Con vào lớp một, bố mẹ vẫn... mầm non

Ngày con vào lớp một, cô nhóc lí lắc hằng ngày của bố mẹ bỗng như lớn hẳn lên vậy. Cô nhóc dậy thật sớm chứ không còn ngái ngủ nhăn nhúm mặt mày như mọi hôm.

Ảnh: Lê Quân.
Ảnh: Lê Quân.

Cô nhóc đeo cặp đĩnh đạc bước ra khỏi nhà. Bố mẹ líu ríu đi theo. Cứ như thể cô nhóc dắt bố mẹ vào lớp Một.

Con vào lớp Một. Ghế bàn cũng khác. Lớp học cũng khác. Cô giáo cũng khác. Chẳng có gì giống hồi mầm non cả. Những tiết học mở ra cho con biết bao điều mới lạ. Con cũng bắt đầu làm quen với những con chữ, con số.

Con háo hức với những khám phá mới, hồi hộp với những tìm tòi mới, hồ hởi với những bạn bè mới, hào hứng với những góc sân và khoảng trời mới. Niềm vui của con ánh lên trong mắt, trong mỗi bước chân…

Chỉ có mẹ là rơm rớm nước mắt siết chặt tay bố. Bố biết chứ, mẹ vui đấy mà lo lắng đấy. Trái tim người mẹ nào cũng mong manh như thế. Mẹ với con gái da liền da, thịt liền thịt, tim chung nhịp, buồn nhân đôi mà vui cũng gấp thế.

Với anh trai của con, ngày anh vào lớp Một, mẹ không nhiều âu lo như thế. Vì mẹ cần anh mạnh mẽ. Nhưng với cô nhóc của bố, mẹ vẫn luôn lo toan như thế. Là bởi cô nhóc bé xíu như chiếc kẹo mút dở.

Mẹ lo cô út lười ăn, lên lớp Một tự ăn liệu có chịu ăn? Mẹ lo cô út ở nhà được ông bà nội ngoại, bố mẹ anh chị chiều chuộng quen rồi, lên lớp Một liệu có được chăm sóc như ở nhà? Vì khi vào lớp Một, cô nhóc phải tự lập nhiều hơn, phải tự quyết định nhiều điều. Trái tim người mẹ nào chả đầy ắp những lo âu như thế. 

Bố siết chặt tay mẹ. Bởi bố tin cô nhóc hay nũng nịu bố nhưng vô cùng mạnh mẽ. Bố tin bởi bất cứ đứa trẻ nào được yêu thương đủ đầy đều sẽ là những đứa trẻ mạnh mẽ.

Không phải cân nặng, chẳng phải gia cảnh hay nhan sắc, mà là trữ lượng yêu thương trong trái tim mỗi đứa trẻ mới làm nên sự tự tin của đứa trẻ ấy. 

Và cô nhóc của bố, bố tin rằng trái tim con vốn dĩ đầy ắp yêu thương như thế, nên con luôn đủ tự tin để mạnh mẽ. Bố cũng tin, suốt những năm tháng đầu đời của con, thứ bố truyền dẫn cho con luôn là những lời khích lệ, sự ủng hộ, lòng tin. Những thứ đó đã giúp con vững vàng hơn rất nhiều so với các bạn nhỏ cùng độ tuổi. 

Con vào lớp Một, bố chẳng đặt ra bất cứ kỳ vọng nào. Bố chỉ muốn mỗi ngày thức giấc, con sẽ hân hoan đến lớp. Mà bố chỉ muốn mỗi ngày con đến lớp sẽ là một ngày thật vui. 

Bố thích những điểm 10 chói đỏ nhưng điều bố thích hơn là những người bạn mới của con, những lấp lánh trong mắt con khi kể về cô giáo mới, về những khám phá mới.

Bố thích con sẽ được làm lớp trưởng nhưng bố thích hơn nếu con làm được lớp trưởng của chính bản thân mình bằng những lần con tự đưa ra quyết định. 

Bằng việc con sẽ độc lập trong tư duy chứ không chỉ tự lập trong hành động. Bố muốn con vui sướng trong mỗi khám phá của mình, tìm ra những đường chân trời mới để theo đuổi, để bay lên thật cao, thật xa.

Bố cũng chẳng kỳ vọng con sẽ thành một học sinh đặc biệt nhưng chắc chắn, bố luôn biết con của bố, cô nhóc của bố là người đặc biệt. Con luôn đặc biệt vì con là chính con. 

Cô nhóc của bố vào lớp Một. Con có thể vẫn rơm rớm nước mắt mỗi khi bị bố mắng. Con vẫn mè nheo với mẹ và anh chị, ông bà. Con vẫn có thể tè dầm hay quên làm bài tập.

Bố không bao giờ thấy những điều đó là nghiêm trọng. Bởi dù con thế nào, với bố, con không ngốc, chỉ là con thông minh theo một cách khác thôi, phải không?

Cô nhóc của bố vào lớp Một, sao bố mẹ vẫn thấy mình loanh quanh mãi ở bậc mầm non? Phải rồi, bởi bố mẹ luôn lớn sau con mình. Bố mẹ học từ chính sự trưởng thành mỗi ngày của con…

Theo Phụ nữ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hầm biogas nơi 3 người tại Đồng Nai gặp nạn.

Phòng tránh ngạt khí trong hầm biogas

GD&TĐ - Việc sử dụng hầm biogas tiềm ẩn không ít rủi ro nếu không tuân thủ đúng quy tắc an toàn khi vận hành. Thủ phạm gây ngộ độc khí gas là oxit carbon (CO).
Mẫu viên nang điều trị mất ngủ có thành phần từ dược liệu: Xấu hổ, vông nem, hậu phác nam và cam thảo nam.

Viên nang dược liệu chữa mất ngủ

GD&TĐ - Các nhà khoa học Đại học Y Dược TPHCM đã nghiên cứu bào chế viên nang hỗ trợ điều trị mất ngủ có thành phần từ dược liệu.
Minh họa/INT.

Phê bình nghệ thuật đang ở đâu?

GD&TĐ - Một thực tế khá phổ biến trong đời sống sinh hoạt nghệ thuật là các nhà phê bình lặng lẽ “đi trốn”, phó mặc “sân chơi” truyền thông, mạng xã hội.