8 lời khuyên để làm cha mẹ tốt hơn

GD&TĐ - Một nữ hiệu trưởng tại California (Mỹ) cho biết bà đã tìm được nguyên nhân gây ra nỗi lo lắng hay tác phong không đúng đắn của học sinh và đưa ra lời khuyên cho các bậc cha mẹ để con cái không rơi vào những trường hợp như thế.

8 lời khuyên để làm cha mẹ tốt hơn

Một người mẹ biết rõ tác hại của việc dành quá nhiều thời gian để chơi game đối với học sinh đã khuyên những bậc cha mẹ khác đừng mua máy chơi game Xbox/PS4 mới nhất cho con khi bọn trẻ bước vào mùa thi.

Nhưng bà đã bị sốc khi phát hiện ra con bà thức cả đêm để chơi game nó ưa thích và hậu quả là không làm tốt bài kiểm tra học kỳ. Lỗi của người mẹ là không theo dõi sâu sát các hoạt động của con.

Nhiều bậc cha mẹ bất mãn với những gì trường học mang lại cho con họ, từ bữa ăn trưa đến kết quả học tập, và họ đã chuyển những lời phàn nàn cho ban giám hiệu.

Nhưng điều họ thường quên là đôi khi trách nhiệm thuộc về chính họ chứ không phải ai khác. Ví dụ, họ dành quá ít thời gian cho con cái và không quan tâm đến biến động cảm xúc và sự thay đổi lề lối sinh hoạt của chúng.

Nếu bạn rơi vào trường hợp này, hãy thử suy nghĩ về những gợi ý sau đây:

1. Cha mẹ là tấm gương mà trẻ con phản chiếu trong đó

Con cái luôn nhìn lên cha mẹ và xem cha mẹ như tấm gương để noi theo, đặc biệt là khi chúng chưa cọ sát nhiều với thực tế bên ngoài gia đình.

Trẻ con luôn sao chép những gì cha mẹ làm. Nếu cha mẹ là một công dân có trách nhiệm đối với cộng đồng, môi trường và chín chắn trong cách cư xử, con cái sẽ bắt chước. Còn nếu cha mẹ lỗ mãng, kênh kiệu, khinh người, con cái cũng dễ nhiễm các hành vi tiêu cực.

Cách cư xử tại trường cũng phản ảnh tấm gương của cha mẹ. Trẻ sẽ không lễ phép với thầy cô, với người lớn, sẽ không biết nhường nhịn bạn bè nếu chúng không thấy cha mẹ làm như thế.

2. Hãy cho con cái thấy cha mẹ luôn chăm sóc chúng

Chăm sóc ở đây là quan tâm đến các cảm xúc và những thay đổi khác thường ở trẻ chứ không phải nuông chiều quá đáng. Trẻ sẽ dễ hư hỏng nếu cha mẹ nâng chúng lên cao hơn bạn bè một cách vô tội vạ theo kiểu “con mình bao giờ cũng là số 1!”.

Quan tâm ở đây không phải là lúc nào cũng nói “mẹ yêu con”, “con muốn gì mẹ mua” hoặc can thiệp vào mọi chuyện riêng tư của con mà là hỏi han đúng lúc như hỏi con buổi sinh hoạt ngoài trời hôm nay với bạn bè ra sao; sẵn sàng nghe con tâm sự, động viên con khi chúng gặp khó khăn và không tiếc lời khen khi chúng thành công.

Trẻ sẽ rất hạnh phúc nếu chúng biết chúng “quan trọng” thế nào đối với cha mẹ.

 

3. Phải bảo đảm giấc ngủ đầy đủ mỗi ngày của trẻ

Điều đó có nghĩa là không để trẻ mang những thứ có ảnh hưởng đến giấc ngủ lên giường, kể cả điện thoại, iPad và máy chơi game, máy đọc sách.

Trẻ cũng cần lên giường đúng giờ mỗi ngày để tạo thói quen. Yêu cầu này đặc biệt quan trọng khi trẻ bước vào mùa thi cần bảo đảm có sức khoẻ tốt.

4. Dinh dưỡng “đủ và đúng”

Sức khoẻ thể chất và tinh thần tốt hay không có đóng góp quan trọng của những gì cha mẹ đưa vào cơ thể trẻ. Trẻ nhỏ sẽ dễ chấp nhận những món ăn tại trường hơn nếu chúng từng được trải nghiệm tại nhà.

