Chị em cần làm gì để tránh sập bẫy dàn cảnh, cướp tài sản trên đường phố?

Thời gian gần đây, trên đường phố Hà Nội xuất hiện nhiều nhóm đối tượng mang theo vũ khí, dàn cảnh để cướp tài sản, gây mất an ninh trật tự, an toàn giao thông.

Chị em cần làm gì để tránh sập bẫy dàn cảnh, cướp tài sản trên đường phố?

Công an thành phố Hà Nội đã chỉ đạo Công an các địa phương trên địa bàn Thủ đô triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn loại tội phạm này.

Mới đây nhất, ngày 8/3, tại khu vực dưới chân cầu vượt Kim Mã - Liễu Giai (quận Ba Đình, Hà Nội), người dân bất ngờ chứng kiến cảnh tượng hàng chục chiến sỹ Cảnh sát hình sự (Công an thành phố Hà Nội) mặc thường phục bất ngờ lao vào khống chế các đối tượng mang theo hung khí là những con dao bầu sắc lẹm, đang dàn cảnh cướp tài sản của một người phụ nữ đi trên đường.

Chia sẻ về việc đánh án thành công, Trung tá Lê Kim Đồng, Đội trưởng đội 5, Phòng Cảnh sát hình sự - Công an thành phố Hà Nội cho biết: Nhận được thông tin về việc xuất hiện nhóm đối tượng chuyên dàn cảnh để cướp tài sản trên một số tuyến phố, mang theo hung khí, lãnh đạo Phòng Cảnh sát hình sự đã thành lập chuyên án triệt phá những ổ nhóm này nhằm đem lại bình yên, tránh nguy hiểm cho người dân Thủ đô khi lưu thông trên đường.

Qua công tác trinh sát, theo dõi hoạt động của tội phạm, Phòng Cảnh sát hình sự xác định đây là ổ nhóm hoạt động cực kỳ manh động và tinh vi, liên tục thay đổi địa bàn hoạt động.

Phương tiện gây án là những chiếc xe máy cũng được các đối tượng thay đổi nhằm tránh để lại dấu vết. Tuy nhiên, những chiêu trò của các đối tượng không qua “mặt” được các chiến sỹ công an.

Theo Trung tá Lê Kim Đồng, trước khi ra tay, các đối tượng thường rút sẵn dao bầu, để vào những vị trí dễ lấy trên xe máy như hộc để đồ gần ổ khóa hoặc giắt ở khe nhựa trên thân xe.

Để tóm gọn được nhóm đối tượng này, các chiến sỹ của Phòng Cảnh sát hình sự đã phải theo dõi các đối tượng từ ngã tư đường Tố Hữu - Lương Thế Vinh về đến quận Ba Đình.

Những vụ dàn cảnh để cướp không phải là tình trạng mới xảy ra mà đã có từ lâu. Nhiều vụ việc, các đối tượng dàn dựng và chuẩn bị khá tinh vi khiến người dân hoang mang, lo sợ.

Nhiều trường hợp vì muốn giữ tài sản đã dẫn đến những tai nạn đáng tiếc.

Cách đây không lâu, khi đang di chuyển từ đường Trung Kính (Cầu Giấy, Hà Nội) đến đoạn đèn đỏ nút giao với đường Vũ Phạm Hàm (Cầu Giấy), chị T. (26 tuổi, Ninh Bình) bị chúng dàn cảnh để trộm cắp túi xách.

Theo lời kể của chị T, lúc đó chị đang dừng đèn đỏ thì bất ngờ có một thanh niên đi xe máy đâm vào đuôi xe khiến chị T bị ngã xuống đường.

Khi chị T đang loay hoay nâng xe lên bỗng xuất hiện một đối tượng đi sau tiến tới dựng xe chị T. Tưởng được người đi đường giúp đỡ, chị T vào ngồi nghỉ tại lề đường, đến khi tiếp tục di chuyển mới phát hiện túi xách treo trên xe máy đã “không cánh mà bay”.

