Gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động ​

GD&TĐ - Đây là một trong ba giải pháp trọng tâm mà ngành LĐ-TB&XH đã đề ra. Trong thời gian qua, giải pháp này đã được Tổng cục GDNN đẩy mạnh thông qua các chương trình hợp tác công tác với các tập đoàn, hiệp hội… Tuy nhiên công tác này, trước mắt vẫn còn nhiều khó khăn thách thức và cần được chú trọng đẩy mạnh hơn trong thời gian tới.

Đào tạo nghề kỹ thuật sửa chữa ô tô

​
Đào tạo nghề kỹ thuật sửa chữa ô tô ​

Thiếu cầu nối hợp tác

Nêu một số khó khăn thách thức trong gắn kết GDNN với doanh nghiệp hiện nay, TS Vũ Xuân Hùng - Vụ trưởng Vụ Đào tạo Chính quy, Tổng cục GDNN - cho biết: Hiện nay, doanh nghiệp có đào tạo nghề cho lao động chiếm tỷ lệ rất thấp, chỉ khoảng trên 36%, thấp nhất là các doanh nghiệp ngoài Nhà nước với hơn 30%. Như vậy, Điều 60 Bộ luật Lao động quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động về đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động, chưa được doanh nghiệp nghiêm túc thực hiện và cả trách nhiệm báo cáo kết quả đào tạo nghề cho cơ quan quản lý Nhà nước về lao động cấp tỉnh trong báo cáo hàng năm cũng chưa được thực hiện đầy đủ.

Các doanh nghiệp tự thực hiện đào tạo nghề cho lao động hơn là hợp tác với cơ sở GDNN để nâng cao chất lượng đào tạo; Hình thức tiếp nhận học viên thực tập tại doanh nghiệp và lao động của doanh nghiệp đến học tại cơ sở GDNN được nhiều doanh nghiệp thực hiện hơn so với các hình thức khác, nhưng tính chung chỉ có gần 5% số doanh nghiệp thực hiện công tác này.

Khung pháp lý về trách nhiệm và quyền lợi của doanh nghiệp trong hoạt động GDNN chưa được áp dụng trong thực tiễn, thiếu các chế tài trong tuyển dụng và sử dụng lao động qua đào tạo của doanh nghiệp, bên cạnh đó doanh nghiệp cũng chưa chủ động cung cấp nhu cầu nhân lực hàng năm cho cơ quan quản lý Nhà nước, chưa tham gia sâu vào hợp tác với cơ sở GDNN, nhiều cơ sở GDNN cũng còn thụ động trong thiết lập cơ chế hợp tác với doanh nghiệp…

Cụ thể hóa các hoạt động gắn kết

TS Trương Anh Dũng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN - cho biết: Theo bản tin thị trường lao động quý IV/2017, nước ta có khoảng 56% lao động qua đào tạo, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo chỉ có khoảng 22%, như vậy vẫn còn số đông lao động chưa có chứng chỉ nghề nghiệp. Bộ LĐ-TB&XH đã nhìn nhận đây là một bất cập lớn. Vì vậy, song song với những giải pháp khác, việc đẩy mạnh triển khai gắn kết GDNN với thị trường lao động và việc làm bền vững chính là một giải pháp trọng tâm.

Bộ LĐ-TB&XH đã thành lập tổ công tác, giao cho Tổng cục GDNN thường trực, cùng sự phối hợp của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Cục Việc làm, Cục Quản lý lao động ngoài nước… giúp Bộ trưởng thực hiện công tác gắn kết GDNN với thị trường lao động và việc làm bền vững.

Tổ công tác có nhiệm vụ: Thúc đẩy, ký kết hợp tác với các hiệp hội nghề nghiệp, doanh nghiệp về gắn kết GDNN với thị trường lao động và việc làm bền vững; Tham mưu xây dựng kế hoạch và đề xuất tổ chức thực hiện công tác này sau khi được phê duyệt, trong đó, thúc đẩy doanh nghiệp thực hiện quyền và trách nhiệm trong hoạt động GDNN, hướng dẫn các cơ sở GDNN thực hiện gắn kết với doanh nghiệp, đề xuất các mô hình thí điểm gắn kết GDNN với doanh nghiệp, thúc đẩy truyền thông gắn kết GDNN với thị trường lao động và việc làm bền vững.

Cũng theo Phó Tổng cục trưởng Trương Anh Dũng, với những hoạt động cụ thể của tổ công tác trong thời gian tới đây, kỳ vọng sự gắn kết GDNN với thị trường lao động và việc làm bền vững sẽ đạt hiệu quả và có những khởi sắc mới, giúp cho cơ sở GDNN đào tạo đáp ứng tốt hơn nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp. Trong thời gian gần đây, công tác gắn kết GDNN với doanh nghiệp đã được một số địa phương quan tâm chú trọng thúc đẩy, đã có 10 tỉnh tổ chức cuộc họp bàn về nội dung này.

Với cương vị là tổ trưởng tổ công tác - Phó Tổng cục trưởng Trương Anh Dũng đề nghị các thành viên trong Tổ công tác tiếp tục cho ý kiến về dự thảo Quy chế hoạt động cũng như nội dung, kế hoạch hành động; thực hiện tốt nhiệm vụ làm đầu mối theo dõi, kết nối, tổng hợp, đánh giá... Các cơ sở GDNN tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm về mô hình hợp tác với doanh nghiệp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