Nước uống và đồ ăn dặm lành mạnh cũng rất quan trọng. Trẻ cần được bổ sung nước và chất dinh dưỡng tại trường. Bữa ăn trưa ở trường sau buổi sáng học tập căng thẳng là bữa ăn quan trọng nên chỉ dùng những thức ăn liền là không thích hợp.

Đừng vội vã kết luận bữa ăn tại trường không phù hợp với con mình và đòi trường đổi món khác. Thường thì bữa ăn tại trường đều cân đối dinh dưỡng trong tuần với những món ăn thay đổi nên cứ để trẻ thích nghi dần chứ cha mẹ không nên can thiệp.

5. Đừng vội tin những gì trẻ nói

Khi trẻ nói điều gì đó bất mãn tại trường, dù là về bạn học, thầy cô hay ăn uống, cha mẹ đừng nên nóng vội mà hãy tìm hiểu để biết chính xác vấn đề. Không phải trẻ bao giờ cũng đúng! Hấp tấp nghe lời con để phản ứng thái quá là “tật xấu” của nhiều bậc cha mẹ.

Cần công bằng trong cách ứng xử vì không phải chỉ mình bạn mới biết yêu con.

Không phải tự nhiên mà thầy cô cấm trẻ dùng điện thoại hay kiểm tra email tại trường. Bình tĩnh là yếu tố quan trọng các bậc cha mẹ cần phải có trong những trường hợp như thế. Tư duy của trẻ thường non nớt và theo cảm tính nên nhận xét của chúng về thầy cô, bạn học và những gì diễn ra trong trường chưa hẳn đã đúng.

Hãy tìm hiểu kỹ mọi việc từ những người có liên quan chứ không nên “bùng nổ” vì lời nói của con cái. Hãy giúp con cái nhìn nhận trường học là nơi đáng đến và bạn học là cần thiết, ngay cả khi chúng bi quan về chúng.

 

6. Giải pháp khi trẻ bị ức hiếp

Bị bắt nạt hay ăn hiếp tại trường là một thực tế mà hầu như đứa trẻ nào cũng bắt gặp một vài lần trong lứa tuổi học sinh. Bạn không thể kết luận trường không an toàn khi con bạn mách bạn là có ai đó ăn hiếp nó trong trường.

Nghịch phá là thuộc tính của học sinh và có đứa trẻ quậy phá hơn đứa khác. Nhưng tất cả đều trong vòng kiểm soát nếu chúng ta biết cách. Cha mẹ nên tìm hiểu và cùng nhà trường xử lý các xung đột của con và bạn bè thay vì hăm he dùng bạo lực và…trả thù!

Nếu con bạn thuộc loại nghịch phá hãy khuyên chúng thay đổi tác phong và nên có cuộc gặp với thầy cô phụ trách trước sự hiện diện của trẻ. Dù còn nhỏ nhưng trẻ vẫn có thể nhận ra điều đúng và biết tiếp thu lời khuyên của người lớn.

7. Mạng xã hội là một thực tế không thể tránh khỏi

Hướng dẫn trẻ từ 13 tuổi trở lên sử dụng đúng cách mạng xã hội thay vì ngăn chặn hoàn toàn. Cho trẻ biết những gì người ta viết trên mạng thường là không đúng sự thật, có thể dẫn đến bạo lực và ức hiếp. Khuyên trẻ tránh đưa lên mạng những thứ có hại cho người khác, dung tục hoặc dễ gặp rắc rối với chính quyền.

Ngoài ra, tuyệt đối không được bình luận ác ý trên những post của người khác. Cha mẹ càng kiểm soát tốt cách vào mạng xã hội của con, nguy cơ đối với chúng sẽ giảm. Dạy trẻ cách chặn những kẻ có ý đồ xấu và huỷ ngay kết bạn với chúng.

8. Kỷ luật và ngăn nắp phải bắt đầu từ trong gia đình

Trẻ lười biếng tại nhà, buồng ngủ để bừa bãi và hay đùn đẩy việc cho người khác trong gia đình cũng sẽ có thái độ tương tự tại trường. Sự lười biếng rất dễ lây lan từ nhà đến trường và hệ quả ra sao có lẽ các bậc phụ huynh đều biết.

Vì vậy, ngay trong gia đình, cha mẹ cũng cần dạy con sống có trách nhiệm với người khác, tuyệt đối không biến con thành kẻ lười biếng, ỷ lại, chỉ biết đến bản thân.

Một đứa trẻ vô trách nhiệm và không biết quan tâm đến người khác trong gia đình sẽ là đứa trẻ thất bại tại trường học và trường đời.

Theo Family

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