Những đứa trẻ thích... nổi loạn: Giúp con trưởng thành - Lắng nghe thay vì áp đặt

GD&TĐ - Nhiều ông bố, bà mẹ cảm thấy “bất an” khi chứng kiến con nghịch nước, tháo tung đồ chơi... Song, thực tế, những trò nghịch ngợm đó chính là cách để trẻ tìm hiểu thế giới xung quanh.

Trẻ có thể khám phá thế giới nhờ nghịch. Ảnh minh họa
Trẻ có thể khám phá thế giới nhờ nghịch. Ảnh minh họa

Phụ huynh có thể sẽ thấy những hành động nghịch của con là sai. Song, đừng vội kết luận mà nên nghĩ rằng, con đang học. Từ đó, cha mẹ có thể đặt ra những giới hạn nhất định trong trò chơi của con.

Sự ngây thơ vô số… tội!

Có lẽ, bất kỳ ông bố, bà mẹ nào cũng phải “gật gù” công nhận, chăm sóc trẻ là công việc không hề đơn giản. Chỉ cần rời mắt vài giây, chúng cũng có thể “biến mất” không dấu vết, hay thốt ra những câu nói “ngây thơ vô số tội” khi bình luận về vóc dáng của ai đó con bắt gặp trên đường. Hoặc, đơn giản là trẻ sẽ có những trò nghịch không giới hạn khi ở nhà. Tất cả những trò “phá phách” đó của trẻ đều như khiến các mẹ muốn... phát điên.

Thực tế, không ít chuyên gia chỉ ra rằng, khi con còn nhỏ, bố mẹ thường dành hàng giờ đồng hồ để chơi cùng. Thậm chí là theo dõi từng mốc phát triển của con. Tuy nhiên, khi con lớn hơn và chuẩn bị đi học, bố mẹ thường lo rằng, các hoạt động “chơi mà học” không đủ nghiêm túc nên sẽ không mang lại hiệu quả.

Có lẽ, các phụ huynh sẽ ngạc nhiên khi biết rằng, một số trò nghịch ngợm của con chính là cách để trẻ tìm hiểu và khám phá thế giới xung quanh. Nếu chú ý tìm hiểu về bản chất của một số trò con nghịch, chắc hẳn, bố mẹ sẽ nhận ra rằng, đó thực sự là một phần của chu kỳ phát triển lành mạnh đối với mỗi trẻ.

Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng, phương pháp “chơi mà học” thực sự có hiệu quả hơn trong giai đoạn trước tuổi đến trường, so với các cách giảng dạy truyền thống. Theo đó, trong một năm học, sự phát triển của trẻ ở môi trường “học mà chơi, chơi mà học” thật sự tốt và có thể đi trước 5 tháng so với trẻ trong môi trường học thuần túy.

Ngoài ra, trẻ còn phát triển được các kỹ năng giải quyết vấn đề, giao tiếp, lập luận. Khi được tham gia các hoạt động vui chơi có chất lượng, não bộ của trẻ linh hoạt hơn và khả năng tiếp thu kiến thức tăng lên. Đồng thời, ngôn ngữ, trí nhớ phát triển tốt hơn. Ngoài ra, trẻ cũng học được cách điều chỉnh hành vi của mình, đặc biệt là đối với những bé gặp khó khăn về mặt xã hội, cảm xúc hay trong học tập.

Không ít ông bố, bà mẹ lầm tưởng rằng, trẻ bỗng nhiên “bướng” khi có những trò phá phách. Tuy nhiên, thực tế, một số trò nghịch của trẻ cũng có thể mang lại lợi ích tuyệt vời. Chia sẻ về vấn đề này, chuyên gia tâm lý học trẻ em Phan Linh kể: “Có lần đang uống nước, con trai mình bắt đầu thổi bong bóng trong cốc. Sau đó, con cố gắng thử giữ nước trong ống để nó không nuốt vào miệng, mà cũng không rớt ra ngoài, rồi truyền nước từ cốc vào đĩa thức ăn”.

