Bỏ qua áp đặt để hướng trẻ đến tính nhân văn

GD&TĐ - Thực tế, ít phụ huynh hiểu rằng, đối với trẻ, miếng bánh hay món đồ chơi nào đó là vô giá, không thể chia sẻ.

Món đồ chơi nhỏ có thể là cả “gia tài” đối với con. Ảnh minh họa.
Món đồ chơi nhỏ có thể là cả “gia tài” đối với con. Ảnh minh họa.

Nhường nhịn, chia sẻ là một trong những kỹ năng mềm cơ bản mà trẻ nên được dạy dỗ. Cha mẹ nên khuyến khích con chia sẻ ngay từ những hành động nhỏ nhất.

Bố mẹ không cho ô tô, đừng bắt con cho bánh!

Chuyên gia tư vấn phụ huynh - bà Nguyễn Tú Anh, chia sẻ, câu nói vô cùng phổ biến ở các gia đình có 2 con trở lên là: “Nhường em đi, con lớn rồi, phải biết nhường em chứ!” hay “Em còn nhỏ chưa biết gì, em đòi thì con cho em đi”.

“Khi xuống sân chơi hoặc đi khu vui chơi cùng các bạn đồng trang lứa, nếu con thường xuyên không chịu chia sẻ hay nhường nhịn đồ chơi, bánh kẹo của mình cho các bạn khác, bố mẹ có cảm thấy khó xử không? Có chột dạ trong lòng rằng, mình dạy con chưa tốt? Hay lo lắng “người ta” sẽ đánh giá cách giáo dục con của mình?”, bà Tú Anh bày tỏ.

Tuy nhiên, nữ chuyên gia này nhận định, có lẽ, phần lớn cha mẹ đều mong đợi con sẽ hành xử theo cách này: Khi con có bánh, nếu bạn xin, con phải biết chia sẻ với bạn. Đó mới là một đứa trẻ ngoan, được giáo dục tốt. Nếu con không chia, không cho bạn mượn, con là “ích kỷ”, là “xấu tính”.

Thậm chí, sẽ không ít ông bố bà mẹ có suy nghĩ rằng, một miếng bánh đối với người lớn chúng ta chỉ là món rất nhỏ. Nếu ăn hết, ta có thể dễ dàng ra siêu thị mua lại. Vì vậy, họ “vô tư” áp đặt lên trẻ ý nghĩ như vậy và mặc định, không có lí do gì để con không chia sẻ với bạn cả. Tuy nhiên, thực tế, mấy ai có thể đặt mình vào tâm tư của con và hiểu rằng, đối với trẻ, miếng bánh hay món đồ chơi nào đó là cả một gia tài quý giá. Thậm chí, đó là tất cả những gì con có.

Bởi vậy, chuyên gia Tú Anh đã đặt các phụ huynh vào một tình huống: Nếu chúng ta cầm tờ 500 nghìn ra đường, bỗng nhiên, một người lạ chạy đến đòi ta chia đôi số tiền đó. Liệu, sẽ có người trưởng thành nào đồng ý ngay lập tức? Hay, to tát hơn là, chiếc xe ô tô yêu quý của chúng ta đột nhiên bị một người nào đó đòi mượn để đi chơi. Khi đó, chắc hẳn, sẽ hiếm ai sẵn sàng gật đầu mà không suy nghĩ.

Dạy con biết tôn trọng là chìa khóa của sự nhường nhịn. Ảnh minh hoạ.
Dạy con biết tôn trọng là chìa khóa của sự nhường nhịn. Ảnh minh hoạ.

Hãy nói chuyện khi “ngang tầm mắt” với con

“Ở nhà tôi có hai bạn nhỏ. Một bạn 25 tháng và bạn còn lại 13 tháng. Việc tranh giành ở nhà thường xảy ra khoảng mỗi tiếng một vài lần, trừ lúc ngủ”, bà Tú Anh chia sẻ.

Vì vậy, nữ chuyên gia này nhấn mạnh, yếu tố then chốt là giúp con biết khái niệm tôn trọng và chia sẻ, cả ở trong nhà lẫn khi chơi với bạn ở ngoài. Điều quan trọng đầu tiên trẻ cần học chính là sự tôn trọng. Bà Tú Anh gợi ý, khi có tranh giành xảy ra, cha mẹ cần ngồi xuống bằng ngang tầm mắt và nhìn con để nói chuyện. Thực tế, không ít phụ huynh có thói quen đứng trên cao nhìn xuống và mắng con khi trẻ mắc lỗi. Tuy nhiên, đây là hành động không nên.

“Hãy dạy con tôn trọng đồ đạc của người khác và học cách xin phép. Cha mẹ cần giải thích chậm rãi và nhẹ nhàng rằng: “Đây là đồ mà bạn (chị/em) đang chơi. Bạn đã cầm trước rồi, nếu muốn, con phải hỏi bạn có đồng ý cho mượn hay để con chơi cùng không”, nữ chuyên gia chia sẻ.

