Làm đẹp cho con: Đừng “ép” con “chín” quá sớm

GD&TĐ - Hầu hết, các bậc phụ huynh đều nhận thấy con mình là đẹp nhất. Vì thế, ở nhiều người, chăm lo ngoại hình cho con đẹp hơn mỗi ngày cũng chính là để cha mẹ được hãnh diện về con.

Diễn viên Lan Phương chăm sóc con gái. Ảnh: IT.
Diễn viên Lan Phương chăm sóc con gái. Ảnh: IT.

Xã hội phát triển, trẻ ngày càng được quan tâm, chăm sóc về ngoại hình, nhất là những gia đình có điều kiện kinh tế hay những người làm nghệ thuật, người nổi tiếng luôn chú trọng hình ảnh. Đối với sao Việt, có nhiều quan điểm dạy con khác nhau, nhất là việc có nên “ép chín” để con làm đẹp quá sớm.

“Cuộc chiến” làm đẹp

Ngày nay, cái đẹp luôn được xem trọng trong đời sống thường ngày khiến mọi người chú tâm chăm chút cho ngoại hình hơn, kể cả với con cái. Các bậc phụ huynh cũng có điều kiện để chăm sóc con trong điều kiện tốt nhất. Họ quan tâm hơn tới việc đầu tư về ngoại hình, vóc dáng, gu thời trang, kiểu tóc…

Nhiều phụ huynh muốn con mình đẹp hơn, nổi bật, để con được hãnh diện với bạn bè. Thậm chí, đó cũng là cách để cha mẹ được tự hào vì con cái.

Hầu hết, các bậc phụ huynh đều nhận thấy con mình là đẹp nhất. Vì thế, ở nhiều người, chăm lo ngoại hình cho con đẹp hơn mỗi ngày cũng chính là để cha mẹ được hãnh diện về con.

Đối với trẻ là con của những người nổi tiếng, cơ hội để trẻ xuất hiện trước công chúng khá nhiều, vì thế, làm đẹp cho con cũng là yếu tố được sao Việt rất coi trọng.

Diễn viên Lan Phương, bà mẹ được giới showbiz Việt ngưỡng mộ vì luôn chăm chút, dạy dỗ con gái dù công việc bận rộn.

Lan Phương coi con cái chính là ưu tiên số 1, vì vậy, có những ngày đi quay phim, cô mang cả con theo để tiện việc cho bú khi còn nhỏ. Hiện, con gái của nữ diễn viên xinh đẹp và anh chồng ngoại quốc đã lớn hơn, thế nhưng, cô vẫn quan niệm, trẻ ở mỗi độ tuổi cần được sống đúng với tuổi thơ của mình, không nên “ép” con “chín quá sớm” trong việc ăn mặc cũng như làm đẹp.

Lan Phương cho rằng: “Rất nhiều cha mẹ cứ nghĩ rằng, việc làm đẹp sớm sẽ hình thành thói quen để con biết yêu thương và trân trọng chính bản thân mình. Thế nhưng, điều đó chưa thật sự phù hợp với trẻ nhỏ.

Đối với trẻ ở độ tuổi mẫu giáo, chỉ cần dạy con biết ăn mặc gọn gàng sạch sẽ, biết vệ sinh cá nhân cũng như chải tóc đối với bé gái hay biết buộc dây giầy đúng cách đối với bé trai là đã góp phần giúp con đẹp hơn rồi. Khi trẻ còn nhỏ, cha mẹ thường xuyên cho đi trang điểm, làm tóc, chọn màu nhuộm hợp thời trang sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ bởi hóa chất.

Thậm chí, nhiều em bé mới học tiểu học đã diện đồ hiệu đắt tiền tới trường cũng là điều không cần thiết. Quan trọng nhất ở độ tuổi này của trẻ không phải là chăm chú vào việc chọn quần chọn áo, mà chính là việc sống đúng với độ tuổi hồn nhiên mà các con vốn có, chứ không phải là mình phải nổi bật hơn các bạn”.

Tưởng “đẹp” mà “xấu”…

Cô giáo Nguyễn Phương Thanh – Tổng phụ trách Đội Trường Tiểu học Kim Đồng (Hà Nội) chia sẻ: “Ở trường học, khi các con còn nhỏ, cha mẹ dạy cho con quá chú trọng đến thời trang, phong cách ăn mặc sẽ khiến trẻ đôi lúc bị cách biệt so với bạn bè.

