Ghi từ vùng sạt lở miền Trung: Tái thiết từ… bùn đất

GD&TĐ - Dựng lại nhà cho người dân bị vùi mất nhà cửa từ đống đổ nát ở Hướng Việt (Hướng Hóa, Quảng Trị), Phước Thành, Phước Lộc (Phước Sơn, Quảng Nam) hay Trà Vân, Trà Leng (Nam Trà My, Quảng Nam) là chuyện trước mắt.

Người dân Hướng Việt nhặt nhạnh sau lũ quét để gây dựng lại cuộc sống. Ảnh: TG
Người dân Hướng Việt nhặt nhạnh sau lũ quét để gây dựng lại cuộc sống. Ảnh: TG

Về lâu dài, việc lập bản đồ cảnh báo nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, rà soát các điểm dân cư có nguy cơ sạt lở để chủ động xây dựng phương án phòng tránh hoặc di dời dân đã được các địa phương tính đến. 

Vượt qua ám ảnh

Ông Hồ Văn Phức (xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) không thể quên được những ám ảnh kinh hoàng trong đêm lũ quét 17/10/2020. Hơn 60 năm sinh sống ở mảnh đất này, chưa bao giờ ông Phức hình dung được ngọn núi Ka Lóc sừng sững, vững chãi sẽ đổ sụp bao nhiêu bùn đất, cuốn trôi toàn bộ nhà cửa, trâu bò, lợn gà của bà con. Trong đêm tối mịt mù, cả gia đình ông Phức cứ nhằm chỗ cao mà chạy. Cuống cuồng, hớt hãi. Không kịp cầm theo bất cứ thứ gì ngoài bộ áo quần trên người. 

Dù bùn đất vẫn còn ngổn ngang, nhưng vợ chồng ông Phức đã dựng tạm căn nhà nhỏ. Những ngày đầu, không hôm nào là ông Phức không tìm về nền nhà cũ, dù không còn dấu vết gì có thể nhận ra nơi từng gọi là nhà. Ruộng rẫy cũng đã bị đất đá bồi lấp. Giờ thì ông Phức thôi không quay lại nền nhà cũ nữa.

Vợ chồng ông dành hết cả thời gian trong ngày, kiếm rau cỏ chăm chút cho đàn lợn con. Đó là tài sản còn sót lại duy nhất của gia đình ông sau đêm lũ dữ. “Hôm núi sạt, bầy lợn con mải đi kiếm ăn, ở lại bên mé đường lớn, nơi bùn đá không thể trào tới nên vẫn còn sót lại”, ông Phức vui mừng kể. 

Những ngày này, Hồ Văn Trí (SV năm cuối khoa Giáo dục thể chất, Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế) mong nhanh chóng được về quê để trực tiếp xem căn nhà tái định cư mà em sẽ dọn vào ở trước Tết Nguyên đán. Cùng với 50 hộ dân khác, căn nhà của anh em Trí được tỉnh và huyện hỗ trợ 151 triệu đồng, xây dựng theo hướng kiên cố.

Trong 11 căn nhà quây quần ở Nóc Ông Đề (xã Trà Leng, Nam Trà My) giờ chỉ còn là một đống đổ nát đầy ám ảnh, hoang tàn, có ngôi nhà của Trí. Trí ngậm ngùi: “Tết năm nay, sẽ chỉ có 4 anh chị em chúng em lo cho nhau, không còn được ba mẹ sắm sửa, lo toan mọi thứ. Nhà mới cũng không có hơi ấm của ba mẹ, không có vật gì của ba mẹ để lại làm kỷ niệm. Nhưng em còn 3 đứa em đang tuổi ăn tuổi học, buồn đau cũng đành phải để trong lòng, phải nhìn về phía trước để còn là chỗ dựa cho các em”.

Đã có nhiều cá nhân ngỏ ý muốn nhận 2 em của Trí là em Điệp và em Đệ - đang học lớp 11 và lớp 9 về nuôi nhưng Trí không đồng ý. “Việc ăn học của các em đã có Nhà nước hỗ trợ. Số tiền ủng hộ của những tấm lòng hảo tâm thì chúng em cũng sử dụng rất dè sẻn, tiết kiệm và đúng mục đích. Giờ chỉ có 4 anh em côi chút dựa vào nhau, nếu 2 em ở hai nơi với 2 gia đình mới, lại quá xa xôi thì em cũng không đành lòng”. 

