GD-ĐT là nhiệm vụ trọng tâm để phát triển kinh tế

GD-ĐT là nhiệm vụ trọng tâm để phát triển kinh tế

(GD&TĐ) – Tại Quốc hội, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Hồng Hà (đoàn Hà Nội) cho rằng, để phát triển kinh tế - xã hội 2011, Chính phủ phải quan tâm đặc biệt và tập trung cao cho giáo dục - đào tạo, nhanh chóng cải thiện chất lượng nguồn nhân lực.

Lao động có trình độ đang bị già hóa

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà cho biết: “Đầu tư phát triển giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực đang được đặt ra như là một trong ba khâu đột phá quyết định việc thực hiện thành công chiến lược phát triển kinh tế của đất nước trong thời gian tới. Việc đào tạo và xây dựng đội ngũ công nhân lành nghề, nhân lực chất lượng cao là hết sức cần thiết phục vụ cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

GD-ĐT là nhiệm vụ trọng tâm để phát triển kinh tế ảnh 1
ĐBQH Nguyễn Thị Hồng Hà.

Đại biểu Hà đưa ra con số, trong tổng số khoảng 44,1 triệu lao động của cả nước năm 2007 thì khu vực Nhà nước có 3,9 triệu lao động, chiếm 9%. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài là 0,7 triệu lao động, chiếm 1,6%. Trong khi khu vực ngoài Nhà nước 39,4 triệu lao động, chiếm 89,4% và lao động trong ngành nông - lâm nghiệp chiếm 54,6%, lao động, công nghiệp chiếm 19,6%, lao động dịch vụ chỉ chiếm 25,9% trong tổng lao động xã  hội. Điều đặc biệt là 54% tổng số người trong độ tuổi lao động là thanh niên độ tuổi từ 16 - 35 tuổi, nhưng đội ngũ lao động có  trình độ cao đang bị già hóa rất nhanh và  gây ra hụt hẫng lớn giữa các thế hệ. Số công nhân kỹ thuật bậc cao đa phần sấp xỉ tuổi 50, số tiến sỹ tuổi bình quân là 52, số  giáo sư có độ tuổi từ 51 - 70 tuổi chiếm 96%.

“Qua kết quả đợt giám sát tối cao của Quốc hội tại 63 tỉnh, thành phố về việc thực hiện chính sách pháp luật về thành lập trường, đầu tư  và đảm bảo chất lượng đối với giáo dục đại học cũng như đánh giá bước đầu về hai đợt giám sát, khảo sát của đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội vừa qua về việc thực hiện chính sách pháp luật, về dạy nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội và việc triển khai dự án Đại học Quốc gia Hà Nội đã phần nào cho chúng tôi thấy thực trạng nguồn nhân lực của chúng ta” – đại biểu Hồng Hà chia sẻ.

Thực tế ở nước ta, người dân có tiềm năng, trí tuệ và sức sáng tạo, cần cù lao động và đều mong làm giàu, tài nguyên thiên nhiên không phải quá hiếm, song nền kinh tế mới chỉ  vừa thoát khỏi diện các nước nghèo trên thế giới. Lao động đông và trẻ, số người đi học ngày càng tăng, song tình trạng người lao động không đáp ứng nhu cầu các doanh nghiệp, số sinh viên đã tốt nghiệp đại học chưa có việc làm ngày càng nhiều. Theo kết quả khảo sát của Ngân hàng Thế giới, tại Việt Nam có khoảng 60% lao động tốt nghiệp từ các trường nghề, trường cao đẳng cần được đào tạo lại ngay sau khi tuyển dụng. “Nhiệm vụ đổi mới nhanh, căn bản hệ thống giáo dục - đào tạo để đẩy nhanh và nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế  thoát nghèo và hội nhập với thế giới phải là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, yêu cầu về nguồn nhân lực đào tạo có chất lượng cao đã và đang trở thành những đòi hỏi cấp bách đối với chúng ta” – đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà nhấn mạnh.

