“Ghế nóng” kể chuyện trường thi

GD&TĐ - Thư ký hội đồng coi thi nhường suất ăn sáng của mình cho thí sinh; giám thị và cả phòng hội đồng còn xót xa, tiếc nuối và “tâm trạng” hơn cả những thí sinh vi phạm bị đình chỉ thi... là những chuyện mà nhiều điểm trưởng các điểm thi tại cụm thi số 27, Kỳ thi THPT quốc gia 2015 do ĐH Đà Nẵng chủ trì kể lại.

“Ghế nóng” kể chuyện trường thi

Điểm thi “đội sổ” về số thí sinh đình chỉ thi

Trong số 29 điểm thi của ĐH Đà Nẵng, thì điểm thi Trường CĐ Lương thực - Thực phẩm do PGS.TS Võ Trung Hùng - Trưởng ban Khoa học công nghệ & Môi trường, ĐH Đà Nẵng làm trưởng điểm thi - có số lượng buổi thi nhiều nhất với 8 buổi.

Trong đó, buổi thi có số lượng phòng thi nhiều nhất là 33 phòng, buổi ít nhất là 6 phòng thi. Đây cũng là điểm thi có nhiều thí sinh bị đình chỉ nhất của cụm thi ĐH Đà Nẵng với 14 trường hợp trong tổng số 25 trường hợp.

PGS.TS Võ Trung Hùng kể: “Trong số 14 trường hợp bị đình chỉ thi ở điểm thi này thì có đến 13 trường hợp do có sử dụng tài liệu và đều là thí sinh nam.

Trường hợp thí sinh bị đình chỉ do dùng điện thoại di động (ĐTDĐ) cũng đã được báo chí phản ảnh. Ở buổi thi môn Ngoại ngữ, khi gần hết giờ thi thì phụ huynh gọi điện thoại vào cho thí sinh để hỏi con làm bài xong chưa, điện thoại đổ chuông và kết cục là em này bị đình chỉ thi. Đây cũng là trường hợp đáng tiếc nhưng đã là quy chế rồi thì đành phải chấp hành...”.

Theo PGS.TS Võ Trung Hùng, ngoài buổi học quy chế thi, ở các buổi thi, có ít nhất là 3 lần trước khi phát đề thi, các thí sinh được giám thị nhắc nhở về những vật dụng không được mang vào phòng thi, trong đó, ĐTDĐ và tài liệu luôn luôn được nhấn mạnh.

“Thế nhưng, các em vẫn cố tình mang vào phòng thi. Những trường hợp bị đình chỉ, khi được giám sát đưa về phòng hội đồng, sau khi làm các công tác nhằm ổn định tâm lý cho thí sinh, pha nước chanh, cà phê… cho các em, chúng tôi bao giờ cũng tìm hiểu xem giám thị phòng thi có làm hết trách nhiệm của mình trong nhắc nhở, lưu ý các em về những vật dụng không được mang vào phòng thi hay không. Vì điểm thi tập trung nhiều thí sinh tự do, lại có nhiều môn tự luận nên chúng tôi rất lưu ý giám thị về khả năng thí sinh sẽ sử dụng tài liệu.

Thế nhưng, các em giấu rất tinh vi, nếu để ở túi quần thì sẽ bị cộm lên, giám thị kiểu gì cũng thấy được nên thí sinh thường giấu ở thắt lưng. Trong thời gian làm bài, những thí sinh có dấu hiệu nghi ngờ xin ra ngoài đi vệ sinh, chúng tôi đều kiểm tra lưng áo, thì buổi thi hôm sau, các em lại giấu tài liệu vào trong giày… Tài liệu được các em photo với kích thước rất nhỏ, gấp lại dạng lò xo” - Thầy Hùng nói.

Theo kinh nghiệm nhiều năm làm trưởng điểm thi của PGS.TS Võ Trung Hùng, hầu hết những thí sinh có mang ĐTDĐ và tài liệu vào phòng thi đều là cố tình chứ không phải quên hay không nắm rõ quy chế thi.

“Chúng tôi có quan điểm rất rõ ràng, ít nhất thì trong trường học, sự công bằng phải được đảm bảo, điểm ít hay điểm nhiều không quan trọng bằng sự công bằng, và Kỳ thi quốc gia phải thể hiện được điều đó” - PGS.TS Võ Trung Hùng nhấn mạnh.

Sự nuối tiếc của điểm trưởng

Ngay ngày thi đầu tiên của Kỳ thi THPT quốc gia 2015, điểm thi Trường ĐH Kiến trúc đã có đến 3 thí sinh bị đình chỉ thi do liên quan đến ĐTDĐ.

TS Dương Mộng Hà - Viện trưởng Viện Nghiên cứu & Đào tạo Việt Anh, ĐH Đà Nẵng - nhớ lại: “Ngay buổi thi môn Toán, đã có 1 thí sinh bị đình chỉ do mang ĐTDĐ, điện thoại đổ chuông nên giám thị phát hiện được.