Trung tá Tống Đăng Công, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự (Công an quận Hoàn Kiếm) cho biết, loại tội phạm này thường lợi dụng sơ hở của người dân khi tham gia giao thông ở những nơi tập trung đông người để ra tay.

Các đối tượng thường sử dụng dao, kiếm, bình xịt hơi cay, thậm chí là vũ khí “nóng” nhằm khống chế, đe dọa, chống trả người bị hại cũng như cơ quan chức năng để cướp tài sản và chạy trốn.

Theo cơ quan Công an, các đối tượng trộm cắp theo kiểu dàn cảnh thường dùng thủ đoạn rất quen thuộc là vờ va chạm giao thông tại ngã tư có đèn tín hiệu giao thông, sau đó ra tay trộm cắp.

“Con mồi” các đối tượng nhắm đến là những người điều khiển xe máy để tài sản sơ hở, thường là phụ nữ đi xe tay ga, treo túi xách ở móc treo đồ phía trước.

Các đối tượng thường hoạt động theo nhóm, đi trên 2 - 3 xe máy. Một đối tượng sẽ dàn cảnh va chạm giao thông để thu hút sự chú ý, đối tượng khác lợi dụng sự mất cảnh giác của nạn nhân để trộm tài sản. Nếu nạn nhân phát hiện, truy đuổi, đối tượng khác sẽ có nhiệm vụ cản trở, gây khó khăn cho nạn nhân.

Trung tá Lê Kim Đồng, Đội trưởng đội 5, Phòng Cảnh sát hình sự Hà Nội, cho biết khó khăn nhất đối với lực lượng chức năng khi đối phó với loại tội phạm này là bắt quả tang hành vi phạm pháp. Bởi lẽ, các đối tượng đều có nhiều tiền án, tiền sự nên rất ranh ma, phải bắt quả tang mới xử lý được.

Tuy nhiên, thường cảnh sát hoặc người dân chỉ bắt được đối tượng vờ va chạm giao thông, không có tang vật nên rất khó xử lý. Nhiều trường hợp nạn nhân nhớ được biển số xe đối tượng trộm cắp hoặc camera ghi lại được hình ảnh, nhưng phần lớn cũng không tìm ra được vì các đối tượng thường sử dụng biển số xe giả.

Để phòng ngừa loại tội phạm này, theo Trung tá Lê Kim Đồng, người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác, chủ động phòng tránh, đừng tự biến mình thành “con mồi”. Đối với phụ nữ cần cất tài sản trong cốp xe, không nên treo bên ngoài xe; khi có va chạm, cần chú ý đến tài sản của mình, không để kẻ xấu đánh lạc hướng.

Đặc biệt, nếu đã rơi vào bẫy dàn cảnh, khi phát hiện ra thì không nên cố gắng chống trả ngay mà nên tìm cách hô hoán người đi đường để cùng giúp đỡ nhằm tránh bị các đối tượng dùng hung khí gây thương tích, có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Sau khi bị cướp, phải trình báo Công an, vì các đối tượng phạm tội luôn có tâm lý “ngựa quen đường cũ”, sớm muộn cũng sẽ bị bắt ở các vụ án khác. Khi đó, những chứng cứ, tài liệu đã thu thập sẽ giúp cơ quan điều tra khai thác mở rộng vụ án và truy thu tài sản về cho bị hại.

Theo Baotintuc.vn

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.
Minh họa/INT

Xoay chuyển tình thế

Thế giới
GD&TĐ - Ứng viên Tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa Donald Trump đang trên đường đua để trở lại Nhà Trắng trong bối cảnh những cáo buộc pháp lý bủa vây ông.

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Cơ chế đặc thù

GD&TĐ - Luật Giáo dục năm 2019 đặt ra yêu cầu cao hơn đối với trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS.
Minh họa/INT

Truy lùng quốc tế

GD&TĐ - Nga đang triển khai chiến dịch truy lùng ráo riết tại một số nước để bắt các nghi phạm liên quan vụ khủng bố đẫm máu tại Moscow.