Thử tưởng tượng khi các bạn đi học chỉ cần đầu tóc gọn gàng, trang phục sạch sẽ là đã rất đẹp rồi. Còn con bạn lại có những bộ đồ hiệu đắt tiền, tóc uốn xoăn hay ép thẳng sành điệu, môi tô son, đánh má hồng hay sơn móng tay…

Điều này sẽ khiến trẻ như những “ngôi sao” dị biệt. Những “ngôi sao” này chỉ thích chơi với những người có gu giống mình. Hoặc những trẻ khác cảm thấy không hợp với chính con bạn. Vì thế, đến trường để con được học tập và vui chơi, nếu không phải là buổi biểu diễn trên sân khấu, con không cần phải gây ấn tượng bằng cách làm đẹp quá sớm như vậy”.

Nữ diễn viên Thanh Hương có 2 cô con gái mới qua tuổi học tiểu học. Tuy nhiên, cô vẫn cho rằng không phải cứ con nhà sao là phải ăn diện và hợp mốt. Đôi lúc, chính cha mẹ đang tự tạo phong cách cho trẻ chứ chưa hẳn bản thân con đã muốn như vậy.

Việc bắt con phải mặc theo kiểu này, trang điểm theo cách kia khiến con không được lựa chọn từ việc nhỏ nhất, sau này, con cũng bị phụ thuộc vào cha mẹ mà không dám đưa ra quyết định gì. Nếu chúng ta biến đứa trẻ thành bản sao của người lớn thì nó sẽ mất đi cá tính riêng của nó. Hơn nữa, trẻ có rất nhiều thời gian để làm đẹp, chứ không cần “ép” để nhất định phải đẹp”.

Thanh Hương cũng cho biết thêm, việc cha mẹ mong muốn con chăm sóc bản thân từ sớm không cần bắt đầu từ chuyện làm đẹp, tô son điểm phấn mà cần nuôi dưỡng tâm hồn cho trẻ, biết yêu thương chia sẻ và giúp đỡ mọi người. Hơn nữa, kể cả bé trai cũng như bé gái, nếu từ nhỏ đã quá chăm chút về ngoại hình, lớn lên có thể bị ảnh hưởng tới tính cách như khó tính, khó hòa đồng hoặc có những biểu hiện lệch lạc giới tính…

Như vậy, không có độ tuổi nào để làm mốc cho việc được làm đẹp mà quan trọng nhất là sự phù hợp. Cha mẹ là người ảnh hưởng khá lớn đến việc tạo dựng hình ảnh cho con, vì vậy, hãy định hướng cho trẻ có cách ăn mặc gọn gàng, cách làm đẹp đúng độ tuổi và quan tâm hơn tới sở thích của trẻ.

Đôi khi, trẻ hoàn toàn “vô tội” trong việc làm đẹp bởi chúng đang là “bản sao” của người lớn hay của một ai đó mà tác giả chính là do cha mẹ gây ra. Vì thế, đừng “ép” con “chín” quá sớm trong chuyện làm đẹp, bởi điều đó chưa đẹp đúng nghĩa với trẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Cảnh giác với dòng rip

GD&TĐ - Dòng rip là luồng nước mạnh chảy vuông góc từ bờ ra biển. Hiểu nôm na, đó là một dòng nước chảy xiết nhưng bằng mắt thường rất khó phát hiện.
Học sinh Trường THPT Đức Hợp (Kim Động, Hưng Yên) tham gia trò chơi tại chương trình “Hành trình khởi nghiệp từ THPT” năm 2024. Ảnh: TG

Cách làm mới hỗ trợ khởi nghiệp từ THPT

GD&TĐ - “Hành trình khởi nghiệp từ THPT” là cách làm mới mà nhiều địa phương đã và đang kết hợp với cơ sở GD đại học nhằm hỗ trợ học sinh THPT khởi nghiệp...
Ảnh minh họa.

Cân nhắc khi học trung cấp y

GD&TĐ - Bộ Y tế thông báo không cấp giấy phép hành nghề đối với y sĩ trình độ trung cấp sau ngày 31/12/2026.
Học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Võ Trường Toản (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ). Ảnh NTCC

Hiểu đúng về giai đoạn tiền Tiểu học

GD&TĐ - Nhiều gia đình tìm các lớp học tiền tiểu học nhằm học trước kiến thức mà quên việc quan trọng là trang bị tâm thế, kỹ năng để bắt nhịp với cấp học mới.