Giá dầu thô Brent tương lai đã lên tới 30,11 USD mỗi thùng, tăng 0,8%, làm đảo ngược một số khoản lỗ trong phiên trước đó.
Giá dầu WTI của Mỹ tăng 1,6% lên mức 24,52 USD mỗi thùng.
Ả rập Xê út cho biết sẽ cắt giảm thêm 1 triệu thùng mỗi ngày vào tháng 6, tức giảm mức sản xuất xuống còn 7,5 triệu thùng mỗi ngày, thấp hơn tháng 4 gần 40%.
Việc cắt giảm sản xuất trên sẽ khuyến khích các quốc gia thành viên của nhóm các nước xuất khẩu dầu và Nga (OPEC+) khác cắt giảm sản xuất thêm nữa và sẽ thúc đẩy thị trường dầu mỏ toàn cầu tự tái cần bằng – ông Stephen Innes - chiến lược gia thị trường toàn cầu tại AxiCorp cho biết.
Các tiểu Vương quốc Ả rập và Kuwait cũng cam kết cắt giảm việc sản xuất dầu thêm tổng số 180.000 thùng mỗi ngày.
Động thái cắt giảm sâu sản lượng dầu đặt ra câu hỏi về nguyên nhân cần phải cắt giảm thêm như vậy.
Chuyên gia kinh tế năng lượng và khai thác mỏ Vivek Dahr của Ngân hàng Commonwealth nói: “Việc này diễn ra bất ngờ và có tác động lớn, liệu có phải là một chính sách chủ động hay chỉ là một phản ứng đối với nhu cầu suy yếu?”
Việc cắt giảm trên dự kiến sẽ làm bớt áp lực lên khả năng dự trữ dầu thô. Nó diễn ra trong bối cảnh các nền kinh tế lớn nhất thế giới đang nới lỏng dần các giới hạn chống dịch Covid-19, khiến nhu cầu về nhiên liệu được phục hồi.
Tuy nhiên, trước nguy cơ bùng phát mới của virus corona, bao gồm ở Trung Quốc và Hàn Quốc có số ca mắc tăng trở lại, thị trường vẫn tỏ ra cảnh giác với làn sóng lây nhiễm thứ 2 của Covid-19, khả năng tạo ra những đợt phong tỏa mới.
Dữ liệu về lượng hàng dự trữ trong tuần này sẽ là yếu tố then chốt để kéo dài đợt tăng giá gần đây – các nhà phân tích cho biết.