Gen Z với mạng xã hội: Cần sử dụng thông minh, hiệu quả

GD&TĐ - Việc sử dụng MXH một cách thông minh, hiệu quả là cách tốt nhất tự bảo vệ bản thân, nhất là các thế hệ Gen Z.

Nhiều bạn trẻ nghiện MXH đến mức quên ăn, quên ngủ. Ảnh: L.N - Ảnh minh họa
Nhiều bạn trẻ nghiện MXH đến mức quên ăn, quên ngủ. Ảnh: L.N - Ảnh minh họa

Ranh giới mong manh giữa lợi và hại

Theo thống kê, số tài khoản sử dụng MXH ở Việt Nam hiện đạt hơn 100 triệu. Trong đó, một người có thể có nhiều tài khoản MXH. Thực tế, bên cạnh những mặt tích cực như kết nối thông tin, giải trí, học tập… MXH còn có những mặt tiêu cực ảnh hưởng đến đời sống của cá nhân và xã hội.

Nạn nhân của MXH có thể là bất kỳ ai, bất kỳ độ tuổi nào, từ thế hệ các bạn trẻ đến người lớn tuổi; từ người bình thường đến người có sức ảnh hưởng đến công chúng. Do vậy, sử dụng MXH thông minh, hiệu quả là cách giúp tự bảo vệ bản thân và toàn xã hội trước bạo lực mạng.

Là học sinh của một trường THPT trên địa bàn TPHCM, Nguyễn Văn Linh (SN 2007, ngụ quận Gò Vấp) cho biết đang sử dụng rất nhiều nền tảng MXH như Facebook, Zalo, Telegram, Instagram… Mỗi nền tảng cậu có từ 2 đến 5 tài khoản.

Lý giải cho việc có nhiều tài khoản, Linh cho rằng, mỗi tài khoản để phục vụ cho một mục đích khác nhau: Có tài khoản để học tập, chơi game hoặc thậm chí để chuyên... bình luận nhảm nhí.

Đây cũng là cách mà nam sinh dùng để giảm căng thẳng sau mỗi giờ học. Tuy nhiên, đôi khi MXH cũng đem lại những cảm xúc tiêu cực.

“Nhiều lúc xem các video vui nhưng em lại vô tình xem được clip các bạn đánh nhau hoặc các clip chửi bới, bóc phốt nhau trên MXH. Mặc dù biết đó là điều không tốt, có những thông tin sai sự thật, em không sa đà vào bình luận nhưng vì tò mò, em vẫn theo dõi, xem và đọc hết tất cả các bình luận.

Việc này gây mất thời gian và làm cảm xúc của em rất tiêu cực, nặng nề. Thông thường, sau mỗi lần lướt thấy những thông tin tiêu cực, em sẽ không thể làm tốt được bài tập cũng như tập trung được vào công việc”, Linh chia sẻ.

Trước đây, rất ít người sử dụng MXH, nhưng bây giờ số lượng cư dân mạng ngày càng tăng, đặc biệt là học sinh từ lớp 6 trở lên. Hiện nay, có gần 80% dân số Việt Nam tiếp cận và sử dụng MXH.

Thời lượng sử dụng MXH trung bình lên đến 3 tiếng/ngày. Với tốc độ tăng trưởng sử dụng MXH khoảng 10% đến 15% mỗi năm, dự kiến đến năm 2025, Việt Nam có khoảng 120 triệu tài khoản MXH. Theo các chuyên gia xã hội, đây là con số đáng lưu tâm.

Đừng để những giá trị ảo cuốn đi…

gen-z-voi-mang-xa-hoi-can-su-dung-thong-minh-hieu-qua-2.jpg
Ông Võ Đỗ Thắng - Giám đốc Trung tâm Quản trị và an ninh mạng Athena.

Ông Võ Đỗ Thắng - Giám đốc Trung tâm Quản trị và an ninh mạng Athena cho biết, hiện nay, có tình trạng các bạn trẻ trên mạng tạo những tài khoản ảo vì nghĩ không ai biết, không ai làm gì được mình.

