GD phòng chống quấy rối, xâm hại: Tỉnh táo trước hành động quan tâm quá mức

GD&TĐ - PGS.TS Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục chia sẻ về vấn đề trang bị kỹ năng phòng tránh quấy rối, xâm hại tình dục cho học sinh...

Quy tắc 4 vòng tròn giúp học sinh tự bảo vệ mình trước các nguy cơ về xâm hại. Ảnh: INT
Quy tắc 4 vòng tròn giúp học sinh tự bảo vệ mình trước các nguy cơ về xâm hại. Ảnh: INT

Từ việc nữ sinh lớp 12 mang bầu nghi do giáo viên; thầy giáo dâm ô học sinh… thời gian qua cho thấy, vấn đề trang bị kỹ năng phòng tránh quấy rối, xâm hại tình dục cho học sinh càng trở nên bức thiết.

Nhận diện nguy cơ từ xa

Dưới góc độ chuyên gia tâm lý, PGS.TS Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) cho rằng, những hành vi như quấy rối, xâm hại tình dục giữa thầy và trò là sự việc khó chấp nhận, ít nhất về mặt đạo đức nhà giáo. Kể cả khi những hành vi sai trái được thực hiện thì cũng ít khi báo cáo và biện bạch bằng những lý do thuộc về cảm xúc, tình thương, tình yêu. Do đó, vẫn còn kẽ hở cho những hành vi quấy rối và xâm hại tình dục ở một số nhà giáo thiếu đạo đức tồn tại.

Những nghiên cứu trên thế giới cho thấy, có khoảng 10% học sinh báo cáo từng trải qua hành vi quấy rối, xâm hại tình dục đến khi tốt nghiệp THPT. Trong đó, những câu từ tán tỉnh phổ biến nhất, tiếp theo là gửi bức ảnh khêu gợi, hành vi động chạm và thậm chí là quan hệ tình dục. Thủ phạm hầu hết là nam giới bao gồm cả giáo viên, huấn luyện viên thể dục và thậm chí nhân viên bảo vệ nhà trường.

Thủ đoạn luôn bắt đầu bằng những hành vi dẫn dụ như tặng quà, đồ ăn, tiền bạc, ưu ái về học tập và sự quan tâm đặc biệt đến học sinh đó trước khi leo thang hành vi xâm hại. Tất nhiên, hầu hết hành vi này không được báo cáo và nếu có thì nhận được phản hồi nghi ngờ, không tin tưởng từ cha mẹ học sinh, thậm chí nhiều em bị trừng phạt sau khi tiết lộ.

Để ứng phó với thực trạng trên, theo PGS.TS Trần Thành Nam, ngành Giáo dục và nhà trường cần kiên quyết thực thi chính sách không khoan nhượng với hành vi quấy rối và xâm hại tình dục. Đảm bảo chính sách tố cáo bắt buộc đối với các bên liên quan khi nghi ngờ một cá nhân có hành vi quấy rối, lạm dụng hay xâm hại tình dục học sinh trong trường. Thành lập các hòm thư điện tử, đường dây nóng để nhận báo cáo nặc danh ngay khi sự kiện xảy ra.

Các trường cần tăng cường đào tạo phòng chống quấy rối, lạm dụng và xâm hại tình dục trẻ em cho toàn thể giáo viên, phụ huynh và học sinh để mọi người có thể nhận diện từ xa, sớm những hành vi sai trái về tình dục từ mức độ nhẹ nhất như quấy rối bằng lời nói, ý thức được những thủ đoạn dẫn dụ, tình huống nguy cơ, hành vi có xu hướng leo thang và chiến lược ứng phó phù hợp.

Các gia đình cần thực sự quan tâm giáo dục và chia sẻ cảm xúc với học sinh trong độ tuổi dậy thì. Vì phần lớn trẻ bị dẫn dụ, sau đó xâm hại đều cảm thấy cô đơn, thiếu sự quan tâm, không ai có thể chia sẻ.

PGS.TS Trần Thành Nam (phải) và TS Vũ Thu Hương (trái). Ảnh: NVCC.

PGS.TS Trần Thành Nam (phải) và TS Vũ Thu Hương (trái). Ảnh: NVCC.