Mặc dù, bé cảm thấy thú vị khi làm điều này, nhưng thức ăn sẽ hỏng khi bị nước đổ vào. Chuyên gia này nhận định, chắc chắn nhiều phụ huynh sẽ thấy đây là hành vi sai trái. Bởi, người lớn hoàn toàn có lý do để nghĩ rằng, trẻ đang làm việc xấu và có ý định không tốt.

Song, các bố mẹ đừng “vội” kết luận. Thay vì đó, phụ huynh được khuyến khích hãy nghĩ theo hướng rằng: Con đang học. Những hành động tưởng chừng “nghịch ngợm” đó chứng minh rằng, trẻ đang tìm hiểu thế giới xung quanh. Thậm chí, con đang trải nghiệm hiện tượng, vấn đề và kết cấu mới. Trẻ đồng thời cũng đang học về những gì bản thân có thể làm, những gì không nên làm trong những tình huống xã hội hằng ngày.

“Khi mình dừng lại và nhìn con trai, mình thấy con chơi với nước và cũng đang học hỏi. Con đang khám phá đặc tính của nước, lực hấp dẫn, cách điều chỉnh nhịp thở… Có rất nhiều điều con có thể học được chỉ trong một trò chơi nhỏ, dù nó có vẻ như chẳng “tốt đẹp” gì. Con thích thú với trò chơi và không nghĩ được nước sẽ làm lãng phí hay hỏng thức ăn. Đó mới là điều cha mẹ cần can thiệp”, chuyên gia Phan Linh bày tỏ.

Do đó, trong những trường hợp như vậy, phụ huynh được khuyến khích có thể đặt giới hạn ngay lập tức, như: “Con có thể nghịch nước tiếp, nhưng đừng cho nước vào đĩa thức ăn con đang dùng. Con có thể sẽ không ăn được nữa”.

Sau đó, bố mẹ có thể đưa ra một giải pháp thay thế để con tiếp tục học hỏi, thông qua những câu nói như: “Nếu muốn, con lấy một cái bát/cốc khác và thử nghiệm. Hoặc, con có thể thử truyền nước cho mấy cái cây trong chậu kia kìa”.

Với phương pháp để con học mà “phá” này, chị đã thành công để con tìm hiểu kiến thức xung quanh. Kết quả là, bé đã làm theo lời khuyên của mẹ với sự phấn khích và hào hứng. Nữ chuyên gia bày tỏ hy vọng rằng, câu chuyện này sẽ là một lời nhắc nhở nhẹ nhàng tới các phụ huynh khi muốn hướng con học tập.

“Con tạo ra các trò chơi của chính mình để học những điều mới. Nhưng, không phải lúc nào con cũng biết cân nhắc thấu đáo, liệu cách chơi của mình có ảnh hưởng tới người khác hay không, hoặc hậu quả của việc chơi ra sao...”, chị cho biết.

Khi đó, điều phụ huynh cần làm trước hết là bình tĩnh, quan sát và nhìn nhận rằng, hành động của con là không xấu. Bên cạnh đó, bố mẹ cần chú ý tới những lợi ích của trò chơi. Sau đó, hãy tự hỏi con rằng, trẻ có cần được cung cấp hoặc tiếp nhận thêm thông tin gì không.

“Đó là cách chúng ta có thể giúp con tiếp tục chơi, tiếp tục học trong khi biết tôn trọng người khác”, chuyên gia Phan Linh nhấn mạnh.

Cha mẹ nên đặt ra một số giới hạn ở những trò nghịch của con. Ảnh minh họa.
Cha mẹ nên đặt ra một số giới hạn ở những trò nghịch của con. Ảnh minh họa.

“Miễn là con vui”

Trong khi đó, chuyên gia đào tạo phụ huynh Nguyễn Tú Anh cho rằng, cha mẹ nên giữ thái độ vui vẻ và mở lòng với con trong mọi tình huống. Đôi khi, việc nóng giận hay la mắng khiến con càng lì lợm và khó bảo hơn. Do đó, bố mẹ nên giữ thái độ vui vẻ, không phán xét ngay cả khi trẻ làm sai bất cứ điều gì. Đặc biệt, phụ huynh cần đặt mình vào vị trí của trẻ để hiểu tại sao con làm như vậy. Đồng thời, bố mẹ nên lắng nghe ý kiến của con. Từ đó, đưa ra những lời khuyên để con hiểu được hành vi của mình là đúng hay sai.

