Đừng để “mất” con vì coi Youtube như người trông trẻ

GD&TĐ - Câu chuyện bé gái 5 tuổi ở TP.HCM tử vong gần đây do tự thắt cổ theo nội dung vô tình xem được trên youbube, khiến dư luận không khỏi bàng hoàng, đau xót.

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Theo các chuyên gia về trẻ em, một phần lỗi do lỗ hổng quản lý các nội dung chia sẻ trên mạng xã hội nhưng lỗi lớn nhất thuộc về các bậc cha mẹ. 

Nhan nhản độc hại trá hình

Nghi vấn về nguyên nhân cái chết của bé gái được cho là học theo trò chơi treo cổ trong video trá hình Heo Peppa trên Youtube.

Trước đó, năm 2019, đã có một cháu bé 7 tuổi tại TP.HCM học theo trò thắt cổ mà suýt tử vong, hay một cháu bé khác bị đứt mạch máu vì dùng tay đập vỡ cửa kính giống như clip trên mạng.

Bằng từ khoá “tự tử”, Youtube cho ra hàng loạt kết quả, những clip độc hại vẫn trôi nổi, chỉ trực chờ một cú chạm tay. Trong khi tình trạng lạm dụng điện thoại như một người trông trẻ thời hiện đại ngày càng phổ biến.

Trên Youtube hiện xuất hiện những video trá hình của Heo Peppa dạy các bé tự tử, bạo lực, đoạn đầu là clip bài hát, nhân vật hoạt hình như bình thường, sau đó các nhân vật trong clip làm những hành động bạo lực như dùng dao cắt lên người, nhổ răng hay tự tử.

Tuy nhiên, nền nhạc vẫn là nhạc của phim hoạt hình, nếu bố mẹ không xem cùng con thì không tài nào phát hiện ra được.

Năm 2019, nhiều bố mẹ cũng hoang mang trước “thử thách Momo”, trò chơi tự sát nguy hiểm xuất hiện trên một số kênh youtube có thể khiến trẻ tự tử. Đây là bài học lớn cho các gia đình có con nhỏ. Tuyệt đối không để trẻ chơi một mình và bố mẹ cũng cần phải kiểm soát nội dung con xem trên Youtube. Bởi không nhiều gia đình có sự giám sát đủ chặt và an toàn để biết con em mình xem gì trên Youtube.

Bàn về việc kiểm soát các nội dung độc hại trôi nổi trên mạng xã hội, Luật Sư Nguyễn Huế (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng: “Tài khoản để xem các nội dung video trên YouTube là tài khoản của người sử dụng thiết bị, thường là của người lớn. Vì vậy, trẻ dùng thiết bị hoàn toàn có thể xem được những video không dành cho đối tượng lứa tuổi của chúng.

Bên cạnh đó, YouTube còn nhiều kẽ hở quản lý khiến video có nội dung tiêu cực, kích động hành vi tiêu cực tiếp cận nhanh chóng tới trẻ.

Gần đây, các cơ quan chức năng đã có thêm những động thái đẩy mạnh kiểm soát nội dung chia sẻ trên mạng xã hội. Tuy nhiên, quá trình này cần được thực hiện nhanh hơn và triệt để hơn để hạn chế tối đa những hậu quả đáng tiếc sinh ra từ sự thiếu kiểm soát nội dung trên mạng xã hội.”

Hình ảnh bé gái 5 tuổi thiệt mạng mới đây do học theo trò "thắt cổ không chết" trên Youtube. (Ảnh: IT).
Hình ảnh bé gái 5 tuổi thiệt mạng mới đây do học theo trò "thắt cổ không chết" trên Youtube. (Ảnh: IT).

Phụ huynh hãy tự cứu lấy con mình

Theo chuyên gia tâm lý Trần Thị Mạnh Linh (GĐ công ty tham vấn, tư vấn trị liệu tâm lý Mạnh Linh School psychology), trẻ con dễ dàng học và làm theo các hành vi trên Youtube. Kể cả những điều có thể làm đứa trẻ có hành vi gây ảnh hưởng đến sức khoẻ ví dụ như cắt tay, tự tử,…

Câu chuyện đau lòng trên là lời cảnh tỉnh cho tất cả các bố mẹ. Bất cứ điều kiện nào, hãy luôn để mắt đến những thứ mà con mình đang xem trên Youtube hàng ngày. Chỉ vì vài view, vài lượt đăng ký trên Youtube mà các kênh Youtube bất chấp dạy trẻ những điều làm hại bản thân trong khi các cháu còn chưa nhận thức được mọi thứ.

Năm 2019, Tổ chức y tế thế giới (WHO) công bố chỉ dẫn việc nên cho trẻ dưới 5 tuổi không nên tiếp xúc màn hình các thiết bị điện tử hơn một giờ mỗi ngày và càng ít tiếp xúc càng tốt.

Với trẻ dưới 1 tuổi, việc tiếp xúc này nên cấm tuyệt đối. Các chỉ dẫn của WHO cũng tương tự với lời khuyên của Hiệp hội Nhi khoa Hoa Kỳ, khuyến cáo trẻ dưới 18 tháng tuổi cần tránh tiếp xúc với màn hình thiết bị điện tử.

Cũng theo chuyên gia tâm lý Trần Thị Mạnh Linh: Rất khó để ngăn chặn những nội dung độc hại trên Youtube. Vì vậy, bố mẹ cần chủ động ngăn chặn con tiếp xúc với những nội dung độc hại này.

Nếu có con nhỏ dưới 12 tuổi, bố mẹ có thể bảo vệ con khỏi những nội dung nguy hiểm trên Youtube bằng cách thiết lập một tài khoản gia đình bằng tài khoản Gmail và lập kênh Youtube đi kèm. Tài khoản gia đình cho phép bố mẹ tạo các danh sách phát các video được phê duyệt và đăng ký các kênh thân thiện với gia đình.

Nếu con bạn xem video trên tài khoản này chúng sẽ hiển thị trong danh sách lịch sử để bố mẹ có thể theo dõi.

Để giữ tài khoản an toàn, bố mẹ có thể thiết lập một số bảo mật như tắt tuỳ chọn tìm kiếm và tạm dừng lịch sử xem, bật chế độ an toàn, chế độ hạn chế, khoá chế độ an toàn.

Ngoài ra, bố mẹ cần sát sao hơn những nội dung con xem bằng cách thường xuyên kiểm tra máy tính của con, nói chuyện thẳng thắn với con những việc cần làm khi thấy nội dung xấu trên youtube. Bố mẹ cần biết lựa chọn chương trình chất lượng với giá trị giáo dục và cha mẹ nên xem cùng con để giúp trẻ hiểu những gì chúng xem.

Hy vọng những câu chuyện đau lòng như vậy sẽ mãi mãi không bao giờ xảy ra nữa.

“Đặc biệt, với bất cứ độ tuổi nào, khi cho con xem youtube cha mẹ nhất thiết nên xem cùng con để tránh những nội dung độc hại trà trộn trong một clip có vỏ bọc lành mạnh. Bởi những nội dung thiếu tính giáo dục có thể gây hại nặng nề đến tâm lý của trẻ và nguy cơ dẫn đến những hậu quả không thể cứu vãn", chuyên gia tâm lý Trần Thị Mạnh Linh nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