Giá điện liệu có tăng?

GD&TĐ - Sau khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) công bố chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2017 và “báo” lãi 2.792,08 tỷ đồng, câu hỏi được đặt ra hôm 3/12 là tại sao EVN vẫn có kế hoạch tăng giá điện vào năm 2019?

Lắp đèn chiếu sáng cho người dân nông thôn
Lắp đèn chiếu sáng cho người dân nông thôn

Kịch bản nào cho giá điện năm 2019?

Theo kết quả kiểm tra chi phí sản suất kinh doanh điện của EVN, năm 2017 tổng doanh thu bán điện là 289.954,78 tỷ đồng, tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện là 291.278,46 tỷ đồng. Với các khoản thu nhập tài chính, thu từ cổ tức và lợi nhuận được chia, EVN có lãi 2.792 tỷ đồng. Kết quả kiểm tra cũng nêu, còn khoản tiền 5.011 tỷ đồng chênh lệch tỷ giá năm 2017 đang còn treo chưa được đưa vào giá điện.

“Trong năm 2017, giá than đã được điều chỉnh tăng bình quân khoảng 5,7%, giá dầu HSFO của thế giới dùng để tính giá khí tăng 39,2%, giá dầu DO tăng 21,95%, dầu FO tăng 32,84%, thuế tài nguyên nước và tiền cấp quyền khai thác nước cũng được điều chỉnh tăng, làm tăng chi phí mua điện năm 2017 của EVN” - Bộ Công Thương nêu.

“Năm 2018, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đã chỉ đạo EVN không điều chỉnh tăng giá điện.Việc xây dựng kịch bản giá điện năm 2019 sẽ được thực hiện theo đúng quy định tại Quyết định 24/2017/QĐ-TTg” - Bộ Công Thương khẳng định.

Giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2017 là 1.667,77 đồng/kWh (tăng 0,15% so với năm 2016). Doanh thu bán điện năm 2017 là 289.954,78 tỷ đồng (tương ứng giá bán điện thương phẩm bình quân thực hiện là 1.660,19 đồng/kWh).

Theo đó, kịch bản giá điện năm 2019 sẽ được xây dựng dựa trên các thông số cụ thể về chi phí. Trong đó, kế hoạch cung cấp điện năm 2019 do Bộ Công Thương ban hành, đang tính có 4 kịch bản tương ứng với các tốc độ tăng trưởng phụ tải cao và bình thường, 2 kịch bản tương ứng thuỷ văn nước về các hồ bình thường và ít hơn bình thường.

Thêm nữa, chi phí được đưa vào tính giá điện gồm 3 khoản: Chi phí năm 2017 của EVN đã được kiểm toán và được các bộ ngành kiểm tra (bao gồm cả các khoản lãi và các khoản nợ còn treo trong năm 2017 của EVN); Ước chi phí trong năm 2018, bao gồm cả các khoản còn treo do năm 2018 không điều chỉnh giá điện; Chi phí dự kiến năm 2019.

Đồng thời, chi phí năm 2019 của EVN được xây dựng trên dự báo các thông số đầu vào để tính toán giá điện, như: Giá than trong nước, giá than nhập, giá dầu, giá khí (năm 2019 sẽ thực hiện giá khí bán cho sản xuất điện trong bao tiêu theo thị trường), tỷ giá, các khoản thuế phí bao gồm cả phí môi trường.

Bộ Công Thương thông tin rằng sẽ xem xét xây dựng các kịch bản giá điện năm 2019 theo đúng qui định, có xem xét các tác động của việc điều chỉnh giá điện. Sau khi EVN xây dựng phương án, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Tài chính để kiểm tra thẩm định. Bộ Công Thương cũng sẽ phối hợp với Tổng cục Thống kê để đánh giá ảnh hưởng của các kịch bản điều chỉnh giá điện lên tốc độ tăng trưởng GDP, chỉ số CPI, ảnh hưởng tới chi phí của các khách hàng lớn và các hộ sinh hoạt. Dự kiến Bộ Công Thương sẽ báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá kịch bản điều hành giá điện năm 2019 trong tháng 12 năm 2018. Trên cơ sở chỉ đạo của Ban Chỉ đạo điều hành giá, Bộ này sẽ xem xét hoàn chỉnh các kịch bản điều hành giá điện để báo cáo Chính phủ.

