Em dâu phẫn nộ vì chị chồng vô tâm

GD&TĐ - Ai cũng bảo tôi may mắn vì được làm dâu út. Bố mẹ chồng tôi sinh được 3 người con, ai cũng phương trưởng, thành đạt.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Anh chồng tôi công tác ở miền Nam rồi đón cả vợ con vào trong đó ổn định cuộc sống nên thành ra vợ chồng tôi phải làm tròn nghĩa vụ... con trưởng. Nhưng với tôi, việc sống cùng bố mẹ chồng không thành vấn đề vì họ rất yêu thương tôi.

Có lúc mẹ chồng còn bảo: "Mẹ biết con trẻ bây giờ không ai thích ở với người già đâu, mẹ hiểu con vất vả lắm chứ, thế nên có việc gì giúp được thì con cứ để mẹ làm, mẹ vẫn còn khỏe nên không thích ngồi một chỗ đâu".

Nghe được những lời này, tôi càng thêm trân quý mẹ chồng, tôi coi bà như mẹ đẻ, bố chồng tôi cũng là người mát tính, lúc nào cũng cười hiền và chưa bao giờ trách mắng con dâu điều gì. Tôi không ấm ức việc phải đảm nhiệm vai trò "dâu cả" trong nhà nhưng dạo gần đây tôi không thể "hiền" được nữa.

Chuyện là trên chồng tôi còn có một người chị gái, từ bé chị đã "nổi tiếng" lười chảy thây. không ít lần vợ chồng tôi ghé qua nhà chị chơi, chứng kiến cảnh mẹ chồng chị tất bật nấu nướng, dọn dẹp còn chị thảnh thơi ngồi xem tivi.

Tôi cứ nghĩ chuyện này chưa từng có tiền lệ trong thế giới của mẹ chồng - nàng dâu, thắc mắc thì chồng tôi bảo: "Chị ấy sướng từ trong trứng, hồi nhỏ chị ấy nghĩ ra đủ trò để trốn việc, có hôm ăn xong, sợ phải rửa bát, thế là chị ấy xé cả hàng rào để đi chơi. Chỉ tội anh cả phải làm hết việc nhà vì hồi đó anh còn nhỏ quá.

Lười như chị ấy thế mà lại sướng, chẳng ai ngờ chị ấy lại lấy được anh chồng hiền lành, chăm chỉ, giành hết việc nhà của vợ, chưa kể còn có thêm bà mẹ chồng chiều con dâu hơn con đẻ".

Nghe chồng kể đến đấy, tôi bắt đầu nóng mặt: "Chị ấy nghĩ số mình sướng thì cứ việc hưởng thôi à? Em thấy chị ấy sống như thế là hơi quá đáng với những người xung quanh". Thấy tôi phản ứng hơi mạnh, chồng tôi gàn: "Thôi, chuyện nhà người ta thì mình can thiệp làm gì hở em?".

"Chị ruột của anh chứ có phải người ngoài đâu. Nói ra lại bảo em ác nhưng em không hài lòng với thái độ của chị ấy chút nào. Được tiếng về thăm bố mẹ đẻ mà anh biết chị ấy làm gì không? Em để ý, lần nào đến đây thì việc đầu tiên chị ấy làm là vào bếp nhà mình mở tủ lạnh, hết lấy trái cây rồi lại lôi thịt bò khô, bưng ra ngoài phòng khách, bật ti vi lên xem. Bố mẹ ở trên gác còn chẳng biết chị ấy đến. Xem ti vi chán chê, chị ấy ráo một câu: "Con về đây". Em đứng đó mà chị ấy coi em  như người vô hình".

Ít khi thấy tôi bức xúc chuyện gia đình nên chồng tôi hơi sốc, anh cố xoa dịu: "Chị ấy vô tư như thế từ nhỏ mà, em để bụng làm gì". "Em nghĩ chị ấy vô tâm chứ không phải vô tư đâu. Nhiều lúc em thấy thương bố mẹ anh, các cụ bảo "con gái mà gả chồng gần, có bát canh cần nó cũng mang sang", nói ra lại bảo hẹp hòi nhưng chưa lần nào em thấy chị ấy biếu bố mẹ được cái gì, lần nào sang đây cũng chén đủ thứ rồi mới về...".

Chị chồng vô tâm với bố mẹ nhưng giữa tôi và chị chưa bao giờ xảy ra chuyện "sân si". Chị coi tôi là người vô hình, còn tôi nghe lời chồng, cố gắng coi chị là người vô tư.

Nhưng có những chuyện tôi không thể không phản ứng. Dạo này bố mẹ chồng tôi hay đau ốm, trong khi cả tôi và chồng đang trong giai đoạn bận bù đầu ở cơ quan. Tôi bảo chồng: "Chị anh rảnh, anh bảo chị ấy thỉnh thoảng sang ngó bố mẹ, cắm nồi cơm rồi hâm nóng thức ăn em đã chuẩn bị sẵn. Để bố mẹ ở nhà em không yên tâm chút nào. Anh cả ở xa thì không nói, chị ấy là phận gái nhưng cũng phải có chút trách nhiệm với bố mẹ chứ".

Tưởng nghe tin bố mẹ ốm thì chị ấy sẽ phải sốt sắng hỏi han, ai ngờ vừa sang đến nơi là chị hỏi: "Mẹ chưa cắm nồi cơm à? Thế thôi, con về đây".

Ngày hôm sau chị ấy cũng ra vẻ tất tả chạy sang, nhưng việc đầu tiên chị ấy làm là đi tìm điều khiển ti vi, bấm loạn xạ, thấy ti vi sôi ầm ầm, chị ấy buông một câu: "Ơ, mất cáp à?", sau đó chị cũng... mất hút.

Mẹ chồng phải kể ra sự thật đó vì tôi cứ gặng hỏi bà: "Mẹ ơi, sao nồi cơm sạch bong thế này? Thức ăn con chuẩn bị sẵn thì vẫn nguội ngắt, hôm nay chị Tuyết không sang đây ạ?".

Tôi thương bố mẹ chồng đến chảy cả nước mắt, trong khi chị ta là con đẻ mà không biết xót bố mẹ, tôi suy nghĩ nát cả óc cũng chẳng thể lý giải nổi chuyện này. Cuối cùng vợ chồng tôi phải thuê người giúp việc canh chừng ông bà cả ngày mới yên tâm đi làm, còn chị chồng tôi thì đúng là... bất trị!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giáo viên Trường Tiểu học Lê Đình Chinh với sáng kiến tổ chức cho học sinh viết thư “điều con muốn nói” gửi đến ba, mẹ trong buổi họp sơ kết học kỳ I năm học 2023 - 2024. Ảnh: PV

Chống 'sốc' cho giáo viên trẻ

GD&TĐ - Không chỉ gặp khó khăn về phương pháp sư phạm, nhiều giáo viên trẻ còn hạn chế trong kỹ năng quản lý lớp học, tương tác với phụ huynh, học sinh…