Ngăn chặn xu hướng bạo lực do ăn vạ ở trẻ

GD&TĐ - Nhiều cha mẹ căng thẳng khi con phút trước vui vẻ, phút sau có thể lăn đùng ra gào khóc, ném đồ. Nếu cha mẹ xử lý không khéo, cơn ăn vạ của trẻ có thể dẫn đến những hành vi bạo lực không kiểm soát.

Ảnh minh họa: IT.
Ảnh minh họa: IT.

Những màn ăn vạ bá đạo

Chị Thúy Hà (Long Biên, Hà Nội) kể về một trong những màn ăn vạ của Sóc - cậu con trai 3 tuổi của mình. Một lần chị đưa Sóc cùng đi mua thức ăn ở siêu thị, đi ngang qua khu vực bày đồ chơi, Sóc đòi mua bằng được một chiếc ô tô mô hình. Chị Hà không đồng ý, đồng thời giải thích cho con hiểu rằng bây giờ không phải lúc vì còn phải mua thức ăn về nấu cơm.

Sóc bắt đầu nài nỉ, rồi chuyển sang rên rỉ, sau đó là màn ăn vạ khóc lóc, la hét thậm chí nằm lăn ra sàn, gây náo loạn một góc siêu thị. Từ thuyết phục đến yêu cầu, chị Hà đều không thấy hiệu quả với con mình. Cuối cùng, chị đành phải mua cho con một chiếc ô tô mô hình để nhanh chóng sang quầy mua thức ăn. Đây không phải là lần đầu Sóc ăn vạ thành công.

Cũng giống như rất nhiều bà mẹ khác, chị Nguyễn Thị Thu, mẹ Việt đang sinh sống và học tập ở Nhật Bản, đồng dịch giả của cuốn sách “Chờ đến mẫu giáo thì quá muộn” cũng từng đối phó với vô số lần ăn vạ của con. Chị chia sẻ về một tình huống ăn vạ của cu Bon 2 tuổi.

Hôm trước đi chơi ở cửa hàng đồ chơi, cu cậu đòi đồ chơi mà mẹ không mua vì trước khi vào chị nói với con là hôm nay không mua đồ chơi. Nhưng cu cậu thích cái xe bus và đòi mà mẹ không mua. Cậu khóc ăn vạ 20 phút từ lúc ở cửa hàng đến nhà để xe. Chị nói nhẹ nhàng nhưng con không hợp tác. Chị chờ 15 phút ở nhà để xe mà Bon cứ thế gào lên “Con muốn xe bus, mẹ mua cho con. Mẹ tính tiền đi”.

Chờ lâu quá chị đành cho lên ghế ngồi để về. Về đến nhà cậu bé vẫn không ngừng khóc đòi mở cửa đi mua. Chị lại từ tốn bảo: “Con rất muốn xe bus nhưng hôm nay mình không mua rồi mà. Con cứ khóc đi, khóc xong thì chạy đến chỗ mẹ”.

Rồi chị tránh đi chỗ khác cho cu cậu tự xử lí cảm xúc. Tầm 20 phút sau Bon mới chịu thôi. Khi ấy chị đến bên ôm cu cậu thật chặt và vỗ về “Bon của mẹ đã bình tĩnh rồi này. Con giỏi lắm, rất biết kiềm chế, rất cố gắng. Mẹ cảm ơn Bon, mẹ yêu Bon lắm”.

Theo BS Nguyễn Duy Cương – Chuyên gia Tâm lý Cửa sổ vàng, khi bước vào tuổi lên 2-3 các con trải qua một loạt thay đổi về tâm lý, thể chất và bắt đầu thể hiện tính cách độc lập và quyền lực của mình. Mỗi khi không vừa ý điều gì, trẻ sẽ tung chiêu ăn vạ bằng những hành động như khóc lóc, la hét...

Nhiều cha mẹ xót con nên lập tức lao vào dỗ dành rồi đáp ứng mọi yêu cầu của con. Trong khi đó, một số lại không giữ được bình tĩnh quát mắng, thậm chí dùng đòn roi để con nghe lời. Tuy nhiên, cả 2 cách này càng làm cho mọi việc trở nên tồi tệ hơn.

