“Gánh nặng” bằng cấp...

GD&TĐ - Một nữ trưởng phòng ở Đắk Lắk, một trưởng phòng thuộc Công an tỉnh Lai Châu sử dụng bằng cấp giả để thăng tiến - phần nào cho thấy thực trạng sử dụng bằng cấp giả hiện “nhức nhối” như thế nào.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Văn bằng giả được sử dụng từ cấp xã, phường cho tới các quận, huyện, tỉnh, thành phố. “Chui” được cả vào lực lượng công an, vào ngành thanh tra, vào cả được tỉnh ủy... với nhiều chiêu trò biến báo và đôi khi, cách xử lý cũng hơi “lạ lùng”. Như việc xảy ra tại Thanh Hóa, dù được cơ quan chức năng khẳng định dùng bằng giả nhưng Phó Giám đốc và Thủ quỹ Quỹ Tín dụng nhân dân Quảng Phú vẫn điều hành hoạt động của quỹ.

Lý do là bởi sau khi có văn bản trả lời của Trường Đại học Hồng Đức xác nhận ông Nguyễn Khắc Tính, Phó Giám đốc Quỹ Tín dụng và bà Nguyễn Thị Mai, Thủ quỹ không có tên trong quyết định công nhận sinh viên tốt nghiệp tại trường, Quỹ Tín dụng nhân dân Quảng Phú đã báo cáo với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thanh Hóa. Thế nhưng Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thanh Hóa và cơ quan chức năng vẫn chưa có quyết định xử lý.

Muốn thăng tiến, muốn được bổ nhiệm... thì phải có và có đủ bằng cấp. Muốn có bằng cấp thì phải học. Mà không học được thì phải mua, phải gian lận. Đó là thực tế, mà nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như thừa nhận của Bộ trưởng Bộ Nội vụ là bởi các quy định về văn bằng, chứng chỉ trong việc bổ nhiệm, thăng hạng, nâng ngạch công chức, viên chức đang gây phiền hà, nhiều thủ tục rườm rà. Một bất cập nữa là trong các quy định văn bằng, chứng chỉ hiện nay chưa phân được loại nào là cần, loại nào là đủ mà “cào bằng” toàn bộ vị trí việc làm. Mặt khác, có việc đòi hỏi phải có bằng cấp nhưng khi công chức thi vào lại phải làm lại, học lại.

Vậy làm thế nào để bằng cấp không còn là “gánh nặng” và làm thế nào để có thể tuyển dụng được những người có năng lực thực sự? Biện pháp, có thể như Bộ trưởng Bộ Nội vụ là năm 2020, sau khi Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi có hiệu lực, thì sẽ sửa ngay những tồn tại này để thực hiện quy trình bổ nhiệm, thăng hạng, xét nâng ngạch cán bộ, công chức, viên chức theo đúng quy định của Đảng, không thêm bất cứ hồ sơ thủ tục nào. Đồng thời quy định kiểm định tiêu chuẩn bằng cấp, chứng chỉ theo phương thức thực chất, không để những chuyện bằng cấp là gánh nặng đối với cán bộ, công chức.

Một đại biểu Quốc hội đã từng cho rằng, việc có nhiều trường hợp cán bộ dùng bằng giả, không hợp pháp bị phát hiện cho thấy sự báo động về việc tuyển “đầu vào” của các cơ quan, tổ chức Nhà nước. Đó là việc kiểm soát chất lượng cán bộ và kiểm soát văn bằng, chứng chỉ còn nhiều lỗ hổng. Hơn thế, cốt lõi của vấn đề là trong quá trình tuyển dụng, bổ nhiệm, tiêu chuẩn lựa chọn cán bộ vẫn dựa vào định tính, tức chú trọng bằng cấp, coi đây là điều kiện tiên quyết. Thế nên cán bộ phải tìm đủ mọi cách để hợp thức hóa các loại văn bằng, “chạy đua” vào chức vụ làm sao đáp ứng đủ tiêu chuẩn.

Có thể, vấn đề là như vậy, nhưng trước mắt, cụ thể là với sự việc xảy ra tại Quỹ Tín dụng Quảng Phú, cần thiết phải nhanh chóng xử lý và xử lý nghiêm minh. Tránh những trường hợp tương tự tiếp tục xảy ra do xử lý không nghiêm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.