Ghi dấu những người thầy mang quân hàm xanh

Ghi dấu những người thầy mang quân hàm xanh

Trong những năm qua, công tác chống mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học ở địa bàn biên giới, hải đảo đã mang lại hiệu quả tích cực về mặt xã hội, góp phần nâng cao dân trí, đảm bảo an ninh xã hội... cho đồng bào dân tộc. Có được những kết quả trên ghi dấu không nhỏ công lao của những người lính biên phòng- những thầy giáo mang quân hàm xanh.  

Thành quả ghi dấu người lính

Thực hiện chủ trương XHH công tác giáo dục, xây dựng cả nước thành XHHT, trong những năm qua Đảng ủy- Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng xác định nhiệm vụ Xóa mù chữ - Phổ cập giáo dục tiểu học (XMC- PCGDTH) cho đồng bào các dân tộc địa bàn biên giới, hải đảo là nhiệm vụ chính trị thường xuyên. Theo đó, các đơn vị cơ sở BĐBP đã có những đóng góp tích cực, hiệu quả vào việc nâng cao dân trí cho đồng bào các dân tộc địa bàn biên giới, hải đảo đồng thời tổ chức nhiều loại hình lớp học để tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người trong độ tuổi được đến lớp XMC- PCGDTH như: Lớp học tình thương, lớp xóa mù chữ, lớp học ban ngày, lớp học ban đêm... Từ năm 2006 đến năm 2010, các đơn vị BĐBP đã trực tiếp mở 282 lớp XMC cho 9.736 học viên, 154 lớp PCGDTH cho 2.624 học sinh, 20 lớp học tình thương cho 548 học sinh, vận động 38.054 học sinh bỏ học trở lại trường, vận động 56.078 học sinh trong độ tuổi đến trường.

Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn song các đơn vị BĐBP đã tích cực hỗ trợ về vật chất, công sức cho công tác giáo dục, huy động công sức của cán bộ, chiến sỹ giúp đỡ 22.390 ngày công tu sửa các phòng, lớp học, tặng 515 bộ bàn ghế, xây sửa 424 phòng học với số tiền 1.890,4 triệu đồng, tặng học sinh nghèo 14.312 suất quà với số tiền 1.592,6 triệu đồng. Trong quá trình thực hiện đợt vận động “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo” từ năm 2008 đến nay, lực lượng BĐBP đã trực tiếp tuyên truyện, vận động các tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm quyên góp kinh phí xây dựng 67 công trình trường học, phòng học với số tiền hơn 15 tỷ đồng (trong đó xây dựng 4 điểm trường với số tiền 5 tỷ đồng cho đồng bào La Hủ ở Mường Tè- Lai Châu và tộc người Đan Lai ở Con Cuông- Nghệ An).

 

Bên cạnh đó, bằng nhiều hình thức khác các đơn vị BĐBP đã huy động sự tham gia công tác XMC, PCGDTH của toàn xã hội, đẩy mạnh phong trào học tập trong cộng đồng. Có thể kể tới như BĐPB Bà Rịa- Vũng Tàu vận động lập quỹ khuyến học động viên các cháu nghèo hiếu học; BĐBP Quảng Nam lập quỹ học bổng để khuyến khích, động viên phong trào học tập; BĐBP Quảng Ninh đã vận động 311 em trong độ tuổi đến lớp; BĐBP Nghệ An phối hợp tổ chức phổ biến kiến thức pháp luật, quốc phòng an ninh cho học sinh THPT trên địa bàn biên giới; BĐBP Lai Châu phố hợp với Sở GD-ĐT tuyên truyền thiếu nhiên, nhi đồng địa bàn biên giới học tập làm theo tấm gương đạo đức HCM; Thành ủy Đà Nẵng thành lập Ban “Mở rộng xóa mù chữ và chống tái mù” giao cho BĐBP chịu trách nhiệm trước Thành ủy, UBND thành phố và hàng năm đầu tư trên 100 triệu đồng để xóa mù chữ và PCGDTH...

