Ngành dịch vụ gặp khó
Theo bà Nguyễn Thị Hương - Cục trưởng Tổng cục Thống kê, GDP 6 tháng đầu năm tăng 5,64% trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát tại một số địa phương từ cuối tháng 4.
Điều này cho thấy sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự chung sức, đồng lòng của hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân cả nước và lực lượng tuyến đầu chống dịch.
“Dịch Covid-19 bùng phát tại một số địa phương trên cả nước từ cuối tháng 4 với những diễn biến phức tạp, khó lường đã đặt ra nhiều thách thức, rủi ro cho nước ta trong việc thực hiện mục tiêu kép. Đó là vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế”, bà Hương nhận định.
Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đóng góp 8,17%. Khu vực công nghiệp và xây dựng góp 59,05%. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế với mức 11,42%. Khu vực dịch vụ đóng góp 32,78%. Trong đó, các ngành dịch vụ thị trường như: Bán buôn và bán lẻ tăng 5,63%; Hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 9,27%.
Ngành công nghiệp tăng gần 9% trong 6 tháng đầu năm nay, gần tương đương tốc độ tăng 9,13% trong nửa đầu năm 2019. Đồng thời, cao hơn tốc độ tăng 2,91% của 6 tháng đầu năm 2020.
Công nghiệp chế biến, chế tạo - động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế - đạt tốc độ tăng 11,42%. Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 8,16%. Mức tăng ở ngành xây dựng là 5,59%. Ngược lại, khai khoáng giảm 6,61%, do sản lượng dầu thô khai thác giảm 7,3% và khí đốt tự nhiên giảm 12,5%.
Trong khi đó, với ngành dịch vụ, hệ thống nhà hàng và cơ sở dịch vụ ăn uống tại chỗ, vận tải hành khách vẫn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do thực hiện giãn cách xã hội tại một số địa phương để phòng, chống dịch bệnh.
Tăng trưởng của khu vực dịch vụ cao hơn tốc độ tăng 0,48% của cùng kỳ năm 2020 trong giai đoạn 2011 - 2021. Đóng góp của một số ngành dịch vụ thị trường có tỷ trọng lớn, như bán buôn và bán lẻ tăng 5,63%.
Đây là ngành đóng góp lớn nhất của khu vực dịch vụ. Trong khi đó, hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 9,27%. Ngược lại, ngành vận tải, kho bãi giảm 0,39%. Ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm hơn 5%.
GDP quý II tăng 6,61%
Về cơ cấu nền kinh tế 6 tháng đầu năm, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 12,15%. Khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 37,61%. Khu vực dịch vụ chiếm 41,13%. Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,11%.
Về sử dụng GDP 6 tháng đầu năm, tiêu dùng cuối cùng tăng 3,56% so với cùng kỳ năm 2020. Tích lũy tài sản tăng 5,67%. Xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 24,05%. Nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 22,76%.
Riêng trong quý II, GDP ước tính tăng 6,61% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 0,39% của quý II năm 2020, gần bằng tốc độ tăng 6,73% của quý II năm 2018 và 2019.
Về chỉ số giá tiêu dùng (CPI), theo bà Nguyễn Thị Hương, giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào tăng theo giá thế giới. Giá điện, nước sinh hoạt tăng theo nhu cầu tiêu dùng. Đó là những nguyên nhân chính khiến chỉ số giá tiêu dùng - lạm phát tăng. Bình quân 6 tháng đầu năm, CPI tăng 1,47% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng thấp nhất từ năm 2016.
Do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở một số địa phương, tình hình lao động, việc làm quý II năm nay chịu ảnh hưởng lớn. Số lao động đang làm việc trong nền kinh tế giảm so với quý trước. Lao động 15 tuổi trở lên đang làm việc trong quý II ước tính là 49,8 triệu người.
Tính chung 6 tháng đầu năm, lao động 15 tuổi trở lên đang làm việc là 49,9 triệu người. Tỷ lệ thất nghiệp chung cả nước 6 tháng đầu năm ước tính là 2,3% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên từ 15 - 24 tuổi trong 6 tháng ước tính là 7,45%. Tính chung 6 tháng đầu năm, tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ước tính là 2,58%. Trong đó, tỷ lệ thiếu việc làm trong khu vực thành thị là 2,64%. Con số này ở khu vực nông thôn là 2,54%.