Dạy con tự tin - “Đồng xu hai mặt”

GD&TĐ - Nhút nhát là chuyện thường thấy ở trẻ em. Cha mẹ “khoan” nóng vội trong việc khuyến khích trẻ tự tin. Thay vào đó, phụ huynh cần đồng hành và giúp con từng bước cởi mở hơn.

Trẻ dễ căng thẳng trước môi trường xung quanh có khả năng nhút nhát khi lớn. Ảnh minh họa: Thế Đại
Trẻ dễ căng thẳng trước môi trường xung quanh có khả năng nhút nhát khi lớn. Ảnh minh họa: Thế Đại

Việc thiếu tự tin có thể khiến trẻ khó hòa nhập hơn các bạn đồng trang lứa. Tuy nhiên, tính cách này đồng thời là một ưu điểm, giúp trẻ bảo vệ bản thân trước những người lạ thiếu an toàn.

Một phần tự nhiên  trong tính cách

Bà Nguyễn Hân - giáo viên bộ môn FasTracKids STEM tại Hệ thống giáo dục kỹ năng sống Cara (Hà Nội) nhận định, hoàn toàn không sai khi một đứa trẻ có tính cách nhút nhát. Tuy nhiên, cảm giác ngại ngùng kéo dài và thường xuyên sẽ ảnh hưởng tới quá trình phát triển kỹ năng sống cho trẻ. Thậm chí, tình trạng này sẽ cản trở trẻ tận hưởng trải nghiệm mới. Theo chuyên gia này, phần lớn trẻ có thể trở nên nhút nhát khi đến môi trường mới.

“Hầu hết những ngày ở nhà, miệng người bạn nhỏ không bao giờ ngừng hoạt động. Chiếc hộp trò chuyện có thể lấp đầy mỗi giờ với các câu hỏi và nhận xét. Nhưng nếu một ngày, chiếc hộp trò chuyện nhỏ được đặt vào khung cảnh xa lạ, như một lớp học mẫu giáo hay sân chơi với những đứa trẻ mới, con “bỗng nhiên” trở nên rụt rè”, bà Nguyễn Hân dẫn chứng.

Tuy nhiên, cha mẹ hoàn toàn không cần lo lắng, bởi tình trạng này không ảnh hưởng đến việc phát triển kỹ năng sống của trẻ. Lý giải về điều này, bà Hân cho rằng, rụt rè có thể là một phần tự nhiên trong tính cách của trẻ.

“Thực tế, nhiều trẻ em được sinh ra với xu hướng thận trọng trong những tình huống mới. Thời gian chuyển tiếp tăng cường sự nhút nhát, vì vậy trường mầm non sẽ là thử thách với con khi lần đầu đến trường. Ngay cả khi những đứa trẻ cực kỳ tự tin cũng có thể trở nên rụt rè khi phải đối mặt với những điều bất ngờ”, bà Hân cho biết.

Thông thường, không ít trẻ bày tỏ sự “ngao ngán” môi trường xung quanh với những người xa lạ. Bởi, cha mẹ thường kỳ vọng về cách con cư xử ở những nơi này, như: Mỉm cười, vẫy tay, giới thiệu… Bên cạnh đó, bà Nguyễn Hân nhận định, kích thước cơ thể của người lớn cũng khiến trẻ thu mình lại.

Đặc biệt, việc nghe cha mẹ và người xung quanh nói nhiều về những mối nguy hiểm ngoài xã hội, hoặc lời nhắc không nên nói chuyện với người lạ... cũng vô tình tạo ra tâm lý sợ hãi ở trẻ.

“Để hoàn thiện hơn trong quá trình phát triển kỹ năng sống của trẻ, cha mẹ hãy để con trò chuyện với bạn trong một phút trước khi giới thiệu. Khi con cảm thấy thoải mái với người này, bé yên tâm hơn và sẽ có nhiều khả năng nói chuyện”, chuyên gia gợi ý.

Cũng theo bà Hân, nếu trẻ không muốn nói xin chào, cha mẹ cũng không nên ép con. Tuy nhiên, khi về nhà, phụ huynh có thể nói chuyện với trẻ về lý do con cảm thấy không thoải mái. Để con làm quen, cha mẹ được gợi ý giúp trẻ thực hành bắt tay, mỉm cười giới thiệu và trò chuyện với những “bạn” quen thuộc ở nhà, như thú nhồi bông.

Không chỉ mất hết cảm giác tự tin khi tới những nơi xa lạ, nhiều trẻ còn giữ im lặng suốt thời gian thực hiện nhiệm vụ. Có lẽ, việc chứng kiến con không hề mấp máy môi trong suốt buổi học mới không phải là điều mới mẻ đối với một số phụ huynh.