Ăn vạ cũng là một phần bình thường trong bước đường trưởng thành của trẻ. Đôi khi ăn vạ còn là biểu hiện của sự bất lực, khi trẻ đang gặp khó khăn trong việc tìm gì đó hoặc thực hiện nhiệm vụ gì đó hoặc đơn giản chỉ là lôi kéo sự chú ý.

Giáo dục cũng là một yếu tố chủ đạo trong hiện tượng ăn vạ ở trẻ. Nếu bố mẹ liên tục nuông chiều trẻ, luôn coi trẻ là trung tâm thì khi lớn lên trẻ sẽ tiếp tục dựa dẫm, đòi hỏi cha mẹ và trẻ không bao giờ trưởng thành thực sự.

Ảnh minh họa: IT.
Ảnh minh họa: IT.

Điều trị tận gốc bệnh ăn vạ

Để có cách giải quyết cho những lần ăn vạ của trẻ, chuyên gia Nguyễn Duy Cương cho rằng, cha mẹ phải hiểu quy luật tantrum. Sự bướng bỉnh và giận dữ (thuật ngữ tiếng Anh gọi là tantrum) hay còn gọi là ăn vạ diễn ra khá thường xuyên ở trẻ nhỏ.

Có 5 cấp độ của tantrum sẽ đi qua là giận dữ, giận dữ và buồn bã, đừng chạm tôi, tôi cần cái ôm và hết giận. Bất cứ tác động nào lên cấp độ 2 như dụ dỗ, đánh lừa, mua đồ chơi để trẻ quên và chuyển sang cấp độ 5 thì tantrum lần sau sẽ mãnh liệt hơn và bạn phải dụ lớn hơn.

“Tác động tốt nhất là hãy để bé tự trải qua cấp độ 1, 2, 3 trong an toàn và điều này sẽ làm bé trưởng thành hơn trong cảm xúc, hãy tác động vào cấp độ 4 để trẻ tự nhiên trải qua cấp độ 5. Hãy cắt ngay nguồn năng lượng gây ra tantrum, đừng lo lắng khi tantrum quá đà ở cấp độ 1,2 và 3.

Bạn chỉ đơn thuần im lặng và cất những món đồ hay giải quyết tình huống gây ra sự tantrum của trẻ. Bạn phải đủ cứng rắn và kiên nghị trong suốt thời gian tantrum diễn ra ở cấp độ 1,2 và 3. Khi trẻ ở cấp độ 4, bạn có thể nói chuyện và đừng ngại dành cho trẻ cái ôm và tha thứ”, chuyên gia Nguyễn Duy Cương đưa ra lời khuyên.

Con càng hét thì cha mẹ phải càng nhỏ nhẹ. Cha mẹ tuyệt đối không nên lớn tiếng quát nạt trẻ vì nó chỉ làm tăng thêm sự kích thích để trẻ ăn vạ thêm. Sự bình tĩnh và giọng nói nhỏ nhẹ của bố mẹ cũng phần nào giúp trẻ bình tĩnh trở lại.

Cha mẹ nên cho con sự lựa chọn. Khi trẻ ăn vạ, thay vì bắt ép trẻ làm theo ý mình thì cha mẹ hãy cho con cơ hội được lựa chọn. Có thể trẻ đang khá giận dữ vì bị ép buộc làm điều mình không muốn.

Nếu đang ở nơi công cộng, cha mẹ hãy cố gắng đánh lạc hướng con, làm như con đang ở nhà và không bị ảnh hưởng bởi những người xung quanh đang nhìn theo dò xét để giúp con bình tĩnh hơn, bớt căng thẳng. Kiểu gì cơn ăn vạ cũng sẽ qua đi nhưng cách cha mẹ ứng xử để làm ăn vạ qua đi sẽ mang lại một bài học lớn về cách sống, về kiểm soát cảm xúc, và cách điều chỉnh hành vi của con.

Đứa trẻ nào cũng ăn vạ, nhưng mà chúng trở thành người có nhân cách, người điềm tĩnh, người chín chắn, người biết thỏa thuận, người biết nghe phải quấy, người biết suy nghĩ trước sau về các hành vi của mình là do cách cha mẹ phản ứng.

