Ghi nhớ dấu hiệu nhận biết đơn vị kiến thức môn Giáo dục công dân

GD&TĐ - Ôn thi tốt nghiệp THPT môn Giáo dục công dân, thí sinh cần nắm vững kiến thức cơ bản và ghi nhớ dấu hiệu nhận biết nhanh các đơn vị kiến thức.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 được tổ chức vào các ngày 27, 28, 29, 30/6. Ảnh minh họa/internet.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 được tổ chức vào các ngày 27, 28, 29, 30/6. Ảnh minh họa/internet.

Nắm chắc kiến thức cơ bản

Theo cô giáo Lê Thị Thu Hiền – Trường THPT Xuân Vân (Sơn Dương, Tuyên Quang), thời điểm này, học sinh cần tích cực luyện tập các dạng câu hỏi trắc nghiệm đã có trong đề thi tốt nghiệp THPT của những năm trước. Đồng thời, thường xuyên cập nhật thông tin, định hướng và quy chế thi của Bộ GD&ĐT.

Thí sinh cần biết phân tích, lựa chọn những đơn vị kiến thức được vận dụng đưa vào giải đề. Đối với những câu hỏi tình huống, các em cần đọc kỹ mệnh đề nhằm xác định được yêu cầu cần giải quyết.

Sau đó, các em lần lượt phân tích tình huống qua các câu dẫn. Việc này, giúp các em xác định chính xác đáp án đúng mà không bỏ sót nhân vật trong tình huống.

Học sinh cần chủ động trao đổi những khó khăn, vướng mắc với các thầy cô trong quá trình ôn tập tốt nghiệp và luyện đề, để kịp thời tháo gỡ và nhận được hỗ trợ từ giáo viên.

“Từ kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT qua các năm cho thấy, bài thi Giáo dục được xem như “cứu cánh” để “gỡ điểm” cho các bài thi khác. Đây là môn học không khó để đạt được điểm cao. Chỉ cần các em chăm học, nắm chắc kiến là có thể “ăn điểm”; thậm chí là đạt điểm tuyệt đối” – cô Hiền nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, cô Trần Thị Xuân Hà - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Mỹ Văn (Tam Nông, Phú Thọ) – tư vấn, đối với môn Giáo dục công dân lượng kiến thức ôn tập nằm trong phần Công dân với pháp luật (lớp 12) và phần Công dân với kinh tế ở (lớp 11).

Với lượng kiến thức này có thể nói không quá nặng đối với học sinh. Do đó để giành được điểm cao, học sinh cần nắm chắc kiến thức cơ bản ở tất cả các nội dung này.

Tuy nhiên, theo cô Hà, qua phân tích đề thi chính thức và đề thi tham khảo của những năm gần đây cho thấy, nội dung các câu hỏi thường tập trung nhiều ở bài 2, bài 4, bài 6 và bài 7 của chương trình lớp 12.

Các câu hỏi vận dụng và vận dụng cao cũng chủ yếu ở các bài này. Vì thế, học sinh cần ôn tập kỹ hơn 4 nội dung kiến thức của 4 bài để giải quyết triệt để các câu hỏi ở các mức độ nhận thức.

Cô giáo Lê Thị Thu Hiền – Trường THPT Xuân Vân (Sơn Dương, Tuyên Quang) trong một giờ lên lớp. Ảnh: NVCC.

Cô giáo Lê Thị Thu Hiền – Trường THPT Xuân Vân (Sơn Dương, Tuyên Quang) trong một giờ lên lớp. Ảnh: NVCC.

Không nên “nước đến chân mới nhảy”

Để đạt kết quả cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, cô Hà nhấn mạnh, khi làm bài thi môn Giáo dục công dân, thí sinh cần phân tích kỹ đề, đọc kỹ câu hỏi, tình huống; đặc biệt với những câu vận dụng và vận dụng cao, làm đến đâu chắc đến đó. Rà soát thật kỹ khi tô phiếu trả lời trắc nghiệm, tránh tô nhầm, tô sai hoặc tô thừa.

