GD mầm non Hà Nội vấn "nóng" chuyện trường lớp, chế độ giáo viên

GD mầm non Hà Nội vấn "nóng" chuyện trường lớp, chế độ giáo viên
ccccvc
Đoàn giám sát của UBVHGD Quốc hội làm việc với Sở GD&ĐT Hà Nội. Ảnh: gdtd.vn

Khó khăn trường lớp

Theo báo cáo về việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với giáo dục mầm non của Sở GD&ĐT Hà Nội, tính đến tháng 5/2010, Hà Nội có 827 trường mầm non, trong đó 667 trường công lập; 160 trường ngoài công lập và 865 nhóm, lớp mầm non tư thục... Số trẻ mầm non ra lớp là 333.572 trẻ, tăng 17.560 trẻ so với cuối năm học trước. Trong đó, nhà trẻ có 62.837 trẻ, đạt 26% độ tuổi; mẫu giáo có 270.735 trẻ, đạt 86,3% độ tuổi và 99% trẻ mẫu giáo 5 tuổi ra lớp (100.180 trẻ). Số trẻ mầm non học trong các trường công lập: 292.860 trẻ, đạt tỷ lệ 86%. Trẻ mầm non học trong các trường, nhóm lớp ngoài công lập là 46.837 trẻ, tỷ lệ 14%.

Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết đã đình chỉ 12 nhóm lớp mầm non không đủ điều kiện trong năm học 2009-2010. Đến nay, 100% trường dân lập, tư thục có quyết định thành lập; 629/865 nhóm, lớp mầm non tư thục được cấp giấy phép hoạt động. Con số 236 nhóm, lớp chưa được cấp giấy phép, theo Sở GD&ĐT Hà Nội, là do chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...

Mặc dù, chỉ trong năm học 2009-2010, Hà Nội đã tăng thêm 65 trường, trong đó riêng mầm non đã chiếm 37 trường, nhóm lớp mầm non tư thục cũng phát triển rất mạnh, nhưng theo bà Nguyễn Thị Ngọc Bích, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, số lượng trường lớp mầm non của Hà Nội hiện rất thiếu, không đáp ứng nhu cầu gửi trẻ ngày càng cao của người dân. Cùng với đó, quỹ đất dành cho giáo dục mầm non còn thiếu nhiều so với nhu cầu; hiệu quả công tác chỉ đạo giảm tải số trẻ/lớp còn hạn chế...

Nhắc đến tình trạng phụ huynh xếp hàng cả đêm đăng ký học cho con mấy năm qua vẫn tiếp diễn, gây bức xúc trong dư luận xã hội, bà Nguyễn Thị Ngọc Bích  cho rằng, nguyên nhân vì quy mô trường mầm non, do đặc thù cấp học, không thể đông như trường phổ thông; mặt khác, điều kiện cơ sở vật chất đầu tư cho cấp học này cũng rất khác, khó khăn hơn; trường mầm non lại không thể xây nhà cao tầng để tiết kiệm quỹ đất...

Lý giải thêm điều này, bà Phạm Thị Hồng Nga - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho rằng, tâm lý phụ huynh luôn mong muốn cho con được vào học trường công lập do sự chệnh lệch rất lớn giữa trường công và trường tư về mức học phí và điều kiện cơ sở vật chất. Học phí trường công rẻ hơn so với trường tư rất nhiều, trong khi điều kiện cơ sở vật chất và chất lượng giảng dạy đảm bảo hơn. Tiết lộ con số, chỉ khoảng 5% các trường dân lập đảm bảo về cơ sở vật chất nên, bà Nga cho rằng, phụ huynh cho con học trường tư, tiền phải đóng góp là thực nhưng chưa chắc đã được hưởng chất lượng thực. Đó là lý do, theo bà Nga, dù con đang học trường tư, nhưng cứ đến mùa tuyển sinh, các phụ huynh vẫn tìm mọi cách xin cho con được vào học trường công dẫn đến tình trạng quá tải.

(Ảnh chụp tại trường mẫu giáo Chim non (Hai Bà Trưng - Hà Nội). Ảnh: gdtd.vn
Giáo viên mầm non hiện nay vẫn nhiệt tình, tâm huyết nhưng chưa thật yên tâm với nghề, (Ảnh chụp tại trường mẫu giáo Chim non (Hai Bà Trưng - Hà Nội). Ảnh: gdtd.vn

Vẫn “nóng” vấn đề chế độ giáo viên

Giáo viên mầm non hiện nay vẫn nhiệt tình, tâm huyết nhưng chưa thật yên tâm với nghề, do làm nghề quá vất vả, trách nhiệm nặng nề nhưng thu nhập lại chưa tương xứng.