Nguyên-Kan, bà mẹ của ba con gái, tác giả cuốn sách “Mẹ đoảng dạy con”, chia sẻ cách xử lý cơn ăn vạ của con. Muốn xử lý được cơn giận của con một cách hiệu quả, cha mẹ cần hiểu rõ nguồn cơ ăn vạ của con. Các bé 1-3 tuổi hoặc lớn hơn, thường ăn vạ đơn giản vì chưa có nhiều khả năng diễn đạt bằng lời nói, đặc biệt là các bé 1 tuổi, chỉ biết dùng ngôn ngữ cử chỉ, hành động, tiếng khóc để giao tiếp. Nhưng ở tuổi này, các bé bắt đầu hiểu được hành vi của mình có thể ảnh hưởng tới người khác.

Sau nhiều lần đối phó với những cơn ăn vạ của con, chị Nguyễn Thị Thu, đồng dịch giả cuốn sách “Chờ đến mẫu giáo thì quá muộn” cũng đã rút ra bài học ứng phó với màn ăn vạ của con.

Theo chị Thu, trong mọi trường hợp con phản kháng, mẹ cố gắng làm sao thừa nhận mong muốn của con đầu tiên, rồi sau đó cố gắng không quát to tiếng, nói năng nhẹ nhàng và thái độ nhất quán. Lúc tức quá, mẹ cố gắng nén cơn tức xuống bằng cách hít thở sâu, rồi bỏ đi chỗ khác. Điều quan trọng nhất con cần là mẹ phải dạy con học cách kiềm chế và điều chỉnh cảm xúc của bản thân mình.

Trong mỗi lần con đòi hỏi và ăn vạ cách ứng xử của mẹ không phải để con nhanh nín, nghe theo lời mẹ mà chính là dẫn dắt để con bộc lộ cảm xúc của mình, đối diện với nó rồi từ đó học cách kiềm chế nó qua mỗi lần con phản kháng và ăn vạ.

Chị Thu cho rằng, tuổi lên 2-3 chính là giai đoạn tuyệt vời để con học được điều ấy. Con chưa nói sõi, chưa biết rõ cảm xúc của mình, chưa biết cách điều chỉnh nó, chưa biết được cảm xúc của người khác ra sao mà mới chỉ suy nghĩ đến cảm xúc của bản thân.

Vì vậy, lời nói thừa nhận của mẹ về mong muốn của con sẽ giúp con hiểu mẹ biết như thế, nhưng mẹ cũng nói ra là nó không được để con hiểu rằng có cái con được phép làm, có cái con không được. Nhiều lần lặp đi lặp lại con sẽ học được là cái nào được phép, cái nào không và xử lí cảm xúc của mình.

Đồng tình với quan điểm này, TS.BS Nguyễn Thị Tuyết Minh, Trung tâm nghệ thuật Atelier Minh bày tỏ, nếu con đòi gì đó khi đang ở siêu thị hay cửa hàng thì cha mẹ nên kiên quyết không đáp ứng yêu cầu. Khi con ăn vạ tại đó, cha mẹ cần phải thản nhiên bỏ đi, dĩ nhiên, mắt vẫn phải quan sát con nhưng đừng cho trẻ thấy. Trẻ sẽ phải nhanh chóng chạy theo.

Màn xử lý ăn vạ sẽ còn xảy ra thêm vài lần nữa nhưng rồi trẻ sẽ nhanh chóng rút kinh nghiệm và giảm đòi hỏi. Trẻ con rất khôn ngoan nên xử lý các bé không dễ. Điều quan trọng là cha mẹ cần có bản lĩnh, kiên quyết, nói thì sẽ làm, bình tĩnh, không cáu gắt, sẵn sàng cho trẻ lăn ra gào khóc. Chỉ có thái độ và cách xử lý kiên quyết của cha mẹ ngay từ những pha ăn vạ đầu tiên trong đời sẽ tôi rèn trẻ trở thành con người bản lĩnh, dám làm, dám chịu trong tương lai.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