Có thể nói, kết quả thực hiện công tác XMC- PCGDTH ở địa bàn biên giới, hải đảo tuy còn những hạn chế nhất định, nhưng đã khẳng định là một chủ trương đúng đắn, phù hợp với tình hình, đặc điểm của địa bàn biên phòng, khai thác và phát huy được thế mạnh của các lực lượng và tổ chức theo phương châm XHH GD..

XMC- PCGDTH địa bàn biên giới, hải đảo - kinh nghiệm thực tế

Từ những kết quả đã đạt được qua công tác XMC- PCGDTH ở địa bàn biên giới, hải đảo trong 5 năm qua các đơn vị BĐBP đã chỉ ra nhiều bài học kinh nghiệm quý giá để làm tốt hơn nữa trọng trách cao quý nhưng đầy khó khăn vất vả này.

Trước tiên, những người lính BĐBP phải có nhận thức đúng đắn và trách nhiệm cao đối với đồng bào các dân tộc ở biên giới, hải đảo. Nhiệm vụ phát triển sự nghiệp giáo dục đào tạo nói chung, trước hết là XMC- PCGDTH ở địa bàn vùng cao biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số là một công việc khó khăn, phức tạp và lâu dài, là trách nhiệm của các cấp, ngành, các lực lượng theo chủ trương XHH sự nghiệp giáo dục của Đảng. Phải có biện pháp và cơ chế phù hợp để huy động sự hỗ trợ đóng góp của các ngành, các đoàn thể và sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân.

Công tác tuyên truyền, vận động cũng không thể coi nhẹ. Phải để đồng bào thấy rõ lợi ích của việc nâng cao trình độ nhận thức, tích cực tham gia XMC- PCGDTH; công tác tuyên truyền phải được tiến hành với nhiều hình thức kiên trì của các ngành, các đoàn thể, làm cho việc học tập trở thành nhu cầu đối với nhân dân, để họ thấy rõ nếu không có trình độ văn hóa thì không có điều kiện phát triển kinh tế- xã hội, xây dựng đời sống văn hóa mới.

 

Các hình thức tổ chức lớp học XMC- PCGDTH phải rất linh hoạt, đa dạng. Từ thực tế cho thấy, các xã phường biên giới là nơi cư trú của nhiều dân tộc, với nhiều tín ngưỡng, phong tục, đối tượng XMC- PCGDTH thuộc nhiều độ tuổi khác nhau, ở rất phân tán, chịu nhiều ảnh hưởng của điều kiện đi lại, mùa vụ, thói quen suy nghĩ, phong tục... nên không những cần tổ chức các lớp học dành riêng cho phụ nữ, lớp cho từng dân tộc mà lớp học cũng phải theo cả mùa vụ, có lớp nội trú...

XMC- PCGDTH phải được gắn với tuyên truyền vận động và hướng dẫn nhân dân ứng dụng khoa học kỹ thuật, phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần mang lại lợi ích thiết thực cho người học. Ví như có thể gắn việc dạy chữ với tuyên truyền vận động thực hiện các chương trình định canh, định cư, xóa đói giảm nghèo, chuyển đổi cây trồng vật nuôi, hướng dẫn ngành nghề và cung cách làm ăn; hướng dẫn vệ sinh phòng dịch, bảo vệ tài nguyên, môi trường... Đồng thời phải gắn việc dạy học với tuyên truyền giáo dục quần chúng chấp hành tốt đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước; nâng cao ý thức cảnh giác trước mọi âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch; nâng cao trách nhiệm và nghĩa vụ công dân trong tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn biên giới.

Đội ngũ giáo viên tham gia XMC- PCGDTH phải được lựa chọn, bồi dưỡng chu đáo, phải là những người có quan điểm quần chúng, nhiệt tình, kiên trì, nắm vững phong tục tập quán của từng dân tộc và tình hình địa bàn, nhất là đối với các bản vùng sâu, vùng xa, được bồi dưỡng kiến thức và kinh nghiệm sư phạm với đối tượng học sinh là đồng bào dân tộc thiểu số.

 Linh Anh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