4 giải pháp phát triển nguồn nhân lực

Đại biểu Hà kiến nghị bổ sung và nhấn mạnh trong mục tiêu tổng quát của kế hoạch năm 2011 là nội dung chú trọng phát triển nguồn nhân lực và chất lượng nguồn nhân lực. Bà Hà cũng đưa ra 4 giải pháp là: thứ  nhất, xây dựng chiến lược phát triển đào tạo trên cơ sở tổng điều tra khảo sát toàn diện khách quan để đánh giá chính xác chất lượng đội ngũ lao động ở Việt Nam gắn với giáo dục  - đào tạo với kế hoạch phát triển kinh tế - xã  hội của từng vùng, từng ngành, từng địa phương và  gắn với tạo việc làm tăng thu nhập cho người lao động. Quy hoạch hệ thống đào tạo nghề phải đảm bảo phát triển đồng bộ nhanh về số lượng, hợp lý về cơ cấu và phấn  đấu chuẩn quốc gia hướng đến chuẩn quốc tế, khuyến khích xã hội hóa phát triển hệ thống các cơ  sở đào tạo nghề các tập đoàn kinh tế, các huyện, các làng nghề truyền thống để phổ  cập nghề cho thanh niên, để mỗi thanh niên có  một nghề trong tay lập thân, lập nghiệp, góp phần giải quyết căn bản vấn đề thiếu đội ngũ  công nhân kỹ thuật, công nhân lành nghề. 

Lao động có trình độ của Việt Nam đang bị già hóa.
Lao động có trình độ của Việt Nam đang bị già hóa.

Thứ  hai, phải đa dạng hóa các hình thức và cấp độ đào tạo, nội dung giáo dục - đào tạo phù hợp với yêu cầu của từng cấp đào tạo theo hướng đảm bảo tính cơ bản, hiện đại nhưng phải tăng tính thực tiễn và thực hành, đặc biệt quan tâm chuẩn hóa đội ngũ giáo viên. Áp dụng các chương trình dạy nghề tiên tiến của các nước và dạy bằng tiếng Anh, liên kết, liên doanh trong dạy nghề để đưa sinh viên ra nước ngoài học những nghề có kỹ thuật, có công nghệ cao mà trong nước có nhu cầu, nhưng chưa có đủ điều kiện để đào tạo. Chú trọng hướng nghiệp dạy nghề ngay từ phổ thông cho học sinh để tạo điều kiện cho thanh niên học nghề sau tốt nghiệp phổ thông và trong cả quá trình học phổ thông, thay bằng việc đưa ra các chỉ tiêu nâng cao trình độ một cách trìu tượng chung chung thì chúng ta nên chọn phương án đào tạo kỹ năng phù hợp độ tuổi, đào tạo chuyên sâu và mang tính ứng dụng thực tế cao cho lao động phổ thông, gắn kết chặt giữa trường nghề với các doanh nghiệp.

Thứ  ba, về gắn kết nội dung đào tạo với yêu cầu của thị trường, nhất là thị trường quốc tế, nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong lao động công nghiệp, xây dựng đạo đức kinh doanh của người lao động mới và coi trọng đào tạo cả  3 đối tượng là: đào tạo cán bộ lãnh đạo quản lý, đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật, đào tạo công nhân kỹ thuật. Trong đào tạo cần quan tâm đào tạo lại đội ngũ lao động đồng bộ ở các lĩnh vực chuyên môn, tay nghề, trình độ luật pháp, trình độ quản lý, khả năng ngoại ngữ, tính kỷ luật và tác phong làm việc khoa học. Xây dựng một số trung tâm huấn luyện nghề cao cấp để đào tạo có chiều sâu một đội ngũ lao động có hàm lượng chất xám, kỹ năng tay nghề cao phục vụ các ngành sản xuất với công nghệ cao, mũi nhọn làm việc trong các khu công nhiệp, chế xuất, tập trung các liên doanh để có thể tham gia xuất khẩu lao động. Chú trọng đào tạo, thu hút và sử dụng đội ngũ trí  thức để phát huy nguồn lực, trí tuệ trong xã hội.

Thứ  tư, tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo nghề, nhất là dạy nghề trình độ cao. Khuyến khích, tạo điều kiên cho các trường đại học cũng như các cơ sở dạy nghề liên kết đào tạo với các trường tiên tiến của thế  giới để nhằm trao đổi, học tập kinh nghiệm và tạo cơ hội cho người học được đào tạo tại nước ngoài và đào tạo thông qua hợp tác xuất khẩu lao động mà đối tượng chủ yếu là  thanh niên ở các khu vực sau giải phóng mặt bằng. Mở rộng hợp tác quốc tế trong đào tạo và  đào tạo lại cán bộ công nhân kỹ thuật với nhiều hình thức. Ngoài ra cũng cần tăng cường quản lý Nhà nước trong các lĩnh vực đào tạo nghề để hạn chế những hiện tượng tiêu cực.

Trần Nhật (ghi)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