Anh hùng chỉ… 37kg!
Trước mắt tôi là người phụ nữ có khuôn mặt phúc hậu, mái tóc đã ngả màu với một giọng nói trầm lắng. Không nói, chắc chẳng mấy ai biết đây chính là bà Nguyễn Thị Kim Lai - Nữ anh hùng trong bức ảnh bất hủ Giải giặc lái Mỹ của nghệ sỹ nhiếp ảnh Phan Thoan cách đây hơn 40 năm về trước.
Người mà bao năm qua tôi đinh ninh rằng phải gặp cho bằng được để được tận tai nghe thấy bà kể về những năm tháng cả nước sục sôi không khí đánh giặc, giây phút bà phát hiện và giương cao súng dẫn tên giặc lái máy bay Mỹ về “bót” dân quân xã.
Khuôn mặt hiền từ với ánh mắt nhìn xa xăm, bà hồi tưởng lại quá khứ, một thời khói lửa. Mùa hè năm 1965, vừa học hết cấp 2 (lớp 7), cũng như bao bạn bè cùng trang lứa, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, cô thanh niên Nguyễn Thị Kim Lai xung phong vào đội dân quân tự vệ của xã. Nhiệm vụ chính của mọi người lúc này là ban ngày trực chiến, còn đêm thì đi đào công sự.
Khoảng 9 giờ sáng 20/9/1965, một tốp máy bay phản lực Mỹ F4H từ đâu lao đến, mục tiêu bắn phá là cầu Đá Lậu (nay là cầu Lộc Yên, thị trấn Hương Khê). Trong số máy bay có một chiếc bị lực lượng dân quân tự vệ bắn rơi, viên phi công đã nhanh chóng nhảy dù và ẩn nấp để chờ đồng đội đến cứu.
Suốt cả ngày hôm đó, trên bầu trời, máy bay Mỹ nhiều vô kể, quần đảo tầng tầng, lớp lớp, vừa bắn phá vừa ngó nghiêng tìm kiếm, thậm chí có chiếc trực thăng bay thấp đến mức bị anh dân quân trèo lên ngọn cây bắn gãy cả cánh quạt.
Ngay trong đêm, Huyện đội Hương Khê huy động mọi lực lượng của các xã tìm bắt viên phi công Mỹ bằng được. “Tui được xã phát cho một khẩu súng đã có 10 viên đạn cùng 20 viên đạn mang theo để bắn máy bay Mỹ. Lúc đó nào có biết súng mình đang cầm là loại súng gì đâu” – Bà Lai cho biết.
Suốt một ngày tìm kiếm, cuối cùng cô nữ dân quân du kích Kim Lai cũng phát hiện ra viên phi công đang lúng túng vướng trong đám dây dợ chằng chịt của dù nên vội bắn 3 phát súng chỉ thiên để báo cho đồng đội của mình đến hỗ trợ.
Bà kể: “Lúc đó anh ta to khỏe lắm, trên người còn có một khẩu súng ngắn và một khẩu súng dài. Tui cũng hơi run run nhưng may mắn cho cả tui và anh ta là anh ta đã không manh động mà giơ tay đầu hàng, chịu để tôi giải về trụ sở của lực lượng dân quân.
Ngày đó tôi chỉ cao 1,47m, nặng 37kg, còn viên phi công cao 2,2m, nặng đến 125 kg! Lúc bị giải về, chân anh ta tập tễnh bước thấp bước cao trông buồn cười lắm”.
Tại trụ sở dân quân, có rất nhiều người với gậy gộc, dao, xẻng trong tay đòi “xử” viên phi công, bà đã bình tĩnh can ngăn, khuyên giải mọi người không được làm vậy mà phải giao lại chờ cấp trên xử lý.