Với sự hỗ trợ của chính quyền, cộng đồng… việc dạy – học của các trường học ở Hướng Việt đã sớm đi vào ổn định. Ảnh: Ánh Ngọc
Với sự hỗ trợ của chính quyền, cộng đồng… việc dạy – học của các trường học ở Hướng Việt đã sớm đi vào ổn định. Ảnh: Ánh Ngọc

Tăng năng lực ứng phó thiên tai

Ngay sau lũ quét, sạt lở đất… ngoài nhanh chóng ổn định nơi ăn chốn ở cho người dân, sửa chữa đường sá, cầu cống, khôi phục các cơ sở y tế, trường học… Quảng Nam tiếp tục rà soát, chủ động di dời dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm, có nguy cơ mất an toàn cao, nhất là khu vực bị ảnh hưởng mưa lũ vừa qua. Việc tái định cư khi đưa người dân chuyển ra khỏi vùng sạt lở hoặc vùng có nguy cơ cao đòi hỏi phải có thời gian khi phải gắn với vùng sản xuất của đồng bào để tránh phải tái định cư trở lại. 

Với đồng bào miền núi, không gian sinh hoạt không tách rời đời sống văn hóa, tinh thần, tâm linh cũng như không gian sinh kế. Chính vì vậy, mặt bằng để tái định cư là bài toán mà chính quyền, cơ quan chức năng, các nhà khoa học cần phải khảo sát.

Theo kết quả nghiên cứu của Viện Khoa học thủy lợi miền Trung và Tây Nguyên thì chi tính riêng huyện Bắc Trà My của Quảng Nam đã có khoảng 30 điểm có nguy cơ cao xảy ra sạt lở; huyện Nam Trà My có khoảng 15 điểm, huyện Phước Sơn có 13 điểm. Viện đã xây dựng bản đồ cản báo nguy cơ sạt lở đất cho 3 huyện nói trên với tỉ lệ 1/50.000 và toàn tỉnh với tỉ lệ 1/100.000. 

Bộ Tài nguyên và Môi trường đang triển khai đề án nghiên cứu về lũ quét và nguy cơ sạt lở đất trên địa bàn các tỉnh vùng núi có nguy cơ cao. Trong đó, xây dựng bản đồ cảnh báo sạt lở với tỉ lệ 1/50.000, tập trung ở miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và miền Trung.

Tuy nhiên, theo như ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND, thì với bản đồ tỉ lệ 1/50.000 thì phạm vi rà soát khu vực quá lớn nên khó cảnh báo chi tiết từng điểm sạt lở. Chính vì vậy, Quảng Nam đã kiến nghị Thủ tướng, Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm xây dựng bản đồ cảnh báo sạt lở cho các tỉnh miền Trung, trong đó có Quảng Nam ở tỉ lệ ít nhất là 1/1.1000 hoặc tốt nhất là 1/500. 

Tại Hội thảo “Thiên tai lũ quét, sạt lở đất ở khu vực miền Trung – nguyên nhân và giải pháp giảm thiểu” diễn ra vào giữa tháng 1/2021, TS Đặng Việt Dũng – Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho biết, sẽ phối hợp với các tỉnh xây dựng, lập các bản đồ cảnh báo nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, bản đồ ngập lụt hạ du, xây dựng bản tiêu chí phân loại nguy cơ, hỗ trợ các địa phương lập đề án rà soát các khu dân cư, điểm dân cư có nguy cơ và xây dựng phương án phòng tránh. 

Tổng hội Xây dựng sẽ hỗ trợ các địa phương điều chỉnh, lồng ghép nội dung phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch, chiến lược phát triển của các ngành, địa phương theo hướng kết hợp đa mục tiêu, hạn chế tối đa việc gia tăng rủi ro thiên tai, thích ứng với đặc điểm của từng vùng, miền, nhất là vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất… 
TS ĐẶNG VIỆT DŨNG

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