cha mẹ quá nuông chiều. Vì vậy, con không ý thức được mình phải làm những công việc đó.

Tuy nhiên, theo nữ giáo viên này, cha mẹ không nên quá lo lắng hay khó chịu về tính chậm chạp của trẻ. Bởi, biết được nguyên nhân sẽ giúp phụ huynh đưa ra cách khắc phục thói quen xấu này của con. Một trong những biện pháp hữu hiệu nhất là cha mẹ liệt kê những công việc hằng ngày của con. Sau đó, hãy theo sát nhắc nhở trẻ.

“Trẻ thường quên hoặc cố tình quên những công việc con phải làm mỗi ngày. Vì vậy, cha mẹ hãy viết hết những công việc của con ra. Đồng thời, nhắc đi nhắc lại công việc của con là gì để hình thành thói quen cho trẻ. Song, để khắc phục tính chậm chạp của trẻ, cha mẹ hãy kiểm soát con thường xuyên. Ví dụ, nếu cha mẹ để trẻ tự rửa bát, tin chắc rằng, con sẽ nghịch xà phòng là chính. Thay vào đó, cha mẹ hãy rửa bát cùng con. Đó cũng là cách để kiểm soát trẻ. Cha mẹ và con cũng được phân công nhiệm vụ rõ ràng: Phụ huynh rửa, con tráng sạch bát”, bà Ngô Thị Nhài gợi ý.

Bên cạnh đó, phụ huynh được khuyến khích kiên nhẫn cho trẻ thêm thời gian. Bởi, khi trẻ chuyển từ công việc này sang công việc khác, con cần có thời gian để lấy tinh thần, bắt nhịp với hoạt động mới. Vì vậy, thay vì đột ngột yêu cầu con “đi tắm” rồi vào “học bài”, bà Nhài cho rằng, cha mẹ hãy để con làm xong công việc “đi tắm”. Sau đó, phụ huynh có thể nhắc con rằng, còn 10 phút nữa để chuẩn bị “học bài”. Con sẽ biết rằng, mình còn 10 phút nữa để chơi. Nói cách khác, đây cũng chính là cách cha mẹ cho con “thời gian đệm” khi chuyển giao từng hoạt động. Đồng thời, phụ huynh cần giữ tinh thần thoải mái. Bởi, việc cáu gắt sẽ khiến trẻ có biểu hiện không hài lòng.

Ngoài ra, cha mẹ có thể khuyến khích trẻ bằng phần thưởng, nhằm khắc phục tính chậm chạp. Điều quan trọng là trẻ thường thích được khích lệ và nhận phần thưởng. Do đó, cha mẹ có thể cùng con dọn phòng, thu đồ chơi. Nếu ai dọn xong trước, sạch đẹp hơn, người đó sẽ được đi ăn trước. Hoặc, cha mẹ có thể sử dụng những phần quà con thích. Tuy nhiên, cần đảm bảo rằng, con sẽ thực hiện công việc đó một cách hiệu quả và có tiến bộ mỗi ngày. Khi đó, con sẽ xứng đáng được nhận phần quà lớn.

Yếu tố quan trọng khác giúp trẻ khắc phục thói lề mề là cha mẹ cần nhìn vào mắt con khi giao tiếp.

“Sở dĩ, trẻ rất sợ nhìn thẳng vào mắt người lớn. Đơn giản như khi trẻ khóc, cha mẹ yêu cầu con bình tĩnh và nhìn thẳng vào mắt phụ huynh thì con mới tiếp tục được lắng nghe. Điều này thực sự hiệu quả và trẻ dần nín khóc hoặc không còn tình trạng khóc to nữa”, nữ giáo viên dẫn chứng.

Tương tự, khi cha mẹ yêu cầu con làm một công việc nào đó, hãy đến trực tiếp chỗ trẻ. Sau đó, phụ huynh có thể cúi xuống và nhìn vào mắt con. Như vậy, cha mẹ có thể dễ dàng khiến con lắng nghe và thực hiện nhiệm vụ hơn. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.