Ghi nhận những nét nổi bật từ phong trào thi đua trong giáo dục

GD&TĐ - Tuần qua, sự kiện nhận được sự quan tâm lớn của xã hội và những người làm công tác giáo dục là Đại hội thi đua yêu nước lần thứ VII ngành giáo dục, do Bộ GD&ĐT tổ chức. Cuộc thi chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm 2020 chọn được nữ quán quân sau 8 năm và lần đầu tiên học sinh lớp 10 thi Olympic Toán quốc tế đã đoạt Huy chương Vàng,… là những tin giáo dục nổi bật.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ và Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng trao Bằng khen cho các cá nhân và tập thể điển hình.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ và Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng trao Bằng khen cho các cá nhân và tập thể điển hình.

Phong trào thi đua trong giáo dục có những nét nổi bật

Trong 5 năm qua, ngành Giáo dục đã có nhiều cố gắng và đạt được những thành quả bước đầu trong việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Ghi nhận thành quả này, gần 400 cá nhân, tập thể được vinh danh tại Đại hội thi đua yêu nước lần thứ VII ngành giáo dục.

Phát biểu ý kiến tại đại hội, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Hội đồng thi đua khen thưởng T.Ư, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh biểu dương những thành tựu, sự nỗ lực cố gắng của ngành giáo dục, của các nhà giáo tâm huyết, trách nhiệm và các em học sinh sinh viên nỗ lực vượt khó học tập tốt.

Phó Chủ tịch nước khẳng định, GD&ĐT luôn có vị trí, vai trò quan trọng đối với sự phát  triển bền vững của mỗi quốc gia. Đối với nước ta, dân tộc Việt Nam vốn có truyền thống hiếu học. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành cho sự nghiệp trồng người sự quan tâm đặc biệt. Đảng, Nhà nước luôn khẳng định GD&ĐT là quốc sách hàng đầu được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Chúng ta có quyền tự hào nếu như năm 1945 hơn 95% dân số không biết chữ  thì ngày nay Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có sự phát triển ấn tượng và tiên phong trong đổi mới giáo dục.

Tại Đại hội, Hội đồng thi đua khen thưởng ngành giáo dục đã công bố quyết định khen thưởng cho tổng số 384 tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, gồm: Khối các Sở GD&ĐT: 188 tập thể và cá nhân; Khối các trường thuộc Bộ, ngành và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: 84 tập thể và cá nhân; Khối các đơn vị trực thuộc Bộ GD&ĐT: 102 tập thể và cá nhân.

Cũng theo Phó Chủ tịch nước, những năm qua, phong trào thi đua trong giáo dục có những nét nổi bật. Qua sáu năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, ngành giáo dục có nhiều cố gắng đạt kết quả quan trọng.

Ngành giáo dục cũng đã tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua, cuộc vận động của TƯ với trọng tâm là bốn phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động. Ngoài ra, toàn ngành giáo dục còn có nhiều phong trào thi đua sôi nổi, thiết thực. Trong đó, trên nền phong trào thi đua dạy tốt, học tốt đã được triển khai cách đây gần 60 năm, ngành giáo dục đã phát động, triển khai phong trào thi đua Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học, gắn  với cuộc vận động mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học, sáng tạo đã khơi dậy tinh thần đổi mới sáng tạo của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý; phát huy tính chủ động, sáng tạo của học sinh, sinh viên.

Phó Chủ tịch nước mong muốn công tác thi đua khen thưởng ngành giáo dục cần tiếp tục tạo sự lan tỏa các phong trào thi đua; triển khai sâu rộng trong toàn ngành các phong trào thi đua yêu  nước, các cuộc vận động gắn với đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đẩy mạnh làm tốt xã hội hóa trong ngành giáo dục và cả trong thi đua khen thưởng để tạo thêm nguồn lực khuyến khích, động viên các cá nhân xuất sắc  trong phong trào thi đua dạy tốt học tốt và phấn đấu đưa phong trào thi đua và công tác khen thưởng lên một tầm cao mới, góp phần thiết thực vào sự nghiệp trồng người đầy vinh quang và cao cả…

Trao thưởng cho các nhà leo núi - Đường lên đỉnh Olympia năm 2020.
Trao thưởng cho các nhà leo núi - Đường lên đỉnh Olympia năm 2020.