“Một số trẻ thích trở thành trung tâm của sự chú ý, nhưng số khác thích ngồi một chỗ và quan sát. Điều này có thể gần với loại hình thông minh hướng nội, thuộc về tính cách của trẻ. Đôi khi, trẻ sợ phạm sai lầm và xấu hổ. Thậm chí, trẻ còn lo lắng rằng người khác sẽ nghĩ mình kỳ lạ”, bà Nguyễn Hân giải thích.

Do đó, để phát triển kỹ năng sống cho trẻ, cha mẹ được khuyến khích cùng con luyện tập cách giới thiệu bản thân, học đứng thuyết trình, hay đơn giản là đọc một bài thơ... Những biện pháp này có thể làm dịu sự lo lắng của con. Điều quan trọng là, phụ huynh hãy để con biết rằng, cha mẹ sẽ đồng hành cùng trẻ dù ra sao.

Nữ chuyên gia cho rằng, cha mẹ có thể giúp con trở nên độc lập và hiểu biết xã hội hơn thông qua việc để trẻ thực hành những kỹ năng đơn giản, bao gồm: Trả lời điện thoại; Trả tiền cho nhân viên thu ngân tại siêu thị; Nói “cảm ơn”, “xin lỗi” hoặc đề nghị giúp đỡ đối với người lớn không quen; Đề nghị một người bạn chơi cùng hoặc hỗ trợ.

“Nhút nhát có thể xuất hiện khi trẻ mới sinh ra và tồn tại như một phản ứng học được do ức chế, tùy vào từng tình huống. Tiến sĩ Jerome Kagan tại Đại học Harvard phát hiện ra rằng, một đứa trẻ ngần ngại tiếp cận vật thể lạ hoặc không dám nói chuyện với người lạ lúc 21 tháng tuổi, có khả năng vẫn còn nhút nhát khi 12 tuổi”, bà Nguyễn Hân dẫn chứng.

Ngoài ra, phụ huynh cũng được gợi ý cho con tham gia vào các khóa học kỹ năng sống. Khi đó, trẻ sẽ được phát triển đúng cách ngay từ nhỏ để tự tin hơn. Con cũng sẽ được tiếp xúc, tương tác với nhiều bạn đồng trang lứa, cùng nhau phát triển bản thân.

Cha mẹ cần hỗ trợ và khuyến khích trẻ tự tin hơn. Ảnh minh họa: Thế Đại
Cha mẹ cần hỗ trợ và khuyến khích trẻ tự tin hơn. Ảnh minh họa: Thế Đại

Thấu hiểu nỗi lòng trẻ

Trong khi đó, chuyên viên tâm lý Nhan Cẩm Nghi, Đơn vị Tâm lý - Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, cho biết: “Tính cách một người do rất nhiều yếu tố tác động, bao gồm sinh học. Vì thế, tính rụt rè có thể là một phần tính cách của cá nhân từ rất sớm. Nhiều nghiên cứu cho thấy, khoảng từ 4 tháng tuổi, tính khí của trẻ đã được thể hiện thông qua cách bé phản ứng với những đồ chơi xung quanh”.

Trong khi đó, những trẻ không phản ứng hay phản ứng tích cực trước những thay đổi nhỏ thường ngày như tiếng chuông cửa hoặc chuyện thay tã..., thường có xu hướng hòa đồng khi đi học.

Ngược lại, những trẻ dễ căng thẳng trước môi trường xung quanh sẽ có khả năng nhút nhát hơn khi lớn lên. Theo chuyên gia này, những trẻ sơ sinh như vậy đặc biệt nhạy cảm với bất kỳ thay đổi nào trong môi trường. Các bé cũng không thoải mái trước những kích thích tác động.

“Tuy nhiên, nhút nhát không đồng nghĩa với tính hướng nội. Có thể hiểu rằng, với tính xấu hổ, trẻ dễ cảm thấy không thoải mái trước những tình huống xã hội. Trẻ cần thời gian để làm quen, “khởi động” và điều chỉnh bản thân để thích nghi với môi trường xung quanh hơn các bạn khá”, bà Nghi cho hay.

Trong khi đó, nữ chuyên gia này lý giải, tính hướng nội là thiên hướng không ưu tiên các hoạt động xã hội, thích dành thời gian cho riêng mình để tái tạo năng lượng. Chính vì thế, phụ huynh cần phân biệt và tránh gán nhãn những hành vi mong đợi lên con, trước khi thấu hiểu “nỗi lòng” của trẻ.