Thậm chí, trong trường hợp trẻ chưa biết diễn đạt rõ, cha mẹ có thể hỏi thay cho con. Nếu bạn của trẻ đồng ý chia sẻ, phụ huynh cũng cần dạy con nói “cám ơn”. Ngược lại, nếu bạn không đồng ý, đó cũng là điều vô cùng bình thường. Khi đó, chuyên gia Tú Anh gợi ý, phụ huynh có thể giải thích rằng: “Bạn không muốn con ạ, mình chịu thôi. Mình tìm đồ chơi khác nhé”.

Bởi lẽ, bằng cách này, con sẽ thể hiện rằng, mình hoàn toàn tôn trọng bạn. Bạn có quyền chia sẻ hoặc không. Dù bạn không chia sẻ, đó cũng là hành động không hề sai trái.

Bên cạnh đó, nữ chuyên gia nhận định, trao đổi và sẻ chia với con cũng là những hành động vô cùng quan trọng nếu con không được chơi chung món đồ với bạn.

“Nếu con làm mình làm mẩy, khóc lóc ăn vạ, cha mẹ hãy bế trẻ vào phòng khác chơi riêng. Tuy nhiên, đừng la mắng, khiển trách. Trẻ nhỏ thường rất dễ đánh lạc hướng bằng đồ chơi khác”, bà Tú Anh cho hay.

Trong trường hợp này, phụ huynh hãy mang một món đồ chơi khác cho con. Sau đó, cần khuyến khích trẻ mang món đồ đó ra trao đổi với bạn, hoặc rủ bạn chơi cùng. Theo chuyên gia này, trẻ nhỏ khoảng 1 - 2 tuổi thường rất ham vui và dễ phân tâm. Vì vậy, “chiêu” trao đổi thường có tác dụng cao, tránh được cảnh “tranh giành trong nước mắt”.

“Để củng cố thêm cho con khái niệm chia sẻ, tôi thường tránh tạo ra sự ganh đua, thắng thua, ai giỏi hơn ai trong gia đình. Tuyệt đối không bao giờ so sánh: Em thế này, chị thế kia…, nhất là ở trước mặt con. Khi làm như vậy, vô hình chung sẽ tạo cho con suy nghĩ hơn thua, muốn cạnh tranh hơn là nhường nhịn”, bà Tú Anh nhấn mạnh.

Ngoài ra, đối với những gia đình chỉ có một con, cha mẹ có thể giả lập tình huống với bạn gấu bông hoặc búp bê. Qua đó, tập cho con làm quen với những khái niệm này từ sớm.

“Khi con mình đi học từ 1 tuổi, cô giáo chủ nhiệm người New Zealand có giải thích thêm, ở độ tuổi dưới 2,5, các con thường chơi song song hơn là với nhau. Tức là, mạnh ai nấy chơi nhiều hơn là rủ rê, phân vai và chơi cùng nhau. Từ 3 tuổi trở lên, các con sẽ bộc lộ rõ tính cách, tính sở hữu và hành vi hơn. Nên nếu từ nhỏ, cha mẹ giới thiệu sớm cho con những khái niệm này, khi lớn hơn một chút, trẻ sẽ dễ dàng điều chỉnh hành vi và làm chủ tình huống khi chơi cùng các bạn hơn”, bà Tú Anh bày tỏ.

Bé cùng nấu bếp. Ảnh: Thế Đại
Bé cùng nấu bếp. Ảnh: Thế Đại

Quan trọng là công bằng

Chia sẻ về cách ứng xử của cha mẹ khi các con trong nhà tranh giành món đồ nào đó, chuyên gia tâm lý Phạm Hiền nhấn mạnh, phụ huynh cần đối xử công bằng.

“Đòi hỏi công bằng là một bản năng không thể thiếu của con người. Các ông bố bà mẹ sẽ không thể giải quyết được bất hòa giữa các con nếu thiếu sự công minh. Đôi lúc, cha mẹ vì quá bận rộn nên không tìm hiểu nguyên nhân. Khi nghe các con tranh giành, cãi vã hoặc đánh nhau, cha mẹ thường bắt phạt hay đánh đòn cảnh cáo cả hai”, bà Hiền chia sẻ.

Tuy nhiên, khi vấn đề không được giải quyết, một trong hai trẻ sẽ cảm thấy mình bị đối xử bất công và từ đó có tâm lý trách cha mẹ. Chuyên gia nhấn mạnh, những cảm xúc ấm ức bị dồn nén lâu dần sẽ gây tổn thương không nhỏ đến tâm lý của trẻ. Từ đó, ảnh hưởng đến sự phát triển của con sau này.

Vì vậy, cha mẹ hãy đối xử công bằng với con, giúp trẻ biết kìm nén cảm xúc và không để tính đố kỵ làm ảnh hưởng đến quan hệ của những đứa trẻ. Khi đó, phụ huynh được coi là đã thành công trong việc tạo gắn kết tình cảm giữa các thành viên trong gia đình.

Chắc hẳn, câu nói “con nhà người ta” không còn xa lạ với bất kỳ ai. Khi được hỏi, rất nhiều bạn trẻ chia sẻ, mình quá quen với những câu so sánh của cha mẹ, như: “Nhìn anh/chị xem, liệu mình đã bằng một phần chưa?”.