Đề phòng cả người quen

Trực tiếp giảng các nội dung liên quan đến phòng tránh xâm hại tình dục tại nhiều trường học, TS Vũ Thu Hương – nguyên giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội nhấn mạnh, thủ phạm của các vụ quấy rối, xâm hại tình dục trẻ em đa số là người thân, quen của nạn nhân. Nạn nhân thiếu kiến thức, kỹ năng để phòng tránh bị xâm hại là nguyên nhân chính dẫn đến các vụ việc đau lòng này.

Vị nữ chuyên gia khẳng định, ngay từ tiểu học, các em cần học về những vùng cấm trên cơ thể. Cha mẹ có thể mua đồ lót vừa người và dạy trẻ: Khu vực cơ thể bên trong đồ lót là “cấm địa”. Trẻ tuyệt đối không được cho ai động vào khu vực này, trừ khi bị bệnh và cha mẹ đưa đi bác sĩ để khám. Các bé cần biết cách ứng xử lịch sự và có khoảng cách.

Cha mẹ có thể dạy trẻ quy tắc 4 vòng tròn: Bên trong vòng màu xanh dương ở chính giữa có bố mẹ đẻ. Đó là những người chăm sóc dạy dỗ, nên được phép động vào một số bộ phận trên cơ thể của trẻ, trừ khu vực đồ lót. Kế tiếp vòng màu xanh dương là vòng màu xanh lá cây - khu vực của người nhà, đó là ông bà, anh chị em. Những người đó chỉ được cầm tay, hạn chế tối đa động vào khu vực khác.

Tiếp đó vòng màu vàng bao gồm người quen (hàng xóm, bạn bố mẹ), trẻ chỉ nên bắt tay nếu họ yêu cầu; tuyệt đối không cho họ động vào các phần khác của cơ thể. Bên ngoài cùng là vòng màu đỏ biểu thị cho người lạ, trẻ phải xua tay nếu họ đến quá gần, hoặc cần thì chạy trốn. Các em cần học cách ứng xử phù hợp với người lạ. Cha mẹ cần dạy trẻ không mở cửa cho khách khi người lớn không có nhà; lịch sự trả lời khách rồi trở về phòng riêng.

Theo TS Vũ Thu Hương, học sinh cần học cách xử lý khi bị người khác động vào vùng kín. Thực tế chứng minh nhiều người lớn coi việc động chạm vào bộ phận cơ thể trẻ em là bày tỏ tình cảm. Nhiều người véo, cấu, sờ mó vào các bộ phận kín của trẻ công khai, thản nhiên.

Trong trường hợp đó, các em nên hét lên thật to để bày tỏ sự không hài lòng. Dù người quen hay người lạ, khi nghe trẻ hét lên họ cũng hoảng sợ và rụt tay lại ngay. Sau đó hãy nói với họ thật cương quyết: Cháu không thích bị sờ vào người, cô/chú/bác/ông/bà không được làm thế.

TS Vũ Thu Hương nhấn mạnh, cha mẹ cần kiểm soát những hành động sờ mó vào bộ phận riêng tư từ những người xung quanh để bảo vệ con trẻ. Đồng thời, phải dặn trẻ thông báo lại cho bố mẹ nếu bất kỳ ai có hành vi như vậy và dạy cách tri hô cầu cứu nếu cần thiết.

Ngoài ra, các em cần thận trọng và tỉnh táo khi tham gia mạng xã hội bởi có nhiều cạm bẫy được kẻ xấu giăng ra. Trong đó, có không ít kẻ lợi dụng sự ngây thơ, thiếu hiểu biết của học sinh (nhất là nữ giới) để dụ dỗ, yêu đương và lôi kéo vào các hành vi sai trái. Việc được trang bị các kiến thức, kỹ năng về phòng tránh xâm hại từ sớm ngày càng trở nên quan trọng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bom lượn FAB-3000 của Nga.

Chật vật đối phó bom lượn

GD&TĐ - Bom lượn Nga đang là ám ảnh với hệ thống phòng thủ Ukraine dù lực lượng này đang được trang bị những vũ khí đánh chặn tối tân của phương Tây.