Cần tôn trọng sở thích người trong gia đình

Sở thích - nhất là khi nâng lên thành đam mê, nó có thể làm tiêu tốn rất nhiều công sức, thời gian và tiền của. Sống chung một nhà, mọi người nên ứng xử sao cho phù hợp với sở thích của từng thành viên trong gia đình.

Cần tôn trọng sở thích người trong gia đình

Trong cuộc sống dù ít hay nhiều ai cũng có sở thích riêng. Người thì thích đọc sách, xem phim, chơi thể thao, nuôi cá cảnh. Kẻ thì chơi thú cưng, trồng hoa kiểng, đánh cờ tướng... Thiết nghĩ, đó là vấn đề vô tận, bàn luận đến bao giờ cũng không cạn. Đồng thời cũng là vấn đề tế nhị, nhạy cảm, các thành viên trong gia đình rất cần sự tôn trọng trong ứng xử, thật tinh tế, khéo léo. Nếu không sẽ tạo ra sự bất đồng giữa mọi người với nhau trong gia đình.

Đại thi hào Nguyễn Du từng có câu thơ: “Nghề chơi cũng lắm công phu”. Hàng trăm năm qua, khẳng định ấy của ông hãy còn nguyên giá trị. Khi điều gì mà công phu, thì đều mất thời gian và dành nhiều tâm huyết. Có khi phải tốn rất nhiều tiền cho thú chơi riêng của mình. Cho nên các thành viên khác trong gia đình không cùng sở thích thường không hài lòng, hay bất bình. Nếu các bên không hóa giải, “điều tiết” được có khi đi đến mâu thuẫn, xung đột lớn. Từ đó ảnh hưởng đến không khí ấm áp trong gia đình.

Chơi thú cưng là một đam mê tốn nhiều tiền của

Chị A, người hàng xóm của tôi mê chó Nhật đến “quên cả đất trời”. Hằng ngày chị dành nhiều thời gian cho nó. Vậy nên thời gian dành cho công việc nhà cửa, con cái thường bị chị “ăn cắp” dành cho việc chăm sóc, nựng nịu chó cưng. Còn anh B, chồng chị A, thì cứ trời vừa ngả bóng thì “cắm đầu, cắm cổ” vào bàn cờ tướng cho tới tối, quên cả cơm nước, công việc. Nhà có của ăn của để, nên lúc đầu chẳng ảnh hưởng gì. Nhưng dần về sau thì bắt đầu mâu thuẫn.

Hai vợ chồng tấn công lẫn nhau về sở thích của “đối phương”. Cha mẹ hai bên khuyên can, hòa giải, “hòa bình lập lại” được ít hôm thì chiến tranh bùng phát trở lại. Câu chuyện lúc đầu rất nhỏ, tưởng chừng sẽ nhẹ nhàng qua đi. Không ngờ sự bất hòa đến gay gắt, triền miên, gần đây hai người đi đến ly thân. Con cái tìm mọi cách để hàn gắn tình cảm giữa cha mẹ cũng không thể vãn hồi được. Thế là, chị A mang con chó cưng về nhà cha mẹ ruột sống, còn anh B mỗi ngày càng “dính chặt” vào bàn cờ tướng. Con cái đi làm xa, nhà cửa luôn vắng bóng người.

Ca hát cũng là một sở thích có khi còn nâng lên thành đam mê

Tôi có cô em gái họ rất nết na, xinh xắn. Hơn ba mươi năm trước, cô phải lòng chàng trai cùng cơ quan. Hai người rất xứng đôi vừa lứa và tâm đầu ý hợp. Cô em tôi dịu dàng, đằm thắm và rất giàu lòng nhân ái. Đặc biệt là cô ấy có sở thích làm từ thiện.

Cô em tôi thường tranh thủ dành thời gian cho công việc từ thiện. Chồng cô vì chuyện cô hay vắng nhà nên không vừa ý, lúc đầu chú ấy còn nhắc nhở qua loa nhưng dần dần trở nên khó chịu, phản ứng, chế giễu. Và sau đó thì cãi vã, xung đột bởi cô em tôi nghĩ cô ấy không làm gì sai, mặc dù hay đi làm từ thiện nhưng công việc nhà cửa con cái cô ấy cũng vẫn lo lắng chu toàn.

Ai cũng có cá tính, thế là không thể hàn gắn được, hai người đành kéo nhau ra tòa ly dị. Hai đứa con, một theo mẹ, một ở với cha.

Làm từ thiện là sở thích của nhiều người

Chuyện xảy ra hơn chục năm rồi, hiện hai người đều có cuộc sống riêng, nhưng đều không hạnh phúc. Gặp lại người em rể ngày nào, không ngờ bây giờ chú ấy cũng có sở thích tham gia làm từ thiện. Hễ nhắc đến chuyện cũ là chú rưng rưng, hối tiếc, thở dài, luôn miệng nói: “Nếu như, nếu như...”. Còn cô em họ tôi, khi có ai đó nhắc đến “dĩ vãng xa xưa” thì nghẹn ngào, thả mắt ra sông vắng, tiếc nuối, bởi thời trẻ cạn nghĩ, để hạnh phúc vuột mất trong tầm tay...

Theo Thegioitiepthi.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cán bộ y tế đỡ đẻ ngay trên biển.

Đỡ đẻ cho sản phụ ngay trên biển

GD&TĐ - Một sản phụ ở xã đảo Quan Lạn, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) được các bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn đỡ đẻ thành công ngay trên biển.