Trẻ cần được hướng dẫn và có không gian để phát triển khả năng thích nghi. Ảnh minh họa: Hữu Cường
Trẻ cần được hướng dẫn và có không gian để phát triển khả năng thích nghi. Ảnh minh họa: Hữu Cường

Điều chỉnh cách giáo dục phù hợp

Trong quá trình nuôi con, chắc hẳn sẽ không có ông bố, bà mẹ nào không mong muốn trẻ lớn lên khỏe mạnh, vui vẻ và tự tin. Tuy nhiên, đôi khi, thực tế không phải lúc nào cũng đúng với mong muốn. Đối với nhiều cha mẹ, việc con thiếu tự tin chính là một hạn chế. Thậm chí, những phụ huynh này lo ngại rằng, tính nhút nhát có khả năng ảnh hưởng tiêu cực đến tương lai của con, đặc biệt là khả năng thích ứng và các mối quan hệ xã hội.

Đặc biệt, trong bối cảnh xã hội ngày càng phát triển, tính hướng ngoại là yếu tố quan trọng góp phần vào thành công của tương lai trẻ. Thậm chí, trẻ sẽ cần đủ tự tin và mạnh mẽ để cạnh tranh công bằng và liên tục thích nghi trước mọi hoàn cảnh.

Tuy nhiên, chuyên gia Cẩm Nghi nhấn mạnh, không có bất kỳ nét tính cách nào là tốt hay xấu. Bởi lẽ, ở từng tình huống, mỗi đặc điểm đều được phát huy theo phương thức riêng.

“Như một đồng xu hai mặt, việc dễ xấu hổ có thể khiến trẻ khó hòa nhập hơn các bạn khác. Tuy nhiên, tính cách này đồng thời là một ưu điểm, giúp trẻ bảo vệ bản thân trước những người lạ thiếu an toàn”, bà Nghi phân tích.

Bên cạnh đó, chuyên gia này cho biết, tính khí của trẻ có thể thay đổi. Phản ứng kích động trước tình huống mới lạ của con có thể thuyên giảm theo thời gian, khi trẻ nhận được sự quan tâm phù hợp. Điều quan trọng là phụ huynh cần trang bị kỹ năng nuôi dạy con, nhằm đáp ứng chính xác những nhu cầu của trẻ. Bởi, nhạy cảm trước những nhu cầu ấy và đáp ứng kịp thời là một trong những phương pháp can thiệp hiệu quả. Từ đó, giúp trẻ tránh khỏi các nguy cơ lo âu tiềm ẩn trong tương lai.

“Ví dụ, với một trẻ tỏ ra khó chịu và choáng ngợp trước tiếng ồn, việc quát mắng và buộc con kìm nén cảm xúc sẽ khiến bé cảm thấy mất an toàn. Thậm chí, trẻ có thể cho rằng bản thân có lỗi. Thay vào đó, hãy trấn an cơn khủng hoảng của trẻ. Sau đó để con dành thời gian tự điều chỉnh cũng như tự lựa chọn. Điều đó sẽ giúp trẻ bình tĩnh và biết cách đương đầu với khó khăn trong tương lai”, bà Nghi gợi ý. Do đó, chuyên gia này cho rằng, cha mẹ cần có những phương pháp dứt khoát, cảm thông và sáng tạo. Bên cạnh đó, với tính cách nhút nhát, trẻ chỉ cần các hình thức kỷ luật nhẹ nhàng. Bởi con dễ dàng cảm thấy có lỗi trước vi phạm của bản thân hơn so với những bạn dạn dĩ khác. Điều này sẽ góp phần giúp trẻ phát triển khả năng tự nhận thức giá trị bản thân một cách phù hợp.

“Mỗi trẻ đều là một cá thể đặc biệt. Việc nhìn nhận và phát huy đặc điểm độc đáo ấy tùy thuộc góc nhìn vào phụ huynh. Điều quan trọng mà cha mẹ cần làm là nhìn thấy, chấp nhận, tôn trọng giá trị và điều chỉnh cách giáo dục phù hợp với nhu cầu của trẻ”, chuyên gia Cẩm Nghi chia sẻ.

Một số cha mẹ học cách chấp nhận sự nhút nhát như một phần tính khí của con. Trái lại, không ít phụ huynh nỗ lực dạy trẻ tương tác thoải mái hơn trong các tình huống xã hội. Thực tế, biện pháp tốt nhất là kết hợp hỗ trợ và khuyến khích trẻ. Tuy nhiên, mục tiêu không phải để con hoàn toàn “vứt bỏ” sự nhút nhát. Thay vào đó, cha mẹ có thể giúp trẻ phát triển kỹ năng sống theo tính cách của chính mình để làm những việc con muốn. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhóm cán bộ Ban Quản lý Khu BTTN Bắc Hướng Hóa đặt bẫy ảnh để điều tra nắm bắt các loài động vật hoang dã.

'Mắt thần' giữ rừng Quảng Trị

GD&TĐ - Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa (Quảng Trị) có tổng diện tích gần 23.500ha, chủ yếu là rừng nguyên sinh nên có nhiều loài động vật quý hiếm.