“Kể cả người lớn nhiều khi cũng có những hành động không hoàn toàn đúng, huống gì là trẻ nhỏ. Mỗi đứa trẻ lại có một tính cách khác nhau. Cha mẹ hãy luôn quan tâm, động viên con trong mọi trường hợp. Tạo điều kiện tốt nhất cho trẻ phát triển toàn diện về cả vật chất lẫn tinh thần”, bà Tú Anh cho biết.

Vì vậy, trong trường hợp trẻ nghịch như lật tung đồ đạc mọi “ngóc ngách” trong nhà, phụ huynh cũng không nên quá tức giận. Theo chuyên gia này, hầu như trẻ nào cũng vậy. Chúng sẽ không chịu ngồi yên một chỗ và tò mò tìm hiểu mọi thứ xung quanh, thậm chí là sẵn sàng ném đồ vật bừa bộn khắp phòng.

“Tuy vậy, bố mẹ không nên cáu gắt với con mà hãy vui vẻ đón nhận. Thay vì bực bội, hãy nghĩ rằng, một đứa trẻ tinh nghịch như vậy thường thông minh và nhạy bén hơn các bạn cùng lứa. Phụ huynh sẽ thấy hạnh phúc và thoải mái hơn rất nhiều”, chuyên gia này gợi ý.

Do đó, điều quan trọng là phụ huynh để con vui đùa theo ý thích của trẻ. Nhờ vậy, con sẽ hình thành tính cách tự tin và kiên trì theo đuổi mục tiêu của mình sau này. Điều cha mẹ cần chú ý là không để trẻ chơi ở những nơi nguy hiểm, hoặc có những vật sắc nhọn có thể làm con tổn thương.

“Nhiều phụ huynh rất ngại cho con tham gia các hoạt động ngoài trời. Hầu như đa số cha mẹ thường bày cho con một đống đồ chơi trong phòng và yêu cầu trẻ ngồi tại chỗ. Họ lo lắng khi để con chơi ngoài trời bị lấm bẩn, mặt mũi lem luốc. Nhưng thực sự, trẻ chẳng hề quan tâm đến bề ngoài của chúng như thế nào. Thay vì lo lắng, cha mẹ hãy cứ bình thản để trẻ tự do vui chơi, miễn sao chúng thấy thích thú với những trò chơi an toàn”, bà Tú Anh chia sẻ.

Cũng theo nữ chuyên gia này, trẻ thường rất thích vui đùa ngoài thiên nhiên. Bởi, chúng được quan sát và khám phá những điều thú vị từ cuộc sống xung quanh. Nếu có nhiều đứa trẻ khác chơi cùng, chắc chắn, con sẽ không muốn về nhà cho đến khi trời tối.

Trong khi đó, chắc hẳn bất cứ ai cũng không thích mình bị áp đặt làm bất cứ việc gì cả. Đặc biệt, trẻ em càng không. Song, không ít ông bố, bà mẹ có xu hướng bắt con làm mọi điều họ mong muốn. Bà Tú Anh cho rằng, những đứa trẻ sống trong môi trường giáo dục như vậy thường hay nói dối khi trưởng thành. Bởi, chúng luôn lo sợ mình làm sai sẽ bị trừng phạt, nên tìm cách né tránh.

“Cha mẹ hãy thường xuyên lắng nghe con. Đừng áp đặt chúng quá nhiều thứ để tạo cảm giác lo lắng, sợ hãi cho con. Hãy tâm sự với trẻ xem chúng mong muốn điều gì, tại sao không thích làm điều đó. Thay vì trừng phạt trẻ, hãy đưa ra những lựa chọn để giải quyết vấn đề tốt đẹp hơn”, chuyên gia gợi ý.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