Tuy nhiên, theo chuyên gia Phạm Hiền, việc so sánh những đứa trẻ với nhau rất dễ khiến chúng tự ái và tổn thương. Nếu trẻ ghen tỵ với anh/chị/em vì học giỏi hơn, cha mẹ có thể tâm sự nhẹ nhàng. Khi đó, con sẽ hiểu rằng, ai cũng có những điểm mạnh và hạn chế.

Vì vậy, chuyên gia nhấn mạnh, cha mẹ tuyệt đối không nên so sánh trẻ với anh chị em trong nhà. Trong trường hợp muốn so sánh nhằm khích lệ trẻ nỗ lực, phấn đấu, phụ huynh cần tế nhị và thật khéo léo.

Ngoài ra, cha mẹ được khuyến khích chung sức xây dựng một gia đình mang lại không khí thuận hòa giữa các anh chị em. Trước hết, cha mẹ phải trở thành tấm gương mẫu mực, đối xử hòa thuận với nhau. Bởi, trẻ sẽ học cách chung sống hòa thuận từ cha mẹ chúng đầu tiên. Chuyên gia Phạm Hiền nhấn mạnh, cha mẹ đừng mong chờ trẻ hành xử tốt, nếu người lớn không làm gương. Cần tránh không cho trẻ chơi những trò chơi hoặc hoạt động kích thích đánh nhau. Đặc biệt, môi trường hòa thuận là cái nôi để hình thành nhân cách của trẻ.

“Cha mẹ cần phải dạy con cách đối phó với tình huống tranh cãi. Khi trẻ bình tĩnh trở lại và cởi mở hơn, hãy tâm sự với con về tình huống đánh nhau lúc trước. Không ít ông bố bà mẹ vì quá mệt mỏi trước những “cuộc chiến” thường xuyên của trẻ nên đã để cho chúng “tự xử”. Nếu sau những “cuộc chiến” không phân thắng bại, chúng sẽ cảm thấy chán và chọn giải pháp hòa bình”, bà Phạm Hiền cho hay. 

Học cách sẻ chia

Học cách nhường nhịn cũng chính là tập sẻ chia với những người xung quanh. Do đó, chuyên gia Phạm Hiền gợi ý, cha mẹ có thể khuyến khích trẻ tham gia vào những trò chơi tập thể. Ở đó, con và “đồng đội” phải cùng nhau phấn đấu để đạt được mục đích. Ngoài ra, trẻ cũng có thể học cách giúp đỡ cha mẹ làm việc nhà, như: Tưới cây, quét nhà...

“Đôi khi, trẻ không nghĩ rằng, một số đồ vật thực sự là sở hữu của chúng. Trong quá trình trẻ chơi, phụ huynh có thể “tịch thu” đồ chơi nếu trẻ hư. Dần dần, trẻ bắt đầu thấy là mình không thực sự sở hữu bất cứ thứ gì và trở nên chiếm hữu. Mỗi đứa trẻ cần có một số đồ vật của riêng mình như đồ chơi, sách,… chỉ để chúng có cảm giác sở hữu”, bà Phạm Hiền gợi ý.

Bên cạnh đó, dạy trẻ cách chờ đợi đến lượt cũng là một “chìa khóa” giúp con biết sẻ chia, nhường nhịn. Điều này không chỉ giúp trẻ rèn luyện tính chia sẻ, mà còn có sự kiên nhẫn, nhường nhịn.

Chuyên gia này gợi ý, khi đi xem phim hay mua đồ ăn, phụ huynh có thể hướng dẫn và cùng con xếp hàng, nhường cho người lớn tuổi hoặc khuyết tật. Hoặc, ngay khi ở nhà, cha mẹ có thể dạy bé cách san sẻ tivi hay đồ chơi với anh chị em trong gia đình.

“Nếu những đứa trẻ cảm nhận được quần áo, sách vở, đồ chơi của mình bị giành giật, chúng sẽ không chịu nhường dù chỉ là trong phút chốc. Vì thế, hãy hỏi ý kiến trẻ nếu muốn mượn đồ dùng của con. Hãy bảo đảm là anh chị em, bạn bè của con cũng tôn trọng điều này bằng việc hỏi ý kiến trẻ, nếu muốn dùng đồ. Và, hãy hứa sẽ giữ gìn món đồ đó cẩn thận”, chuyên gia tâm lý Phạm Hiền cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

HLV Zidane có cơ tái hợp CLB Real Madrid.

HLV Zidane có bến đỗ lý tưởng

GD&TĐ - Chủ tịch Florentino Perez và HLV Zidane đang thảo luận bàn về việc tái ngộ của cả 2 tại Santiago Bernabeu vào mùa hè 2024.
Khi vùng đệm được thiết lập, việc tấn công lãnh thổ Nga nằm ngoài khả năng của M777 Ukraine.

Căng thẳng tạo vùng đệm?

GD&TĐ - Tại cuộc họp báo về kết quả cuộc bầu cử năm 2024, ông Putin tuyên bố Nga phải tạo ra một "vùng đệm" tại các vùng lãnh thổ hiện do Kiev kiểm soát.