Với nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy và ôn tập môn Giáo dục công dân cho học sinh lớp 12, thầy Nguyễn Hồng Sơn – giáo viên Trường THPT Mê Linh (Hà Nội) nhận thấy: Học sinh vẫn chưa chủ động trong việc xây dựng kế hoạch ôn tập. Nhiều em “nước đến chân mới nhảy”.

“Học sinh cần biết mình hổng kiến thức ở đâu để kịp thời bổ sung, lấp đầy chỗ trống. Hãy tạo tâm lý tốt nhất và kiến thức vững vàng nhất cho mình để vượt vũ môn nhằm đạt được kết quả như mong muốn” – thầy Sơn nhắn gửi.

Theo thầy Sơn, không ít học sinh quan niệm, khối lượng kiến thức môn giáo dục công dân ít hơn so với môn học khác, nên các em không dành nhiều thời gian ôn tập cho môn học này.

Khi lên lớp, có em học trong vô thức, tiếp thu kiến thức thụ động. Tâm lý sợ “học trước quên sau” dẫn đến việc khi nào gần đến ngày thi mới ôn luyện một thể cho nhớ. Đây là những quan niệm sai lầm, thí sinh không nên vận dụng kẻo bị điểm kém.

Tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp năm 2023. PGS.TS Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) – thông tin, đề thi tốt nghiệp THPT năm 2023 sẽ có 75% nội dung ở mức nhận biết, thông hiểu; 25% thuộc mức vận dụng, vận dụng cao.

Học sinh chỉ cần học chắc kiến thức cơ bản của chương trình THPT, chủ yếu lớp 12 là có thể đạt 75% điểm số của bài thi. 25% nội dung đề thi ở mức vận dụng, vận dụng cao có tính phân hóa là căn cứ để các cơ sở đào tạo sử dụng làm một trong các phương thức xét tuyển. Do đó, thí sinh cần bám sát đề thi minh họa được Bộ GD&ĐT đã công bố để có định hướng ôn tập.

Theo PGS.TS Huỳnh Văn Chương, học sinh lớp 12 năm nay không bị ảnh hưởng bởi Covid-19 nhưng các em vẫn bị thiệt thòi ở lớp 10 và lớp 11. Do đó, đề thi sẽ bám vào hai năm cuối, đặc biệt là lớp 12.

PGS.TS Huỳnh Văn Chương cho hay, kỳ thi tốt nghiệp THPT chung đề, chung đợt và có sự đồng nhất về đánh giá nên kết quả đủ tin cậy để các trường đại học dùng xét tuyển.

“Học sinh cần tập trung vào kỳ thi tốt nghiệp để đạt kết quả cao, vì qua nhiều năm cho thấy, kết quả kỳ thi này vẫn được nhiều cơ sở giáo dục đại học sử dụng để xét tuyển đại học” - PGS.TS Huỳnh Văn Chương lưu ý.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 được tổ chức vào các ngày 27, 28, 29, 30/6. Trong đó, ngày 27/6/2023 là ngày làm thủ tục dự thi. Tổ chức coi thi vào 2 ngày 28, 29/6/2023. Ngày 30/6 là ngày thi dự phòng. Bộ GD&ĐT sẽ cố gắng công bố kết quả thi tốt nghiệp THPT vào ngày 18/7 để có thời gian thuận lợi nhất cho công tác tuyển sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đôi dép lốp của ông

Đôi dép lốp của ông

GD&TĐ - Hồi bé, tớ hay được sang nhà ông bà ngoại chơi (vì nhà ông bà ở ngay gần nhà), tớ thấy ông ngoại có đôi dép trông rất lạ, màu đen, hơi cũ, cổ xưa.

Ông Mohamed al-Bashir được bổ nhiệm làm người đứng đầu Chính phủ chuyển tiếp ở Syria.

Mỹ sẽ theo quyết định của Israel?

GD&TĐ - Đoàn Mỹ vừa đến Syria hội đàm với người đứng đầu chính phủ chuyển tiếp Damascus, người Mỹ từng treo giải thưởng 10 triệu đô la cho đầu ông này.