Khi bị lập biên bản, đưa thí sinh về phòng hội đồng, điều khiến mình và cả giám thị, giám sát lẫn phòng hội đồng rất ngạc nhiên là em này không xin, cũng không hề có cảm giác tiếc nuối.

Thậm chí lúc thông báo em bị đình chỉ thi những môn sau và theo như quy chế mới thì 2 năm sau mới được tham gia thi lại, em cũng tỉnh bơ như không.

Tôi bảo với thí sinh là theo như biên bản thì cần phải giữ lại hiện vật, lúc này em mới bắt đầu “xin”: “Thầy cho em xin lại được cái điện thoại thì tốt, không thì cho em xin lại cái sim”. Và theo như lời thầy Dương Mộng Hà kể, thì trong khi ngồi ở phòng hội đồng đợi hết 2/3 thời gian làm bài theo như quy định, thí sinh này cũng góp chuyện với mọi người, cười đùa rất thoải mái.

Buổi chiều thi môn Ngoại ngữ, ở điểm thi Trường ĐH Kiến trúc cũng có 2 thí sinh trong cùng một phòng bị lập biên bản do mang ĐTDĐ vào phòng thi.

“Chỉ khi điện thoại reo thì giám thị mới phát hiện được. Trong hai thí sinh này, một em không có phản ứng gì khi bị lập biên bản, nhưng em còn lại không chịu ký vào biên bản và trình bày do vừa bị tai nạn té xe nên không tham dự buổi phổ biến Quy chế thi.

Trên mặt cậu thanh niên này vẫn còn nhiều dấu vết trầy xước của vụ tai nạn” - thầy Hà cho biết. “Trước tình huống như vậy, chúng tôi phải hỏi những thí sinh còn lại trong phòng thi xem giám thị có thực hiện đầy đủ việc nhắc nhở về những vật dụng không được đem vào phòng thi hay không. Đến lúc này thì em đó mới chịu ký vào biên bản.

Khi xuống đến phòng hội đồng, em còn ngỏ ý mượn lại điện thoại để gọi điện về nhà; tôi lại phải giải thích một lần nữa cho em về Quy chế thi; em nhăn nhó tỏ vẻ rất khó chịu.

Nói thực là kỷ luật các em vi phạm Quy chế thi, ai cũng thấy xót xa, nhất là với trường hợp thí sinh vừa mới bị tai nạn giao thông trước ngày thi, cảm giác đó còn theo chúng tôi mãi, nhưng để đảm bảo một kỳ thi nghiêm túc và công bằng thì phải đúng quy định, không thể bỏ qua được”.

Cũng ở điểm thi Trường ĐH Kiến trúc, có hai thí sinh nữ bị hạ đường huyết, tuy chưa đến mức ngất xỉu nhưng khi các em được giám sát đưa xuống phòng y tế thì mặt mày đã xanh mét rồi.

Sau khi được cán bộ y tế đo huyết áp, pha sữa nóng cho uống, có một thí sinh do chưa kịp ăn sáng đã được thư ký điểm thi nhường luôn suất ăn sáng của mình. “May mà hai thí sinh này quay trở lại phòng và có vẻ như làm bài được, dù cũng mất khoảng 30 phút so với các bạn”.

GS.TS Trần Văn Nam - Giám đốc ĐH Đà Nẵng, đơn vị chủ trì cụm thi 27 Kỳ thi THPT quốc gia - cho biết: “Để tạo tâm lý thoải mái cho thí sinh khi làm bài thi, năm nay, cụm thi ĐH Đà Nẵng chỉ sử dụng cơ sở vật chất của các trường ĐH, CĐ và THPT trên địa bàn, không sử dụng các trường THCS làm điểm thi như những năm trước đây.

Có những điểm thi, để đảm bảo độ thoáng mát, ĐH Đà Nẵng đã phải tăng cường thêm quạt bằng cách mua, thuê để trang bị thêm.

Thí sinh được tạo điều kiện để thể hiện tốt nhất năng lực học tập của mình. Mặc dù các bình nước uống đã được đặt tại hành lang trước các phòng thi nhưng do nắng nóng, thí sinh cũng muốn tiết kiệm thời gian làm bài nên nhiều em đã mang nước suối, nước cam pha sẵn vào phòng thi.

Sau khi nghe các điểm trưởng báo cáo về, chúng tôi đã chỉ đạo cho các em mang chai nước vào với điều kiện phải bóc hết các nhãn dán. Giám thị cũng dặn các em nên để chai nước ngay sát chân bàn, tránh để trên mặt bàn đề phòng nước đổ làm ướt bài thi”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Robot chơi piano của nhóm sinh viên.

Sinh viên chế tạo robot chơi piano

GD&TĐ - Nhóm sinh viên Trường Đại học Kinh tế TPHCM chế tạo robot có thể chơi hàng trăm bản nhạc khác nhau một cách thuần thục với đàn piano.