Do đi công tác xa nhà thường xuyên nên anh Hùng thường liên lạc với vợ bằng điện thoại, Mạng xã hội hoặc email. Ngay cả thằng con trai của anh lên lớp 8 cũng được anh sắm cho nguyên bộ công nghệ, nào là: Máy tính bảng, laptop, smartphone...
Đối với nhiều bậc phụ huynh thì cho rằng để con sử dụng công nghệ quá sớm sẽ làm trẻ hư hỏng, vì trên mạng có vô vàn cạm bẫy nguy hiểm. Riêng anh, trẻ tiếp thu công nghệ sớm sẽ là điều tốt, vì nó phụ trợ cho việc học rất nhiều.
Mỗi ngày, vợ anh Hùng cho con sử dụng Internet khoảng 1 giờ, muốn nghe nhạc, xem phim, đọc báo gì tùy thích. Nhưng tuyệt nhiên phải là những trang web lành mạnh và thỉnh thoảng dành 15 phút để trò chuyện với ba trên Facebook.
Chủ nhật thì thằng bé được chơi 2 giờ, sau khi đã hoàn tất việc học. Thời gian còn lại thì chị Nhung khuyến khích con vận động thể thao, họp nhóm bạn bè hoặc đi nhà sách, siêu thị, công viên thư giãn. Vì theo chị việc chăm chăm vào màn hình máy tính suốt ngày không phải là điều tốt. Còn rất nhiều việc lý thú ở thế giới thật cần được học hỏi và khám phá.
Ngoài ra, mỗi tháng chị cho thằng bé 50 ngàn tiền nạp card điện thoại để khi cần nó gọi, nhắn tin cho bạn bè trao đổi việc học, hoặc trò chuyện cùng ba. Thỉnh thoảng chị cũng kiểm tra điện thoại của con theo kiểu nhắc chừng chứ không soi mói vào những cuộc gọi hay tin nhắn. Thằng bé vốn hiền lành, ngoan nên khi được mẹ tin tưởng, nó tự nhủ phải cố gắng học tốt cho ba mẹ vui lòng.
Về phần chị, do vợ chồng xa cách, nhớ nhung nên ngày nào chị cũng bỏ ra 15-30 phút để nói chuyện cùng chồng qua điện thoại. Tuy nhiên thời gian đó dàn trải trong ngày chứ không xuyên suốt vì ai cũng có việc riêng.
Lúc đầu chị cũng không quan tâm đến công nghệ vì việc nhà hầu như đã chiếm hết thời gian, có giờ rảnh là chị ngã người ra ghế đọc sách, nghe nhạc, xem ti-vi thư giãn. Nhưng do chồng khuyến khích nhiều lần, rồi lại sợ thua sút bạn bè trong việc sử dụng công nghệ, nên chị tập tành làm quen với máy vi tính, lên mạng, mở tài khoản Facebook, e-mail.
Thằng con của chị tuy còn nhỏ nhưng rất rành công nghệ, nên có gì không hiểu hay trục trặc về phần mềm là chị nhờ vả nó. Dù làm quen với công nghệ cũng vài năm nhưng chị chưa bao giờ bị lệ thuộc hoặc nghiện. Chủ yếu chị muốn trò chuyện cùng chồng lúc xa nhà, muốn cả gia đình vui vẻ thêm. Cũng có nhiều đêm hai vợ chồng nhớ nhau, nằm nhắn tin cho nhau đến tận 1 giờ sáng rồi lăn ra ngủ lúc nào không hay.
Thằng con ngoài việc báo cáo kết quả học tập trong tuần còn báo cáo những hoạt động ở nhà (ngụ ý là bảo vệ mẹ). Còn vợ anh Hùng thì nhắc khéo chồng đi xa nhà đừng có tòm tem này nọ, phải giữ gìn sức khỏe và mau chóng về nhà. Anh Hùng xin thề với hai mẹ con và hứa với lòng là người cha, người chồng gương mẫu, không làm điều gì trái với đạo lý.
Có công nghệ nó cũng làm anh Hùng vơi đi nỗi buồn khi công tác ở những tỉnh heo hút. Sau giờ làm việc, nhớ vợ nhớ con, anh chỉ việc mở máy tính lên trò chuyện chứ không muốn theo đồng nghiệp ra phố ăn nhậu. Cuộc trò chuyện thường chỉ kéo dài 30 phút nhưng 3 người đều cảm thấy thoải mái, hạnh phúc như đang ngồi trong chính ngôi nhà của mình. Và điều tuyệt vời hơn nữa là mỗi thành viên đều tôn trọng quyền riêng tư, không cung cấp mật khẩu tất cả các tài khoản e-mail, Facebook, Zalo cho nhau.
Tuy nhiên cũng không ít lần xảy ra sự hiểu lầm. Có lần thấy trên Facebook vợ xuất hiện những tài khoản lạ của đàn ông kết bạn, anh Hùng vào comment khiếm nhã với họ rằng: “Cô ấy đã có chồng con yên ấm, các người đừng vào phá hoại hạnh phúc gia đình người ta. Hãy block nick nhanh đi!”. Đồng thời anh còn gọi điện nặng nhẹ với vợ sao lại đi làm quen với “trai lạ”, rồi còn add-nick của họ lung tung.
Chị vợ thanh minh mỏi cả miệng mà anh Hùng vẫn không tin. Cũng may là nhờ thằng con nó giải thích anh mới hiểu rõ sự việc. Thì ra những tài khoản lạ đó chỉ là họ kết bạn ngẫu nhiên do sự gợi ý của Facebook. Người ta thấy vợ anh đẹp như gái đôi mươi nên nhảy vào kết bạn là lẽ tất nhiên. Chị vợ vốn dĩ không am tường, thấy có người kết bạn là cứ OK ngay. Vì vậy mà xảy ra chuyện hiểu lầm.
Biết mình sai, anh Hùng xin lỗi vợ và hứa về sau sẽ không tái diễn hành động hồ đồ như thế. Rồi anh buông một câu hài hước để nịnh vợ: “Ai kêu vợ tôi đẹp quá làm chi, nên tôi phải ghen thôi!”. Chị vợ không giận chồng. Có yêu mới có ghen, đó là lẽ tất nhiên. Nhưng chị cũng nhẹ nhàng khuyên anh Hùng là lần sau có ghen thì cũng nên tìm hiểu kỹ, đừng quá vội vàng quy tội mà làm gia đình mất vui.
Công nghệ là con dao hai lưỡi. Dù nó giúp ích rất nhiều cho đời sống con người nhưng nếu không biết quản lý, tự kiểm soát nó sẽ làm cho mình tổn thương. Nhưng thật may mắn là gia đình anh Hùng sống trong công nghệ nhưng biết điểm dừng. Vì vậy ngôi nhà lúc nào cũng tràn ngập niềm vui. Không có chuyện công nghệ là kẻ nhảy vào phá hoại, chia rẽ gia đình. Mà ngược lại nó giúp gia đình anh Hùng gắn kết, thấm nhuần yêu thương hơn.