Gặp chiến sĩ cận vệ 10 năm bảo vệ Bác

Gặp chiến sĩ cận vệ 10 năm bảo vệ Bác

(GD&TĐ) - Đã ở cái tuổi xưa nay hiếm (80 tuổi), nhưng trong ký ức của cụ Nguyễn Hữu Tạn về thời gian gần 10 năm được bảo vệ Bác Hồ vẫn vẹn nguyên, in sâu trong tâm trí. Đó chính là quãng thời gian hạnh phúc nhất trong cuộc đời của ông. 

Năm 1952 chàng trai Nguyễn Hữu Tạn lên đường nhập ngũ, được điều về tiểu đội Độc lập thuộc quân khu IV. Đây là đơn vị phòng không. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, tiểu đội Độc lập đã tham gia chiến đấu với nhiệm vụ khống chế đường không của địch. Nguyễn Hữu Tạn là pháo thủ số 1 rất dũng cảm. Các đơn vị phòng không của quân đội ta đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ khi khống chế đường tiếp viện duy nhất của địch cho Điện Biên Phủ, góp phần cùng toàn quân và toàn dân làm nên chiến thắng chấn động địa cầu.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, đơn vị Nguyễn Hữu Tạn cùng đoàn quân chiến thắng tiến về giải phóng thủ đô Hà Nội vào ngày 10/10/1954. Đến đầu năm 1960 ông được tuyển chọn đi đào tạo nghiệp vụ bảo vệ lãnh đạo cao cấp. Sau khóa đào tạo, ông Tạn được điều về Cục cảnh vệ (lúc này có mật danh là K10) với nhiệm vụ bảo vệ Bác Hồ và công tác ở đây cho đến năm 1984.

Ông Nguyễn Hữu Tạn nhớ về những năm tháng làm cận vệ của Bác Hồ
Ông Nguyễn Hữu Tạn nhớ về những năm tháng làm cận vệ của Bác Hồ

Mười năm ông được tham gia bảo vệ Bác Hồ là quãng thời gian hạnh phúc, vinh dự nhất đối với ông. Ông cho đó là sự may mắn hiếm có. Khi chúng tôi hỏi ông về những năm tháng được sống bên cạnh Người, ông vô cùng xúc động nói về những năm tháng đó. Trong 10 năm hạnh phúc nhất đó, ông Nguyễn Hữu Tạn đã có rất nhiều kỷ niệm và câu chuyện về Bác. 

Nói về vinh dự được làm cận vệ của Bác Hồ, ông Nguyễn Hữu Tạn tâm sự: “Đó là một vinh dự lớn của tôi. Đảng đã tin tưởng giao trọng trách bảo vệ tuyệt đối an toàn cho Bác Hồ”.  

Ông đã giới thiệu cho chúng tôi tấm ảnh vô giá ông được chụp lưu niệm với Bác và các các cán bộ lãnh đạo trung ương. 

Được sống gần Bác, ông Tạn học được nhiều điều về đức tính giản dị, tiết kiệm, chịu khó, kiên trì, khiêm tốn và sự nhân ái, tấm lòng vì dân vì nước. Ông luôn khâm phục cách sống giản dị, chu đáo của Người.

Ông Tạn kể: Khi đi bảo vệ Bác Hồ, một số anh em cận vệ ít nói chuyện. Thấy vậy, Bác dạy rằng: “Cùng đi thì phải nói chuyện, làm như vậy quãng đường sẽ ngắn lại. Việc gì biết thì nói, không biết thì phải hỏi, đừng giấu, im lặng làm thinh. Hiểu cái gì nói cho mọi người nghe. Im lặng có thể là dốt hoặc tự kiêu...”.

Trong lần ông tham gia bảo vệ Bác đi thăm một cơ sở. Mặc dù các chiến sĩ cận vệ đã hóa trang mặc thường phục, đứng bảo vệ theo con đường Người sẽ đi. Sau khi đi qua, Bác Hồ quay lại nói với các chiến sĩ cảnh vệ:

- Bác đi qua đều thấy các chú. Vì các chú hóa trang chưa tốt. Người đã hóa trang tốt nên khó nhận ra, nhưng khuôn mặt các chú vẫn còn rất dễ nhận ra.

Sau này, anh em cận vệ rút kinh nghiệm vừa hóa trang mặc thường phục, đồng thời nét mặt cũng thể hiện tự nhiên, bình thường để mọi người không nhận ra mình đang làm công tác bảo vệ lãnh tụ.

Gặp chiến sĩ cận vệ 10 năm bảo vệ Bác ảnh 2
Ông Nguyễn Hữu Tạn tham gia bảo vệ Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ III (1960), ông Tạn là người đứng giữa. (Ảnh do gia đình cung cấp)

Ông rất thấm thía những bài học của Bác đã chỉ bảo tận tình về công việc cận vệ. Bác nói với ông cùng đồng đội: - Các chú bảo vệ làm công tác nhưng các chú chỉ có hai mắt, hai tay, hai chân. Muốn bảo vệ tốt cần phải dựa vào nhân dân mà làm việc, vì nhân dân ta có hàng chục triệu người, có mấy chục triệu tai mắt, tay, chân. Nếu biết dựa vào nhân dân thì việc gì cũng xong. 