Năm 1966, khi bà đang làm y tá phục vụ chiến trường Quảng Trị thì bức ảnh được trưng bày trong triển lãm ảnh toàn quốc, được ngành Bưu chính in thành tem, rồi trở thành tác phẩm bất hủ với những câu thơ của nhà thơ Tố Hữu: “O du kích nhỏ giương cao súng - Thằng Mỹ lênh khênh bước cúi đầu - Ra thế to gan hơn béo bụng - Anh hùng đâu cứ phải mày râu!”.
Tôi tò mò hỏi bà, lúc thấy mình trên ảnh của nghệ sỹ Phan Thoan, cảm giác bà thế nào? Bà cười: “Lúc đó tui đang ở chiến trường B5 – Quảng Trị thì có người bạn ngoài Bắc gửi vào cho một bức thư, trong đó có con tem hình tui đang cầm súng giải viên phi công Mỹ. Rất bất ngờ và thấy vui vui nên tui đem khoe với anh bạn cùng đội và đây là ảnh chụp em đó rồi dặn anh ấy đừng nói với ai khác mà xấu hổ”.
Cuộc hội ngộ đặc biệt sau 30 năm
|
Bà Nguyễn Thị Kim Lai trong bức ảnh bất hủ của nghệ sỹ nhiếp ảnh Phan Thoan 30 năm trước |
Đối với “O du kích nhỏ” Nguyễn Thị Kim Lai, trải qua bao năm tháng khốc liệt của chiến tranh, còn sống sót trở về đã là một may mắn lớn lao bởi biết bao nhiêu người khác đã hy sinh ở tuổi mười tám, đôi mươi. Còn việc có ngày gặp lại viên phi công ngày ấy - William Andrew Robinson - thì bà chưa từng nghĩ tới.
Lần giở từng kỷ vật ngày xưa còn lưu giữ cẩn thận, bà bùi ngùi kể lại: “Hồi đó ranh giới giữa sự sống và cái chết mong manh như sợi tóc, có khi chỉ vài bước chân thôi mà đã thấy đồng đội ngã xuống. Buổi sáng đang nói chuyện cùng nhau thì buổi chiều đã hy sinh.
Chúng tôi hồi đó chỉ biết sống trọn hôm nay và chiến đấu hết mình, chẳng ai rõ có thể còn sống đến hôm sau không. Lúc hành quân vào mặt trận B5 - Quảng Trị, đoàn y tá chúng tôi có 26 người thì chỉ có 5 người đến nơi…” - Nói đến đây, giọng bà nghẹn lại, đôi mắt ướt mờ.
Năm 1995, có một đoàn làm phim tài liệu của Nhật Bản đến Việt Nam thực hiện phóng sự về cuộc đời của nhân vật trong bức ảnh “O du kích nhỏ”.
Trong đoàn làm phim có mặt tại căn nhà nhỏ của bà Lai ở Hà Tĩnh, có những vị khách bất ngờ: ông Robinson và gia đình, từ Hoa Kỳ sang. Bên ấm nước chè đậm chất Hà Tĩnh, hai con người một thời từng là kẻ thù của nhau, đứng hai bên chiến tuyến, sẵn sàng nã đạn vào nhau nhưng giờ gặp nhau ở thời bình, họ đều vui vẻ ôn lại chuyện cũ và xem tất cả chỉ là kỷ niệm.
Bà Lai hồn hậu: “Lúc gặp tôi, câu đầu tiên ông ấy nói: “Cô vẫn chẳng lớn được bao nhiêu nhỉ”. Thật ra, lúc đó tôi đã nặng 43 kg nhưng cân nặng của ông ấy đã là 150 kg”.
Năm 1973, bà xuất ngũ và về công tác tại Bệnh viện huyện Thạch Hà và gặp anh thương binh Nguyễn Anh Đức đang điều trị ở đây. Đến năm 1975, đất nước được giải phóng, Bắc – Nam đã sum họp một nhà, “O du kích nhỏ” và anh thương binh nên duyên, 3 người con lần lượt ra đời.
Hiện, bà đã có 6 cháu nội, ngoại, là niềm vui không gì đánh đổi được của tuổi già đối với bà, nhất là sau khi ông Đức đã qua đời vào năm 2004.