Từ đó, các bạn dùng những tài khoản ảo để đưa ra những thông tin sai lệch khiến cho nhiều người bế tắc dẫn đến các hành vi tiêu cực. Ngoài ra, còn có các nhóm “giang hồ mạng” độ tuổi từ 15 đến 25, đa phần thành viên trong nhóm đó là những học sinh THCS - THPT. Không gian mạng không chỉ là nơi để liên lạc, trao đổi, chia sẻ mà còn có những cạm bẫy.

Bạo lực mạng (cyberbullying - bắt nạt trên mạng, bắt nạt trực tuyến) là những hành vi gây tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của con người được thực hiện trên không gian ảo, nơi các máy tính trao đổi dữ liệu, thông tin.

Trong thời đại công nghệ 4.0 phát triển mạnh mẽ như hiện nay, bạo lực mạng đang diễn ra phức tạp ở phạm vi toàn cầu. Thậm chí có không ít người nổi tiếng tại một số quốc gia đã tự sát vì phải chịu sự kết tội và phán xét đầy ác ý từ những “anh hùng bàn phím”.

Tháng 1/2023, sau 6 tháng rơi vào trầm cảm, một cô gái 23 tuổi ở nước ngoài chọn cách tự sát vì làn sóng chỉ trích của cộng đồng mạng. Lý do bị chỉ trích là vì cô nhuộm tóc màu hồng, MXH cho rằng đây là một cô gái hư hỏng và gọi cô bằng nhiều từ ngữ xúc phạm, miệt thị. Tại Việt Nam, bạo lực mạng cũng xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau và có chiều hướng ngày càng gia tăng, hậu quả ngày càng nghiêm trọng.

Các hành vi bạo lực mạng đã và đang vi phạm nghiêm trọng đến quyền con người. Đồng thời, đây cũng là tác nhân hủy hoại những giá trị văn hóa cơ bản của các xã hội. Bạo lực mạng đang trực tiếp xâm phạm quyền riêng tư và quyền được bảo vệ dữ liệu cá nhân của mỗi người.

Ông Võ Đỗ Thắng dẫn ra thực trạng được nhiều cơ quan truyền thông báo chí đưa tin, rằng nhiều thanh thiếu niên 17 - 18 tuổi thay vì tới trường để học thì lại về nhà yêu cầu ba mẹ cung cấp điện thoại, tài chính để tham gia vào các game trên giang hồ mạng, tham gia thế giới ảo để gặp gỡ chia sẻ với nhau về bạo lực mạng.

Nếu muốn sử dụng MXH an toàn, mỗi các nhân nên giảm thời lượng sử dụng MXH, mức tối đa nên là 30 phút/ngày. Nếu sử dụng quá nhiều thì hệ thần kinh chúng ta sẽ bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, mỗi người nên gia tăng các hoạt động tương tác trực tiếp với bạn bè.

Đặc biệt, đối với các bạn Gen Z, cần tập thói quen nghiêm khắc, đảm bảo tính kỷ luật với quỹ thời gian của mình, trước khi làm gì nên nghĩ tới hậu quả, chọn những điều mang lại giá trị tích cực. Người trẻ cần tích cực tham gia hoạt động cộng đồng, tránh những xung động không đáng có trên MXH.

“Để hạn chế việc nghiện “ma túy smartphone” trong học sinh, các nhà trường nên có sớm quy định cấm học sinh sử dụng khi đi học để các em không mất tự chủ, sa đà đến mức nghiện mà gây nhiều tác hại khó lường”, ông Thắng nhấn mạnh.

Thống kê từ trang web BroadbandSearch cho thấy có đến 36,5% người được khảo sát cho biết bản thân đã từng bị bắt nạt trực tuyến trong đời, 60% trẻ vị thành niên từng trải qua việc bị bắt nạt trực tuyến và 87% người trẻ từng chứng kiến hành vi bắt nạt trực tuyến.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Liệu có lợi hại hơn?

GD&TĐ - Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã biến nghi thức nhậm chức thành một lễ hội lớn thực sự nhằm tôn vinh sự trở lại của mình.