Tuy nhiên, thực tế cho thấy, với những người thợ có tay nghề cao, những vấn đề này đã không còn là mối lo ngại. Thu nhập từ 15 - 20 triệu/tháng
Là công nhân xí nghiệp may Chiến Thắng từ những năm 90, chị Vũ Thị Hoa ở Thụy Khuê, Hà Nội đã nghỉ việc ở xí nghiệp từ nhiều năm nay để làm nhiều nghề khác nhau, cuộc sống gia đình ít nhiều vẫn còn khó khăn. Gần đây, được người quen giới thiệu, chị quay lại làm nghề may mặc. Xưởng may chủ yếu gia công các sản phẩm công sở chất lượng cao. Tại đây có hơn 30 công nhân làm việc. Công việc của chị trong dây chuyền sản xuất là thợ cắt.
Mức lương của doanh nghiệp (DN) trả cho chị Hoa lên tới 15 triệu đồng/tháng và được hưởng đầy đủ các chế độ phúc lợi. Sở dĩ có được công việc này là do trước đây khi làm công nhân chị đã là thợ cắt bậc cao, do đó chị thành thạo ngay khi bước vào công việc. Đây cũng chính là điều mà DN cần đến. Với mức lương hiện tại, chị Hoa đã cải thiện đáng kể được cuộc sống gia đình. Chị rất phấn khởi và tận tâm hơn với công việc của mình.
Cùng làm nghề may, anh Đỗ Quốc Hùng 48 tuổi ở Khâm Thiên, Hà Nội lại được truyền nghề từ gia đình. Mặc dù không có bằng cấp gì về nghề nghiệp, nhưng anh vẫn được rất nhiều nhà may, cửa hàng quần áo biết đến bởi những sản phẩm của anh làm ra. Các nhà may, cửa hàng quần áo thường đặt hàng anh Hùng may những kiểu quần áo theo yêu cầu. Bên cạnh đó, họ cũng bán những sản phẩm may mặc do anh Hùng tự thiết kế và hoàn thiện. Công việc đều đặn và cho thu nhập ổn định, mỗi tháng chừng 20 triệu đồng.
Với trình độ nghề nghiệp của mình, anh Hùng đã tự mở một xưởng may mặc nhỏ, có hơn 10 đầu máy may và nhận các lao động trẻ đến làm việc đồng thời dạy nghề luôn cho họ. Anh tính lương cho người học nghề theo sản phẩm được giao. Anh Hùng cho biết: Cách làm này có lợi cho cả hai bên, người học nghề vừa có nghề vừa không mất tiền học nghề mà vẫn có thu nhập, còn người dạy nghề giảm thiểu được chi phí nhân công, qua đó giảm được giá thành sản phẩm...
Phát huy kỹ năng và sáng tạo
Nghề gia công may mặc tại Việt Nam hiện nay đang rất phổ biến, thu hút hàng triệu nhân công tham gia. Đây cũng là một trong những nghề mà công nhân có thu nhập thấp nhất. Tuy nhiên thực tế cho thấy, những người thợ có tay nghề cao như chị Hoa, anh Hùng vẫn hoàn toàn có thể sống tốt với nghề nghiệp của mình.
Một nghiên cứu mới đây của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) dự báo, trong 2 thập niên tới, khoảng 56% số lao động tại 5 quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, có nguy cơ mất việc vì robot. Tỷ lệ này xảy ra với ngành may mặc có thể lên đến 86%. Hiện nay đã có khá nhiều DN nhập khẩu robot về để thực hiện những công việc giản đơn. Trước những thách thức của cách mạng công nghiệp 4.0, sự thay đổi về công nghệ đang diễn ra mạnh mẽ, đặc biệt trong ngành may mặc, hàng triệu lao động đang đứng trước nguy cơ bị thay thế bởi robot.
Tuy nhiên, cũng có không ít những ý kiến cho rằng, robot chỉ có thể thực hiện những thao tác nhất định được lặp lại nhiều lần, nó phù hợp với những sản phẩm đại trà. Còn để sản xuất ra những sản phẩm độc đáo và sáng tạo sản phẩm mới, thì vai trò của người thợ tay nghề cao vẫn không thể thay thế được. Đây chính là những kỹ năng quan trọng mà người lao động trong các ngành sản xuất nói chung và ngành may mặc nói riêng nhất thiết phải có để đáp ứng với những thay đổi đến từ cách mạng công nghiệp 4.0.
“DN sẵn sàng trả mức lương cao bởi tay nghề và kinh nghiệm của tôi đáp ứng được yêu cầu về cả số lượng, chất lượng, thẩm mỹ... Tại DN, cũng có không ít những công nhân may có mức thu nhập trên 10 triệu đồng/tháng và cao hơn nữa. Tất nhiên các công nhân này đều có kinh nghiệm và tay nghề cao...”- chị Vũ Thị Hoa chia sẻ.