GDP có mức tăng thấp nhất thập kỷ

GD&TĐ - Sáng 29/12, Tổng cục Thống kê họp báo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2021. Trong quý IV, kinh tế tăng trưởng 5,22%, cao hơn mức tăng cùng kỳ năm trước.

Ước tính GDP năm nay tăng 2,58% so với năm trước.
Ước tính GDP năm nay tăng 2,58% so với năm trước.

Tính chung cả năm, GDP Việt Nam tăng 2,58%, thấp hơn mức 2,91% của năm 2020. Đây cũng là mức tăng thấp nhất trong thập kỷ.

GDP quý IV tăng 5,22%

Bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê - cho biết, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý IV năm nay ước tính tăng 5,22% so với cùng kỳ năm trước. Tuy cao hơn tốc độ tăng 4,61% của năm 2020, nhưng tỷ lệ này vẫn thấp hơn quý IV các năm 2011 - 2019.

Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,16%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,61%; khu vực dịch vụ tăng 5,42%. Về sử dụng GDP quý IV năm nay, tiêu dùng cuối cùng tăng 3,86% so với cùng kỳ năm trước; tích lũy tài sản tăng 3,37%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 14,28%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 11,36%.

Ước tính GDP năm nay tăng 2,58% (quý I tăng 4,72%; quý II tăng 6,73%; quý III giảm 6,02%; quý IV tăng 5,22%) so với năm trước. Theo bà Hương, dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế.

Đặc biệt, trong quý III, nhiều địa phương kinh tế trọng điểm phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài để phòng chống dịch bệnh. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,9%, đóng góp 13,97% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,05%, đóng góp 63,80%. Khu vực dịch vụ tăng 1,22%, đóng góp 22,23%.

Trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, năng suất của phần lớn cây trồng đạt khá so với năm trước, chăn nuôi tăng trưởng ổn định, kim ngạch xuất khẩu một số nông sản năm nay tăng cao. Nhờ đó, góp phần duy trì nhịp tăng trưởng của cả khu vực.

Ngành nông nghiệp tăng 3,18%, đóng góp 0,29 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Ngành lâm nghiệp tăng 3,88%, đóng góp 0,02 điểm phần trăm. Ngành thủy sản tăng 1,73%, đóng góp 0,05 điểm phần trăm.

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 6,37%, đóng góp 1,61 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.

Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 5,24%, đóng góp 0,19 điểm phần trăm. Ngành khai khoáng giảm 6,21%, làm giảm 0,23 điểm phần trăm do sản lượng dầu mỏ thô khai thác giảm 5,7% và khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 19,4%. Ngành xây dựng tăng 0,63%, đóng góp 0,05 điểm phần trăm.

Bà Nguyễn Thị Hương nhận định, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp từ cuối tháng 4 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại và dịch vụ. Tăng trưởng âm của một số ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn. Từ đó, làm giảm mức tăng chung của khu vực dịch vụ và toàn bộ nền kinh tế.

Ngành bán buôn, bán lẻ giảm 0,21% so với năm trước, làm giảm 0,02 điểm phần trăm trong tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Ngành vận tải kho bãi giảm 5,02%, làm giảm 0,3 điểm phần trăm. Ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm mạnh 20,81%, làm giảm 0,51 điểm phần trăm.

Ngành y tế và hoạt động trợ giúp xã hội đạt tốc độ tăng cao nhất trong khu vực dịch vụ với mức tăng 42,75%, đóng góp 0,55 điểm phần trăm. Hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 9,42%, đóng góp 0,52 điểm phần trăm. Ngành thông tin và truyền thông tăng 5,97%, đóng góp 0,36 điểm phần trăm.

119.800 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường

Trong quý IV năm nay, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đạt 31.400, với số vốn đăng ký 415.300 tỷ đồng. Số lao động đăng ký là 205.100 nghìn lao động, tăng 70,4% về số doanh nghiệp, 64,1% về số vốn đăng ký và 24,7% về số lao động so với quý III. Như vậy, sau hơn 2 tháng thực hiện Nghị quyết 128, tình hình đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp trong những tháng cuối năm nay được cho là khởi sắc rõ nét.

Tính chung năm nay, cả nước có 116.800 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1.611.100 tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký gần 854.000 lao động. Con số này giảm 13,4% về số doanh nghiệp, 27,9% về vốn đăng ký và 18,1% về số lao động so với năm trước.

Bên cạnh đó, còn có 43,1 nghìn doanh nghiệp trở lại hoạt động (giảm 2,2% so với năm 2020). Nhờ vậy, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp trở lại hoạt động năm nay lên gần 160.000, giảm 10,7% so với năm trước.

Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là gần 55.000, tăng 18% so với năm trước. 48.100 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 27,8%. Có 16.700 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 4,1%.

Về cơ cấu nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 12,36%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 37,86%; khu vực dịch vụ chiếm 40,95%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,83%. Về sử dụng GDP, tiêu dùng cuối cùng tăng 2,09% so với năm 2020. Tích lũy tài sản tăng 3,96%. Xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 14,01%. Nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 16,16%.

Năng suất lao động của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm nay ước tính đạt 171,3 triệu đồng/lao động (tương đương 7.398 USD/lao động, tăng 538 USD so với năm 2020). Theo giá so sánh, năng suất lao động tăng 4,71% do trình độ của người lao động được cải thiện (tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ năm 2021 đạt 26,1%, cao hơn mức 25,3% của năm 2020).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) được đầu tư xây dựng khang trang. (Ảnh: Thế Lượng)

Hai 'bông hoa' ở trường vùng biên xứ Thanh

GD&TĐ - Hai nữ sinh Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) đã vượt khó, nỗ lực phấn đấu khi đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử và Ngữ văn.