“Về thẩm quyền điều chỉnh giá điện sẽ thực hiện theo quy định, theo đó nếu mức tăng từ 3 đến dưới 5% và trong khung giá thì EVN sẽ được quyết định. Nếu mức tăng từ 5 đến dưới 10% và trong khung giá thì EVN sẽ quyết định tăng sau khi có ý kiến của Bộ Công Thương. Nếu mức tăng từ 10% trở lên và trong khung giá thì EVN được phép điều chỉnh sau khi Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến” - Bộ chủ quản ngành Điện khẳng định.

Liệu có khả năng cắt điện?

Trước câu hỏi về khả năng cắt điện trong năm tới, Bộ Công Thương phân tích: Ngay từ đầu tháng 10 năm 2018, Bộ này đã làm việc với EVN xây dựng kế hoạch cung cấp điện năm 2019. Trong các tháng cuối năm 2018, nhiều hồ thủy điện ở miền Trung - Tây Nguyên xảy ra tình trạng khô hạn, mực nước thấp hơn mực nước trung bình nhiều năm. Điều này cũng ảnh hưởng đến việc chuẩn bị kế hoạch cung cấp điện cho năm 2019.

EVN sẽ tính toán 4 phương án cung cấp điện tương ứng với các kịch bản nhu cầu phụ tải bình thường, phụ tải cao. Theo đó, sản lượng điện sản xuất năm 2019 đạt khoảng 242 tỷ kWh ở phương án cơ sở và 243,5 tỷ kWh ở phương án cao, với tốc độ tăng trưởng tương đương với tốc độ tăng trưởng dự báo trong Tổng sơ đồ phát triển điện lực.

Do dự báo khả năng hiện tượng El Nino sẽ quay trở lại với xác suất cao, các tính toán cũng xem xét khả năng lưu lượng nước về các hồ thủy điện ở mức bình thường và ít hơn bình thường. Bộ Công Thương cũng đã chỉ đạo EVN, PVN, TKV lập các phương án về khả năng cung cấp than, cung cấp khí cho phát điện. Các phương án cung cấp điện cũng đã tính toán đến khả năng cung cấp nước cho hạ du các hồ thủy điện trong mùa khô năm 2019, mà trước mắt là cấp nước cho vụ Đông Xuân của đồng bằng Bắc Bộ.

Bộ Công Thương khẳng định, cả 4 phương án trên cho thấy hệ thống đều đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, hệ thống điện sẽ phải huy động từ hơn 2 tỷ đến hơn 7 tỷ kWh từ các nguồn điện dầu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg

NATO thừa nhận một sự thật phũ phàng

GD&TĐ - Tổng thư ký tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Stoltenberg mới đây nói rằng, các nước của khối cần thừa nhận họ không hỗ trợ Kiev như đã hứa.
Ảnh minh họa.

Xóa định kiến

GD&TĐ - Xóa bỏ định kiến về giới tính trong lựa chọn ngành, trường học, nghề nghiệp là vấn đề đặt ra nhiều năm nay và đã có những chuyển biến tích cực.
Joshua Zirkzee đang nằm trong kế hoạch mua sắm của Arsenal.

Arsenal nhắm tiền đạo của Bayern Munich

GD&TĐ - Theo Mirror, Arsenal muốn mời tiền đạo ngôi sao của Bologna - Joshua Zirkzee một bản hợp đồng đến năm 2029, với mức lương hàng năm là 5 triệu Bảng.