Ghi nhận bước đầu dạy và học theo chủ trương tinh giảm nội dung

Ghi nhận bước đầu dạy và học theo chủ trương tinh giảm nội dung

(GD&TĐ)- Năm 2011- 2012, ngành GD-ĐT đẩy mạnh thực hiện chủ trương điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng tinh giảm ở các cấp học phổ thông. Trên thực tế triển khai đã nhận được sự đồng thuận cao của giáo viên, học sinh, các bậc phụ huynh và những người tâm huyết quan tâm đến sự nghiệp giáo dục.

Một chủ trương mang tính nhân văn sâu sắc

Điều chỉnh nội dung theo hướng tinh giảm nhằm loại bỏ những nội dung trùng lặp, giảm những bài tập, câu hỏi yêu cầu vận dụng kiến thức quá sâu, không phù hợp trình độ nhận thức và tâm sinh lý lứa tuổi học sinh. Ảnh, gdtd.vn
 Điều chỉnh nội dung theo hướng tinh giảm nhằm loại bỏ những nội dung trùng lặp, giảm những bài tập, câu hỏi yêu cầu vận dụng kiến thức quá sâu, không phù hợp trình độ nhận thức và tâm sinh lý lứa tuổi học sinh. Ảnh, gdtd.vn

Là nhà quản lý giáo dục đã nhiều năm nay, giám đốc Sở GD-ĐT Lào Cai Trương Kim Minh nhận định: việc tinh giảm nội dung dạy học đã giúp cho giáo viên có điều kiện chủ động dạy học sát với từng nhóm đối tượng, vùng miền, có thêm thời gian cho việc dạy và học tốt hơn các yêu cầu kiến thức phổ thông cần thiết hoặc việc rèn luyện kĩ năng sống cho HS...

Theo ông Minh: để thực hiện khẩu hiệu “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, chúng ta, những người làm giáo dục có nhiều cách làm thiết thực và hiệu quả, trong đó thiết thực nhất, khoa học nhất là điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng tinh giảm. Từ đó học sinh có nhiều thời gian hơn để tham gia vào các hoạt động ngoài giờ lên lớp, các giờ học kĩ năng sống, các tiết học tìm hiểu tự nhiên và xã hội… được các thầy cô bố trí dạy nhiều hơn trong chương trình học thông qua các tiết học, chủ đề tự chọn trên lớp để các em thực sự được “học mà chơi-chơi mà học”

Việc tinh giảm nội dung thực sự đưa việc dạy học của nhà trường phù hợp với điều kiện dạy và học ở nước ta, phù hợp với tâm, sinh lý lứa tuổi của học sinh. Việc điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng tinh giảm sẽ mang lại quyền lợi cho học sinh, đó là quyền trẻ em khi đến trường, được vui chơi và học tập một cách hài hòa, vừa sức, đúng tâm lý lứa tuổi; ông Minh đã đánh giá chủ trương này mang tính nhân văn sâu sắc.

Đã có nhiều cách làm hay

Để cụ thể hóa tinh thần điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng tinh giảm ở các cấp học Phổ thông của Bộ, ông Trương Kim Minh cho biết: tất cả các giáo viên cốt cán ở địa phương như hiệu trưởng, phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn, các tổ trưởng tổ chuyên môn các trường được tập huấn quán triệt tinh thần, nghiên cứu hướng dẫn chính thức của Bộ.

 
Nhà giáo Trương Kim Minh. Ảnh, gdtd.vn

Lào Cai sẽ lồng ghép tốt nhất những chương trình giáo dục phù hợp với hoàn cảnh địa phương. Đó là những tiết học giảng dạy về bản sắc văn hóa địa phương, lịch sử địa phương, điều kiện địa lý tự nhiên- xã hội, những văn hóa truyền thống đậm nét của địa phương… là những kiến thức rất cần trong hành trang vào đời cho các học sinh của Lào Cai.

Theo ông Minh, những sự kiện lịch sử nổi tiếng tại Lào Cai như diễn biến giải phóng Lào Cai, trận đánh Phố Ràng vang dội năm 1946, bộ đội ta phá vỡ phòng tuyến phía Tây khu Việt Bắc của Pháp hoặc lịch sử hào hùng của các trường học ở Lào Cai trong kháng chiến… sẽ là những kiến thức địa phương được các thầy cô tái hiện lại một cách sinh động cho học sinh. Điều này rất quan trọng khi các em học lịch sử đất nước, biết lịch sử địa phương đứng ở đâu trong tiến trình lịch sử quốc gia sẽ làm cho các em hứng thú hơn trong học tập. 

Tin tưởng vào đội ngũ trực tiếp thực hiện chủ trương tinh giảm

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hòa Bình Đặng Quang Ngàn cho biết: tinh thần chung của ngành giáo dục Hòa Bình khi triển khai điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng tinh giảm ở các cấp học Phổ thông là trao sự chủ động cho giáo viên.

