Giáo dục gia đình đang bị bỏ quên?

GD&TĐ - Nhiều cha mẹ cho rằng “nhà trường sẽ phải thay đổi và phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về sự trưởng thành của học trò – con cái của họ”. Vì thế, họ thường đổ lỗi cho nhà trường, cho nền giáo dục trong việc để xảy ra bất cập trong chất lượng giáo dục hiện nay. Bá

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Báo GD&TĐ đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS Chu Cẩm Thơ, Phó trưởng ban phụ trách Ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam về vấn đề này.

Những nhận thức sai lầm

- Ngày nay, mối quan hệ cha mẹ và con cái trở nên lỏng lẻo do sự chi phối của thiết bị công nghệ. Quỹ thời gian hạn hẹp 2 tiếng mỗi tối dành cho nhau, con vùi đầu sách vở hoặc cha mẹ bận với thiết bị số. Nhiều cha mẹ lại cho rằng GD con đã có nhà trường lo. Quan điểm của chị về vấn đề này như thế nào?

Trước đây tôi cũng từng nghĩ rằng những yếu tố bên ngoài đang “có lỗi” khi chi phối cuộc sống của chúng ta. Nhiều người dành thời gian cho điện thoại, ti vi, trò chơi trên máy tính, hay cả những cuộc vui nhiều hơn cho gia đình, trong đó có việc giáo dục con cái.

Nhưng khi nghiên cứu, tôi thật sự nhận ra rằng, chúng ta đang có những nhận thức sai lầm về giáo dục gia đình nói riêng, về vai trò - trách nhiệm của gia đình nói chung đến đời sống của mỗi con người.

Dù xã hội hiện đại phát triển đến đâu đi chăng nữa thì gia đình vẫn là tế bào, là cái nôi đầu tiên của mỗi người, để ở đó họ sinh trưởng, học tập… Sự nhận thức đúng đắn sẽ giúp chúng ta nhận ra đâu là những việc quan trọng, cần ưu tiên.

Chẳng hạn, mục đích cuộc sống không thể chỉ là kiếm tiền được, mà cần bắt đầu: Chúng ta là ai? Chúng ta sẽ trở thành người như thế nào?

Con cái chúng ta cũng cần chúng ta giúp đỡ để tự hình thành câu trả lời đó. Chính vì thế, chúng ta cần dành cho nhau thời gian, nội dung và cách giáo dục gia đình phù hợp.

Gia đình có thể không phải là nơi để dạy con kiến thức, nhưng chắc chắn là nơi dạy con những cách nghĩ, cách làm, những thói quen, những chuẩn mực của một con người. Gia đình cũng là nơi ảnh hưởng đầu tiên và quan trọng nhất đến lối sống, đến đạo đức của con trẻ.

Bỏ quên nhiệm vụ của mình

- PGS đã nói đến GD gia đình dường như đang bị bỏ quên. Vậy trong quá trình dạy con cũng như công tác GD, câu chuyện nào chị thường gặp trong các gia đình hiện nay?

Tôi là một người hoạt động trong lĩnh vực giáo dục và cũng là phụ huynh của 2 con. Công việc hàng ngày giúp tôi chứng kiến rất nhiều tình huống, hoàn cảnh giáo dục.

Tôi biết có rất nhiều gia đình vẫn giữ được nề nếp; họ quan tâm, giáo dục con từ trước khi đến trường và chủ động phối hợp cùng nhà trường trong việc học, việc rèn luyện của con họ.

Với những trường hợp ấy, dù bối cảnh trường học, xã hội đang có những rối ren thì những đứa trẻ vẫn chủ động học tập và không chịu quá nhiều tác động.

Tuy nhiên, không ít gia đình đã bỏ quên nhiệm vụ của mình. Thực tế, tôi bắt gặp những cha mẹ không hề làm gương cho con của mình. Họ mắc lỗi từ ứng xử với những người thân, hàng xóm, đến vi phạm những quy định của luật lệ.

Còn có những hiện tượng phổ biến như phản bác lại những nội dung giáo dục do nhà trường thực hiện. Một hiện tượng nữa đó là trong gia đình không hề có định hướng về tư tưởng, nếp sống… cho con.

Theo một nghiên cứu mới đây của chúng tôi, tỉ lệ bữa ăn gia đình đang bị giảm sút, ngay cả ở vùng nông thôn. Bữa ăn không được diễn ra nghĩa là mất đi một môi trường trò chuyện, giao lưu, giáo dục lẫn nhau.

Gia đình cũng bỏ quên trách nhiệm giáo dục nghề nghiệp, kĩ năng sống cho các con. Điều đó thể hiện ở việc phó mặc hoặc chỉ coi việc học kiến thức trên lớp là quan trọng mà đứa trẻ thiếu người kèm cặp, hướng dẫn làm những việc cần thiết trong đời sống.

Quan trọng nhất là giáo dục giá trị, đạo đức, lối sống. Có một thực tế: Nhiều bậc làm cha mẹ, ông bà nhưng có nhận thức sai lệch về giá trị, đạo đức. Điều này có ảnh hưởng tiêu cực đến việc hình thành tư tưởng, quan điểm… nhân cách của con người.

Chủ động thay đổi nhận thức, hành động

- Sợi dây kết nối các thành viên trong gia đình vô hình dần biến mất và hệ luỵ của nó không hề nhỏ. Theo chị, cần làm gì để gia đình vừa là cái nôi giáo dục trẻ em vừa là “đối tượng” của nền giáo dục như chị đã từng chia sẻ?

“Trong một cuốn sổ tay dành cho gia đình, tôi có đọc được điều này: “Việc nuôi dạy trẻ rất vất vả, nhưng cũng đem lại nhiều niềm vui và hạnh phúc lớn lao”. Ở mỗi thời kỳ xã hội, những triết gia thường bắt đầu luận bàn từ “gia đình” – họ luôn coi đó là “tế bào” của xã hội. Gia đình vừa là cái nôi giáo dục trẻ em vừa là “đối tượng” của nền giáo dục. Khi bàn luận về thực thi giáo dục mà quên giáo dục gia đình thì thật sự là sai lầm lớn”, PGS.TS Chu Cẩm Thơ chia sẻ.

Quan điểm của tôi đó là cần làm rõ vai trò của giáo dục gia đình. Bắt đầu từ giúp những thanh niên, những gia đình trẻ nhận thức và biết cách tổ chức cuộc sống gia đình.

Sự thiếu hụt những hiểu biết và kĩ năng cho cuộc sống gia đình của nhiều người là có thật, và họ cần được giúp đỡ. Chúng ta cần có các khóa học cho người lớn. Nhà trường cần chủ động các nội dung “giáo dục lại phụ huynh”, giúp họ biết cách xác định mục tiêu cho con, nội dung, cách thức phù hợp để giáo dục, đánh giá con của họ…

Xã hội cần tạo ra môi trường và phong trào để người người thay đổi nhận thức một cách chủ động. Sau đó, cần quy trách nhiệm của gia đình trong giáo dục con cái, phối hợp với nhà trường, xã hội để tạo môi trường cùng con học tập và lớn lên.

Chúng ta không thể chỉ tác động lên một đối tượng trong tổng thể các mối quan hệ xã hội rất phức tạp. Chủ động thay đổi nhận thức, hành động và tác động đa chiều sẽ khiến chúng ta ý thức rõ ràng trách nhiệm và năng lực của bản thân mình.

- Xin trân trọng cảm ơn PGS!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.