Đó là một trong những kết luận của Đoàn giám sát của UBVHGD Quốc hội về giáo dục mầm non tại buổi làm việc.

Thực tế, chế độ cho giáo viên mầm non hiện nay vẫn còn nhiều điều đáng bàn. Bà Nguyễn Thị Lan Hương, Trưởng phòng Giáo dục mầm non cho biết, đang có sự chênh lệch đáng kể giữa thu nhập giáo viên trường công lập và tư thục. Giáo viên xin vào dạy trường mầm non tư thục, ngay từ đầu có thể được trả mức lương 2 triệu, nhưng với giáo viên trong trường công lập, phải phấn đấu đến bậc mấy mới đạt mức này. Đây cũng là lý do chính khiến nhiều giáo viên mầm non bỏ trường công sang dạy trường tư. Giáo viên biên chế và hợp đồng trong một trường cũng có mức thu nhập chệnh lệch lớn.

Bên cạnh đó, khác với giáo viên phổ thông được quy định rõ chế độ tiền thừa giờ, thì giáo viên mầm non, những người làm việc đến 40 giờ một tuần thì lại chưa có một văn bản nào quy định điều này. Thêm một thiệt thòi của giáo viên mầm non được bà Nguyễn Thị Ngọc Bích, Phó giám đốc Sở đưa ra.

Bà Bích nói thêm, mức học phí hiện nay quá chệnh lệch, nếu tính ở trường mầm non nông thôn, mức học phí trung bình mà người dân phải trả để gửi con một ngày là 1000 đồng, quá thấp. Điều này mâu thuẫn với mức đòi hỏi rất cao của cấp học mầm non. Muốn nâng đời sống giáo viên trong điều kiện ngân sách hạn hẹp bà Bích cho rằng, rất cần có sự hỗ trợ từ phía người dân.

Thêm nữa, một trong những vẫn đề bất cập nảy sinh khi Hà Nội chuyển đổi tất cả các trường bán công sang công lập tự chủ là thu nhập giáo viên bị thấp đi. Vấn đề này, bà Hương giải thích là do, khi ở mô hình bán công, mức học phí các trường còn có thể được thỏa thuận, nên nhiều trường có thể huy động được từ 80 - 100 nghìn/tháng. Nhưng, khi chuyển sang mô hình công lập tự chủ, người dân không chấp nhận sự thỏa thuận này. Nguồn thu từ học phí giảm đi khiến thu nhập của giáo viên cũng giảm theo...

Chế độ cho giáo viên cũng là điểm để phân biệt trường mầm non công lập và trường mầm non công lập tự chủ. Bà Trần Minh Trang, trưởng phòng tổ chức cán bộ Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, giáo viên trường mầm non công lập được hưởng lương và tất cả các chế độ của một viên chức, nhưng giáo viên các trường mầm non công lập tự chủ chưa được gọi là viên chức. Hiện những giáo viên này vẫn đang được hưởng trợ cấp.

Cũng theo bà Trần Minh Trang, hiện Sở GD&ĐT Hà Nội đang xây dựng văn bản, theo đó, số giáo viên này sẽ được hưởng chế độ như một viên chức, được tăng lương định kỳ.  Và, cố gắng, theo lộ trình từ nay đến năm 2015, tất cả số giáo viên này sẽ được vào biên chế. Trong năm 2011, sẽ ưu tiên biên chế cho giáo viên dạy trẻ 5 tuổi. Số giáo viên ngoài biên chế năm học 2009-2010 của các trường mầm non công lập tự chủ được bà Trang tiết lộ là 3238 người. Với các trường công lập, số giáo viên ngoài biên chế năm học 2009-2010 là 539 người.

Kết luận buổi làm việc, Đoàn giám sát của UBVHGD Quốc hội cho rằng, Sở GD&ĐT Hà Nội cần tiếp tục tham mưu với HĐND chỉ đạo quyết liệt hơn, chăm lo hơn nữa cho giáo dục mầm non; tiếp tục phát triển thêm hệ thống trường lớp nhằm huy động được tối đa số trẻ đến trường; làm sao để chủ trường phát triển giáo dục mầm non phải từ bước quy hoạch, xây dựng; cần tăng cường thanh kiểm tra với các nhóm, lớp mầm non chưa được cấp phép hoạt động; xây dựng lộ trình tăng cường cơ sở vật chất cho giáo dục mầm non; tham mưu để khi quy hoạch khu đô thị, khu dân cư phải có đất dành cho giáo dục mầm non; tiếp tục mở rộng chương trình mầm non mới. Về chế độ đối với giáo viên mầm non, Đoàn giám sát của UBVHGD Quốc hội khẳng định sẽ đưa vấn đề này vào báo cáo giám sát.


Hiếu Nguyễn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.