Ông Ngàn khẳng định, hầu hết giáo viên tại đây đã đạt chuẩn và trên chuẩn theo yêu cầu nên phải thực sự tin tưởng đội ngũ giáo viên hiện có của mình thì mới nhanh chóng triển khai thực hiện chương trình. Với những giáo viên trực tiếp làm công tác chuyên môn có năng lực tốt, khi có hướng dẫn tinh giảm của Bộ, tự họ đã biết dạy từ đâu và thực hiện như thế nào.

Theo ông Ngàn, trước đây, khi chưa có tinh thần chỉ đạo tinh giảm, đối với các nội dung “đồng tâm” trùng lặp ở các môn học, giáo viên ở đây đã không lặp lại nhiều khi giảng dạy. 

 
Nhà giáo Đặng Quang Ngàn. Ảnh, gdtd.vn 

Bộ cho chủ trương và có hướng dẫn cụ thể, Sở GD-ĐT, phòng giáo dục các huyện tập huấn cách giảng dạy theo hướng dẫn, giáo viên cứ thế mà làm, tự chủ động triển khai theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ. “ngành giáo dục không đủ người để hướng dẫn cho từng giáo viên trong việc này”, ông Ngàn khẳng định.­­

Theo từng môn học, lớp học, nội dung tinh giảm thực hiện ngay ở từng đơn vị kiến thức, là từng bài, từng thời điểm. Quá trình này diễn ra liên tục nhưng không phá vỡ cấu trúc chương trình sẵn có. Vấn đề quan trọng là giáo viên chuyên môn trực tiếp giảng dạy phải nhìn phần việc của mình một cách hệ thống; đồng thời nắm được tinh thần chung là tinh giảm để được cái gì, phục vụ cái gì.

Về nguyên tắc, điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng tinh giảm không ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, không gây ảnh hưởng khó đến việc giảng dạy của giáo viên. Giáo viên phải linh hoạt trong chương trình dạy học. Ngay như việc lồng ghép các chương trình học kĩ năng học lịch sử- văn hóa mang tính địa phương vào chương trình học, Bộ đã có chủ trương chung, giáo dục địa phương trong tỉnh cũng chia thành từng huyện, Sở không quy định cứng, giáo viên ở từng huyện, xã tự chủ động nội dung theo quy định chung, theo chuẩn kiến thức chung… Ông Ngàn cho biết.

Không tránh khỏi một số lúng túng trong triển khai

Cô Đinh Thị Ngọc Dung- Hiệu phó phụ trách chuyên môn trường THCS xã Đồng Thái (Ba Vì) nhận định: hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng tinh giảm ở các cấp học Phổ thông đã có nhiều điều chỉnh phù hợp, kịp thời.

Như trong Văn học lớp 9, khung chương trình có tiết 165 và 166, bài kịch “tôi và chúng ta” trích cảnh 3 phải dạy cả bài. Song kiến thức phần này thực sự không quá cần thiết nên trong hướng dẫn tinh giảm không dạy tác phẩm này và giành thời gian ôn luyện cho các phần kiến thức trước đó là phù hợp.

Hoặc như tác phẩm “Cố hương” của Lỗ Tấn, trong khung chương trình nằm ở các tiết thứ 76-77-78 thì trong hướng dẫn vẫn giữ nguyên số tiết, tuy nhiên giảm nhẹ hơn là không phân tích, bình giảng phần chữ in nhỏ…

Bên cạnh đó, cô Dung cho rằng: ở các phần khác, lớp khác nên có sự điều chỉnh cho phù hợp hơn. Ví dụ: ở môn Ngữ văn 7, tiết 17 dạy hai tác phẩm: “Sông núi nước Nam” và “Phò giá về kinh” là quá nặng so với lớp 7. Đây là phần đã nằm trong hướng dẫn tinh giảm nội dung. Theo cô Dung cần tinh giảm hơn nữa thành 2 bài đọc thêm trong 1 tiết hoặc mỗi bài trên dạy trong 1 tiết.  

5.jpg
Thời gian dư nhờ tinh giảm những bài học không cần thiết hoặc trùng lắp, giảm bài tập... sẽ được tập trung vào củng cố kiến thức trọng tâm cho học sinh. Ảnh, gdtd.vn

Hiệu trưởng trường THCS xã Đồng Thái (Ba Vì- TP.Hà Nội) Nguyễn Văn Nghiệp nhận định: tinh thần chung của chủ trương điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng tinh giảm ở các cấp học Phổ thông là phân phối chương trình mở cho giáo viên là rất đúng đắn, kịp thời. Theo đó, giáo viên có thể bám vào bộ chuẩn kiến thức, bám vào khung chương trình (không cắt xén) để tự xây dựng kế hoạch dạy học của mình phù hợp với điều kiện tự nhiên-xã hội và nhận thức của học sinh ở từng khu vực, vùng miền.

Theo chỉ đạo của Bộ, trong tài liệu hướng dẫn: “Thời gian dư do giảm bớt bài, hoặc giảm nội dung của từng bài, giáo viên không đưa thêm nội dung khác vào giảng dạy mà dùng để củng cố kiến thức và rèn luyện kĩ năng đã học (trong bài hoặc bài trước đó) cho học sinh hoặc tổ chức các hoạt động giáo dục phù hợp”. 