Bác còn căn dặn: Làm công an thì phải làm cho dân tin, dân yêu, dân ủng hộ. Có dựa vào nhân dân thì công an mới hoàn thành tốt được nhiệm vụ của mình. Nếu trong công tác các cô, các chú được dân ủng hộ, làm cho dân tin, dân phục, dân yêu, thì nhất định các cô, các chú thành công.

Ông Nguyễn Hữu Tạn sinh năm 1933 ở xóm Sỹ Tân, xã Quỳnh Dỵ, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. Ông đã tham gia phong trào cách mạng từ rất sớm, lúc đầu là tham gia Đoàn thanh niên cứu quốc, rồi du kích địa phương. 

Dưới sự lãnh đạo của Đảng mà đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả dân tộc ta bước vào cuộc kháng chiến thần thánh chống lại thực dân Pháp xâm lược.

Cùng với vinh dự được bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Hữu Tạn còn được tham gia bảo vệ các nhà lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước, các cuộc họp của Bộ Chính trị, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III (1960), IV (1976), VI (1981). Ông Tạn vẫn còn giữ được một bức ảnh tham gia bảo vệ Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ III (1960).

Đến nói chuyện với các nhà báo, Bác Hồ nói:

- Bây giờ các chú viết hay, viết giỏi, viết dài; viết như thế thì tốt đấy nhưng chưa được. Các chú  phải viết ngắn, súc tích, dân đọc ai cũng hiểu ngay được.

Ông bồi hồi nhớ lại kỉ niệm khi được cùng Bác đến thăm các cháu ở trường mẫu giáo. Trước khi đi đến trường thăm cháu thiếu nhi, Bác Hồ căn dặn chú Tạn và anh em cận vệ: 

- Bác có tiền lương, Bác đi đâu, tặng quà cho ai hay cho các cháu thiếu niên nhi đồng thì các chú lấy lương của Bác để chi, không được lấy tiền của Chính phủ. 

Cục Cảnh vệ luôn có kế hoạch nhằm đảm bảo việc bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh phải tuyệt đối an toàn, bí mật. Do đó, nhiều nơi mọi người rất bất ngờ và vô cùng hạnh phúc. Mỗi khi đến thăm cơ quan, trường học, cơ sở, đầu tiên Bác Hồ thường đi  kiểm tra nhà vệ sinh, đến bếp ăn, rồi mới vào gặp mặt mọi người. Bác muốn tìm hiểu tình hình thực tế của cơ sở. Mỗi nơi Bác đến thăm trong thời gian rất ngắn. Trước các chuyến đi, Người đều dặn cận vệ chuẩn bị cơm mang theo để ăn vì không muốn gây tốn kém cho cán bộ, nhân dân nơi Người đến thăm.    

Bác Hồ nói với ông cùng anh em cận vệ: Các chú không được học Bác hút thuốc lá. Chú nào học Bác thì phải bỏ.

Sau lần đó, Cục Cảnh vệ đã phát động phong trào bỏ thuốc lá trong các đơn vị. Kết quả tất cả mọi người đều bỏ hút thuốc lá. Vốn là người hay hút thuốc lá, nhưng sau lần được Bác huấn thị, ông đã bỏ hút thuốc lá cho đến tận bây giờ.

Ông Tạn vẫn nhớ mãi bữa cơm với Bác Hồ. Hôm đó, sau khi làm việc, Bác Hồ nói anh em cận vệ xuống ao bắt cá. Nhà bếp đã nấu món canh cá rất ngon. Bác cùng anh em cận vệ ăn cơm một mâm rất ấm cúng như một gia đình. Vừa ăn cơm, Bác vừa nói chuyện vui vẻ, quan tâm từng người. Ông Tạn và các anh em rất cảm động trước sự quan tâm của Người. 

Sau khi về hưu (năm 1984) với cấp bậc đại úy, ông luôn giữ phẩm chất đạo đức trong sáng, sống rất giản dị, khiêm tốn, chan hòa với mọi người, tích cực tham gia công tác ở địa phương.

Ông cũng luôn nêu một tấm gương sáng cho con cháu. Thời gian rảnh rỗi, ông Tạn lại gọi con cháu tụ họp lại để cho xem những bức ảnh về Bác Hồ, kể chuyện những việc làm bình dị của Bác để các con các cháu nghe và học tập. 4 con của ông bà đều thành đạt. 

Đã bước sang tuổi 80, nhưng ông Nguyễn Hữu Tạn vẫn mãi mãi giữ những kỉ niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là những kí ức ức đẹp nhất trong cuộc đời tham gia cách mạng của ông.  

Vân Đình

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