(GD&TĐ) - Cô giáo Trần Thị Diên chia sẻ: “Năm 1969, bố hy sinh khi chị em em còn quá nhỏ. Chúng em chỉ biết về bố qua tấm ảnh và những lời kể của mẹ. Hàng ngày nhìn mẹ phải tần tảo thức khuya dạy sớm, làm đủ mọi việc, chăm sóc hai ông bà già yếu, nuôi các con ăn học cho bằng chúng bạn, chị em em đã thầm hứa phải cố gắng học để không phụ công lao của mẹ”.
Tốt nghiệp phổ thông, Diên chọn nghề sư phạm để mong được dạy học ở quê nhà. Sau 4 năm học ở khoa Sinh, Trường Đại học sư phạm Hà Nội, cô đã thực hiện được ước mơ của mình. Năm 1984 ra trường, cô được phân công về dạy học tại Trường THPT Gia Lương số 2, cách nhà gần chục cây số.
Hơn một năm sau, cô lấy chồng. Chồng cô là một thương binh nặng thời đánh Mỹ nhưng anh ấy vẫn sống đầy nghị lực: Thi đỗ Đại học Dược và trở thành dược sỹ. Cô yêu anh cũng bắt đầu từ sự cảm phục bản lĩnh sống của anh. Cậu con trai của vợ chồng cô chào đời được 3 tháng thì di chứng của vết thương chiến tranh đã quật ngã người chồng thân yêu. Cuộc sống vợ chồng của cô chỉ tồn tại ngắn ngủi, 15 tháng mà thôi. Chưa đầy tuổi 25 cô trở thành góa phụ, thành vợ liệt sỹ. Niềm an ủi duy nhất của cô là đứa con trai bé bỏng của vợ chồng cô. Dẫu biết rằng con cô còn quá thơ bé, nuôi con đến khi con trưởng thành, con đường còn xa vời vợi, còn gian nan vất vả nhiều lắm nhưng vì con vì người chồng đã khuất cô quyết vượt qua tất cả. Cô xin chuyển về quê dạy học ở Trường THPT Thuận Thành số 1, (Bắc Ninh) để được gần với mẹ già. Nhưng gánh nặng gia đình lại đè nặng trĩu thêm trên đôi vai gầy của cô.
Đến năm 1990, cô em thứ hai đã trở thành cô giáo, em lấy chồng. Năm 1993, em cô mất vì bệnh tim mãn tính lúc ấy đứa con trai của cô em mới lên 2. Ba năm sau, mẹ cô lại ra đi vì căn bệnh ác tính. Lúc mẹ mất cô em út mới 11 tuổi. Chỗ dựa cuối cùng là mẹ già cũng không còn, cô chơi vơi giữa bao mất mát cùng với ba đứa trẻ, đứa mất cha, đứa mất mẹ đứa lại mất cả cha lẫn mẹ. Cô vừa dạy học vừa làm đủ công việc để lo nuôi con, nuôi cháu, nuôi em.
Ngoài giờ lên lớp cô còn tranh thủ làm thêm nhiều việc như cấy lúa, nuôi lợn và dạy thêm để có thu nhập trang trải cuộc sống. Trong 9 năm trời cô phải ba lần đội lên đầu mình vành khăn tang trắng: tang chồng, tang mẹ, tang em. Sau những cái tang ấy, một gánh nặng mới lại đè nặng thêm cuộc đời cô nhưng cô chưa bao giờ để cho đau thương mất mát quật ngã mình.
Cô vẫn say sưa với công việc giảng dạy, gần gũi với học sinh thân yêu và coi đó như là niềm vui, là động lực sống cho mình. Cô còn một niềm vui lớn nữa đó là con trai cô ngoan ngoãn, học giỏi, biết yêu thương chia sẻ với những lo toan của mẹ.
Con cô đã đền đáp xứng đáng những hi sinh của mẹ: 12 năm học phổ thông cháu liên tục là học sinh giỏi. Năm lớp 5 cháu là học sinh giỏi bậc Tiểu học toàn quốc. Đến năm lớp 12 là học giỏi đạt giải Ba môn toán cấp tỉnh. Cháu thi đỗ điểm cao vào Trường Đại học Y và Đại học Xây dựng. Tốt nghiệp thủ khoa của trường Đại học Xây dựng năm 2009. Hiện cháu được cấp học bổng đi làm nghiên cứu sinh ở Pháp. Còn cậu cháu trai con cô em út mà cô đã nuôi dạy hiện đã là sinh viên năm thứ tư Đại học Giao thông vận tải rồi. Còn cô em út cũng đã tốt nghiệp trường Cao đẳng sư phạm và đã thành cô giáo. Nói về em, về con về cháu cô vui lắm. Những lúc tưởng như sắp gục ngã trước bao tai biến của cuộc đời, cô cũng đã cảm nhận hết tình yêu thương, sự đùm bọc của họ hàng, địa phương, nhà trường. Cho đến bây giờ cô vẫn mang nặng ơn sâu, nghĩa nặng với họ.
Ảnh minh họa/internet |
Còn về bản thân cô, thành tích về chuyên môn về sự say sưa về nghề dạy học cũng thật đáng nể. Vất vả là thế, khổ đau là thế nhưng cô vẫn là giáo viên dạy giỏi, là cán bộ quản lí giỏi, vẫn được học sinh và đồng nghiệp nể trọng. Cô liên tục dự thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh và đạt danh hiệu ấy nhiều năm. Cô còn là cốt cán về môn Sinh học của trường, của tỉnh. Trên 70% số em được cô luyện thi đều đỗ Đại học; Nhiều em mà cô góp phần bồi dưỡng đã đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh và Quốc gia. Đến năm học 2005 - 2006, cô được tín nhiệm đề bạt là Phó Hiệu trưởng Trường THPT Thuận Thành số1. Trường cô, một trường học ở địa bàn nông thôn nhưng luôn là đơn vị xuất sắc của tỉnh. Tỉ lệ học sinh tốt nghiệp, thi đỗ vào các trường đại học nhiều năm được xếp hạng cao của tỉnh và của cả nước .
Gần ba mươi năm dạy học là cả một chặng đường dài cô giáo Trần Thị Diên chịu bao mất mát, bao hy sinh, cống hiến. Cô dành hết cho những thế hệ học trò, cho những người thân yêu. Giờ đây cuộc sống đã mỉm cười với cô. Mùa xuân này cô báo tin vui: Con trai cô đã lập gia đình, sắp trở thành một tiến sỹ trẻ của ngành xây dựng. Cô chia sẻ với tôi: “Gánh nặng đường xa số phận bắt em, em chịu. Nhưng em đã được đền đáp xứng đáng. Đó là con, cháu em đã thành đạt, đồng nghiệp và học sinh của em vẫn gần gũi quí mến em. Họ hàng nội ngoài yêu thương em. Bản thân em vẫn khỏe mạnh. Đó là hạnh phúc lớn mà em có được. Phải không anh?”.
Mã số: 1024