Tuy nhiên, theo thầy Nghiệp, giáo viên sẽ không thực sự chủ động xây dựng kế hoạch dạy học nếu không có sự hướng dẫn cụ thể bằng văn bản của cấp Sở, cấp phòng GD-ĐT.

Ở đây có một số lúng túng trong cách thực hiện thứ tự đơn vị phân phối chương trình các môn học.

Một đơn cử thầy Nghiệp đưa ra: trong tài liệu hướng dẫn điều chỉnh môn Giáo dục công dân lớp 9, trong bài 11 đầu học kì 2 là 2 tiết được tinh giảm, giành thời gian cho ôn luyện. Theo thầy Nghiệp, sự bất cập ở chỗ, trước đó là bài kiểm tra học kỳ 1 của môn học này, thời gian làm bài 1 tiết. Để chuẩn bị cho bài thi kiểm tra học kì 1, cả thầy và trò có rất ít thời gian ôn luyện; nếu bố trí 2 tiết ôn luyện vào thời gian trước khi thi sẽ tạo điều kiện cho thầy và trò chuẩn bị tốt hơn cho bài thi. Biết được điều đó, nhưng không được hướng dẫn cụ thể của các cấp quản lý, các giáo viên trong trường không thể tự ý đảo thứ tự các tiết trong chương trình học.

Một vấn đề nữa mà thầy Nghiệp cho là cần có sự hướng dẫn cụ thể hơn của Sở GD-ĐT, đó là, trong chương trình sẵn có của môn Toán thì cứ một bài học mới lại có một tiết ôn luyện sau đó, thực hiện tinh giảm nội dung thì sẽ có liên tiếp một số tiết ôn luyện kế nhau. Nếu không có sự điều chỉnh thứ tự các tiết trong chương trình thì sẽ bị dồn toa cho các tiết học tiếp theo. Do vậy cách sử dụng thời gian của các tiết dư ra do tinh giảm nội dung vẫn có một số lúng túng.

7.jpg
Nhờ chủ trương điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng tinh giảm, học sinh sẽ có thêm thời gian để học theo những chủ đề tự chọn. Ảnh, gdtd.vn

Cả thầy Nghiệp và cô Dung đều có chung nhận xét, sau khi được tập huấn theo chủ trương điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng tinh giảm ở các cấp học Phổ thông, vẫn còn có một số lúng túng khi thực hiện ở một số nội dung, đơn vị kiến thức cụ thể, cần có thêm các hướng dẫn để giáo viên chủ động hơn.

Vừa triển khai thực hiện vừa rút kinh nghiệm

Trưởng phòng GD-ĐT huyện Ba Vì, ông Lê Ngọc Tôn cho biết: ngay sau khi nhận được hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng tinh giảm ở các cấp học Phổ thông, phòng đã triển khai tới tận tay giáo viên các trường để các nhóm bộ môn nghiên cứu trước.

Trong ngày 8/9 vừa qua phòng đã tập huấn cho giáo viên cốt cán, trưởng các tổ chuyên môn, hiệu phó phụ trách chuyên môn cấp THCS để thực hiện giảng dạy theo hướng dẫn tinh giảm. Trước đó, khi chưa có hướng dẫn, năm học mới đã đi vào giảng dạy, một số tiết học trước đấy bị trượt đi so với hướng dẫn điều chỉnh nội dung nhưng chiếm tỉ trọng không đáng kể trong khung thời gian chương trình của các môn học, lớp học.

Ông Tôn cho biết thêm: sắp tới phòng sẽ tập huấn và triển khai giảng dạy theo hướng dẫn tinh giảm cho giáo viên cốt cán cấp Tiểu học. Song song với đó là vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, vừa xin ý kiến hướng dẫn của Sở để giải quyết những vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.

Ông Trương Kim Minh cũng cho biết, trong năm học này, Sở GD-ĐT Lào Cai sẽ tiếp tục tổ chức các buổi hội thảo chuyên môn về vấn đề này cho các đối tượng là giáo viên phụ trách tổ chuyên môn, giáo viên trực tiếp đứng lớp để vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, hoàn thành công tác chuẩn bị việc thực hiện tinh giảm nội dung cho thời gian tiếp sau đó theo nguyên tắc, chủ động, khoa học, phù hợp với thực tế địa phương.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học- Bộ GD-ĐT, TS.Vũ Đình Chuẩn đã khẳng định: trong năm đầu tiên ngành giáo dục thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng tinh giảm ở các cấp học Phổ thông một cách mạnh mẽ như năm nay, do giáo viên và học sinh mới làm quen với tài liệu hướng dẫn nên việc triển khai tổ chức thực hiện ở một số địa phương, cơ sở giáo dục sẽ có những khó khăn ban đầu. Khó khăn này có thể được khắc phục sau một thời gian thực hiện.

Bá Hải

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.