Cuộc thi chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm 2020

Thắng áp đảo ba "nhà leo núi" trong các phần thi, đồng thời giải mã nhanh chóng hình ảnh bí mật ở vòng thi Vượt chướng ngại vật, nữ sinh Nguyễn Thị Thu Hằng, trường Trung học phổ thông Kim Sơn A, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình đã xuất sắc giành quán quân Cuộc thi chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm 2020.

Đường lên đỉnh Olympia luôn thu hút sự quan tâm lớn của học sinh phổ thông cả nước. Đây là một sân chơi trí tuệ được đánh giá cao và vòng nguyệt quế của chương trình có sức hấp dẫn rất lớn, tác động tích cực đến phong trào học tập, rèn luyện của học sinh tại các nhà trường. Với việc giành chức vô địch Đường lên đỉnh Olympia, Nguyễn Thị Thu Hằng nhận được suất học bổng trị giá 40.000 USD. Giải thưởng cho 2 thí sinh về Nhì là 100 triệu và 1 giải ba 50 triệu đồng.

Nguyễn Thị Thu Hằng, nữ sinh tới từ Trường THPT Kim Sơn A, Ninh Bình, cô gái duy nhất trong chung kết năm Đường lên đỉnh Olympia 2020, đã trở thành quán quân xứng đáng sau phần thể hiện ấn tượng qua các phần thi.

Trước đó, Thu Hằng đã trở thành niềm tự hào của gia đình và nhà trường khi là nữ sinh đầu tiên vào chung kết năm của Đường lên đỉnh Olympia sau 8 năm. Ngoài ra, với tổng điểm là 350 trong cuộc thi tuần, Thu Hằng đã xác lập kỷ lục mới: Thí sinh nữ có tổng điểm cao nhất Đường lên đỉnh Olympia trong 20 năm qua.

Quán quân của Đường lên đỉnh Olympia học giỏi các môn tự nhiên, đặc biệt là môn sinh học. Nữ sinh từng giành các giải thưởng: Huy chương Bạc giải toán bằng tiếng Anh trên internet cấp quốc gia lớp 8; Giải Khuyến khích cấp quốc gia ở Olympic tiếng Anh trên internet lớp 9.

Đội tuyển Olympic Toán quốc tế 2020 và các huấn luyện viên.
Đội tuyển Olympic Toán quốc tế 2020 và các huấn luyện viên.

Lần đầu tiên học sinh lớp 10 thi Olympic Toán quốc tế

Trong 6 thí sinh đang thi Olympic Toán quốc tế (IMO), Ngô Quý Đăng, trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, là thí sinh duy nhất mới học lớp 10.

Kỳ thi Olympic quốc tế năm 2020 do Nga làm chủ nhà. Tuy nhiên, do diễn biến phức tạp của Covid-19, kỳ thi đã được lùi lại so với dự kiến ban đầu và chuyển từ hình thức thi trực tiếp sang online. Thí sinh sẽ thi tại đất nước mình thay vì đến nước chủ nhà thi tập trung như mọi năm.

Tại Việt Nam, kỳ thi được khai mạc ngày 21/9 và diễn ra trong hai ngày tại Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Tối 27/9, Ban tổ chức kì thi Olympic Toán quốc tế 2020 (IMO 2020) đã công bố kết quả chấm thi và điểm chuẩn. Đoàn Việt Nam đã xuất sắc giành 2 huy chương Vàng, 1 huy chương Bạc, 2 huy chương Đồng và 1 giải khuyến khích.

Việt Nam bắt đầu tham gia kỳ thi Olympic Toán quốc tế từ năm 1974 (lần thứ 16). Từ đó đến nay, có 9 thí sinh từng giành điểm tuyệt đối, 8 thí sinh từng hai lần giành huy chương vàng trong hai năm liên tiếp, một người từng giành giải thưởng đặc biệt vì lời giải xuất sắc là Lê Bá Khánh Trình (IMO 1979). Thầy Lê Bá Khánh Trình cũng là Phó trưởng đoàn Việt Nam năm nay.

Năm 2019, đội tuyển Việt Nam giành hai huy chương vàng và bốn bạc, xếp thứ 7 trong 110 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