Gia đình tàu “khủng” ở Hoàng Sa

GD&TĐ - Sở hữu 3 tàu cá công suất lớn thuộc hàng “khủng”, từ lâu ngư dân Nguyễn Văn Hoàng cùng 2 người con của mình đi khắp ngư trường Hoàng Sa vừa đánh bắt vừa góp phần tăng cường hiện diện, bảo vệ vùng biển chủ quyền.

Ba cha con ngư dân Nguyễn Văn Hoàng trên 3 tàu cá có công suất “khủng” chuyên bám ngư trường Hoàng Sa.
Ba cha con ngư dân Nguyễn Văn Hoàng trên 3 tàu cá có công suất “khủng” chuyên bám ngư trường Hoàng Sa.

2 đời bám biển Hoàng Sa

Vào buổi trưa cuối tháng 7, chúng tôi có mặt tại âu thuyền Thọ Quang (quận Sơn Trà) để gặp ngư dân Nguyễn Văn Hoàng (55 tuổi, trú tại phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) thuyền trưởng tàu cá ĐNa 91047 đang neo đậu sau thời gian đánh cá xa bờ trở về.

Kế bên cạnh con tàu của ông Hoàng là 2 chiếc tàu cá khác mang số hiệu DNa 90758 và DNa 90919, của anh Nguyễn Văn Tiến (37 tuổi) và anh Nguyễn Văn Tiền (32 tuổi), con trai của ông Hoàng.

Theo lời ông Hoàng, cha con ông vừa đi đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa trở về. Vừa buộc dây níu tàu vào cầu cảng, ông Hoàng tâm sự: Sinh ra và lớn lên ở làng quê nghèo quanh năm gắn bó với biển ở huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi), ông Hoàng bắt đầu đi đánh cá khi còn là thanh niên. Sau bao năm sương gió, ông cùng vợ tích góp được chút ít về Đà Nẵng đóng tàu lớn hơn để bám biển.

Đóng được con tàu mưu sinh, ông làm thuyền trưởng, 2 người con trai là anh Tiến và anh Tiền làm thuyền viên. Cứ thế 3 cha con họ bắt đầu hành trình trên vùng biển của Tổ quốc.

Năm 2016, có được số vốn nhỏ sau thời gian đi biển cùng cha và em, anh Tiến đóng mới một con tàu để “ra riêng”. Đi biển đã lâu, con trai ông Hoàng hầu như thuộc hết từng vị trí trên những ngư trường mà mình đã đánh bắt, đặc biệt là ngư trường Hoàng Sa của Việt Nam.

Có được con tàu lớn, anh Tiến cùng các thuyền viên và tàu của ông Hoàng ngày đêm hiện diện trên vùng biển quần đảo Hoàng Sa để đánh bắt cá, đồng thời khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam ở nơi đây.

“Kiên trì bám biển với nhiều chuyến ra khơi thắng lợi lớn, tôi bàn với cha và em trai đóng mới tàu lớn hơn để có thể ra khơi dài ngày hơn. Đến năm 2018, cha và đứa em Nguyễn Văn Tiền cùng lúc đặt đóng 2 con tàu cùng công suất 820 CV để thực hiện ước mơ của mình. Với 3 cha con chúng tôi, ngư trường Hoàng Sa chưa bao giờ xa, nay có tàu to máy lớn vùng biển của quê hương càng thêm gần hơn”, anh Tiến tâm sự.

Ông Hoàng chia sẻ, thời còn đánh bắt trên chiếc tàu cá nhỏ, 3 cha con ông ao ước đóng được con tàu lớn để bám biển Hoàng Sa dài ngày hơn. Bởi vậy khi được Nhà nước hỗ trợ vốn vay, ông đã không ngần ngại động viên con trai cả là anh Tiến đóng tàu vươn khơi.

“40 năm đi biển, nhiều tin tức khiến tôi rất ấm ức. Bởi vậy, cha con tôi quyết phải đóng tàu lớn để tự tin hơn. Tàu to, máy lớn rất yên tâm. Đã thế, 3 tàu lại đi cùng nhau nên càng vững chãi hơn, nhất là khi gặp bất trắc” – ông Hoàng cho biết.

Ngư dân Nguyễn Văn Hoàng trên con tàu của mình.
Ngư dân Nguyễn Văn Hoàng trên con tàu của mình. 

“Một tấc biển không rời”

Qua lời kể của ông Hoàng và anh Tiến, đã nhiều lần tàu cá của ngư dân Đà Nẵng bị tàu Trung Quốc chèn ép và đuổi đi không cho đánh bắt. Thế nhưng, khi tàu Trung Quốc rời đi, anh Tiến lập tức cho tàu trở lại để khai thác hải sản.

“Vì đây là vùng biển của cha ông ta đánh bắt từ hàng trăm năm qua nên không cớ gì chúng ta phải bỏ đi đâu cả”, ông Hoàng nhấn mạnh. Trong những lần khác vấp phải sự xua đuổi của tàu Trung Quốc, cha con ông Hoàng luôn quyết tâm với tinh thần “biển của mình thì mình đánh bắt”. “Chúng tôi một tấc biển cũng không rời”, ông Hoàng khẳng định.

Không những thế, 3 tàu cá của gia đình ông Hoàng còn là nòng cốt của “tổ đoàn kết Tiến Lên” với 12 tàu công suất lớn. Là tổ trưởng, anh Tiến đã tổ chức đánh bắt hiệu quả trên ngư trường truyền thống.

Thông qua tần số riêng trên ICOM, các tàu cá trong tổ khi đánh bắt sẽ giữ kết nối để chia sẻ thông tin về vị trí có nhiều hải sản. Hoặc trong những tình huống gặp sự cố trên biển, tổ đoàn kết Tiến lên đã kịp thời trao đổi thông tin để giúp đỡ lẫn nhau.

Nhiều thành viên tổ còn nhớ như in chuyến cứu hộ tàu cá của ngư dân Phan Tấn Lâu vào tháng 3 vừa qua. Khi đang đánh bắt cá ở Hoàng Sa thì tàu của ông Lâu bị hỏng máy trôi dạt trong điều kiện sóng gió cấp 7 - 8.

Ngay lập tức, anh Tiến và em trai cho tàu áp sát rồi lai dắt tàu bị nạn về bờ an toàn. Đó là chỉ một trong số nhiều câu chuyện ấm áp của những ngư dân Tiến lên ở Hoàng Sa. Bởi chính sự gắn bó máu thịt đó mà các tàu cá trong tổ đoàn kết ra khơi khi nào cũng trong tâm thế vững tin.

“Một tàu dễ thất bại, 3 tàu thì dễ thành công còn cả đội tàu thì gần như chuyến ra khơi nào chúng tôi cũng thắng lợi”, ông Hoàng chia sẻ.

Theo Chi cục Thủy sản TP Đà Nẵng, tổ đoàn kết Tiến Lên là một trong những tổ đoàn kết điển hình trong hoạt động đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa. Trong quá trình hoạt động ở vùng khơi, 575 tàu cá thuộc 94 tổ đoàn kết đã cung cấp hàng trăm thông tin có giá trị, như: Tình hình an ninh trên biển, các vụ việc tàu cá bị tàu nước ngoài xua đuổi, cản trở hoạt động khai thác... Qua đó, các cơ quan chức năng kịp thời theo dõi, nắm tình hình trên biển và điều động lực lượng, phương tiện tham gia bảo vệ chủ quyền, giữ gìn an ninh trật tự và tìm kiếm cứu nạn trên biển…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