Cung chưa gắn với cầu
- Nói đến nguồn cung nhân lực, Bộ trưởng đánh giá như thế nào về những điểm nghẽn hiện nay? Vì sao chúng ta vẫn chưa cung cấp đầy đủ nguồn nhân lực có chất lượng cao trong ngành nông nghiệp?
- Nói về kết nối cung - cầu nhân lực trong lĩnh vực nông nghiệp, trước hết phải xác định, đây là nhu cầu tự thân của các trường ĐH cũng như doanh nghiệp. Thực tế thời gian qua, họ cũng đã làm, tuy nhiên chưa được hiệu quả và thiết thực. Trong đó từ phía cung, các trường ĐH có một số điểm nghẽn phải giải quyết ngay, trước hết là khâu dự báo. Khâu dự báo của các trường ĐH, học viện chưa được chú trọng đúng mức, dẫn đến các ngành nghề mới và yêu cầu của ngành nghề mới chưa được nhận thức một cách đầy đủ. Các trường vẫn chủ yếu đào tạo những gì mình có, đặc biệt là dự báo nhu cầu thị trường sau khi SV tốt nghiệp, đây là một điểm rất quan trọng. Tức là cung chưa thực sự gắn với cầu.
Điểm thứ hai là, chương trình đào tạo cũng chưa thực sự gắn kết. Quá trình chuẩn bị hay mở ngành phải có một quy trình rất nghiêm ngặt. Đầu tiên là nghiên cứu thị trường để xác định nhu cầu, rồi yêu cầu về nghề đó như thế nào, sau đó mới thiết kế chương trình đào tạo. Tuy nhiên, nhiều trường ĐH chưa chú trọng đúng mức điều này, dẫn đến chủ yếu đào tạo những thứ mà các thầy, cô cho là đúng; trong khi rất nhiều yêu cầu, thậm chí ngay cả yêu cầu tưởng rằng không lớn nhưng rất quan trọng đó là kỹ năng làm việc của SV trong môi trường của doanh nghiệp… cũng chưa được tính đến. Do vậy, tính hàn lâm rất nhiều mà tính thực hành gắn kết còn hạn chế.
Thứ ba là, phương thức đào tạo chưa sát với thực tiễn. Các thầy, cô giáo chủ yếu đào tạo trong nhà trường, còn đào tạo ngoài nhà trường, gắn kết giữa đào tạo với nghiên cứu, thực nghiệm trong hệ sinh thái vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Đặc biệt là cần tôn trọng sự sáng tạo của HSSV, vì trong đào tạo hiện nay thầy, cô giáo không chỉ giảng dạy đơn thuần, mà quan trọng là tạo được cơ hội để người học sáng tạo và có nhiều ý tưởng hay.
- Nói đến sáng tạo của HSSV, điều quan trọng là giáo viên cần truyền được cảm hứng cho người học. Vậy yếu tố này sẽ được phát huy như thế nào, thưa Bộ trưởng?
- Chúng tôi đang thực hiện Đề án của Chính phủ Đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo khởi nghiệp cho HSSV. Nếu thực hiện tốt Đề án này sẽ khơi thông được rất nhiều điểm nghẽn; vì suy cho cùng, người học khi ra trường phải là những kỹ sư thực sự, làm chủ được công nghệ và phải quyết định được chính tình huống mà họ đang phải nhận nhiệm vụ, chứ không phải họ mở từ điển ra, hay mở lại chương trình của thầy cô.
Điểm quan trọng nữa là, thầy cô cần truyền được cảm hứng cho sự sáng tạo của học trò và phải biết tôn trọng sự sáng tạo. Mặc dù các thầy cô có nhiều kinh nghiệm và hiểu biết cao, thậm chí có người là giáo sư, tiến sĩ nhưng có rất nhiều hoạt động về khoa học công nghệ không phải chỉ các thầy, cô giáo mới biết; mà giờ đây, qua nhiều phương tiện thông tin, HSSV còn biết trước khi các em đến lớp. Nhiều SV rất giỏi tiếng Anh, giỏi công nghệ, họ có thực tiễn nên họ đến với các thầy cô không phải chỉ để lắng nghe những ý kiến, kiến thức, mà đến với thầy, cô giáo như những người dẫn dắt và tạo hứng khởi để họ sáng tạo.
|
Cần có cách làm mới
- Vậy tới đây, Bộ GD&ĐT sẽ tập trung ưu tiên những giải pháp nào để tháo gỡ những điểm nghẽn như Bộ trưởng vừa nói?
- Có thể nói, tháo gỡ điểm nghẽn là nhiệm vụ rất quan trọng mà Bộ GD&ĐT sẽ ưu tiên giải quyết. Bởi vì nâng cao chất lượng đào tạo và nguồn nhân lực, đặc biệt ở bậc ĐH là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành. Khi ra trường, SV không chỉ đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế, mà chính tương lai của các em cũng được cải thiện. Như vậy, họ mới tạo được động lực tốt hơn.
Do đó, trước hết Bộ GD&ĐT triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GD ĐH bằng 2 Nghị định trình Chính phủ: Một là liên quan tự chủ ĐH; hai là liên quan đến thực hiện một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GD ĐH. Qua đó, tạo môi trường thực sự cho các trường ĐH được chủ động cao, được quyền quyết định. Đồng thời tăng cường và trao quyền thực sự cho Hội đồng trường. Nhưng cũng nhấn mạnh đến trách nhiệm giải trình của các trường, đặc biệt là giải trình về chất lượng thông qua kiểm định chất lượng.
Quan điểm của Bộ là tạo điều kiện nhưng không có nghĩa là họ muốn làm gì thì làm. Tức là họ phải tuân thủ những nguyên tắc, trong đó nguyên tắc số 1 là trách nhiệm của các trường đối với xã hội, trách nhiệm của nhà trường đối với người học và tất cả đều được thông qua chất lượng. Bộ GD&ĐT có những chính sách, một mặt tạo điều kiện thuận lợi, mặt khác tăng cường để siết chặt chất lượng. Cụ thể trong mùa tuyển sinh tới, chúng tôi sát sao với các trường trong đề án tuyển sinh, đặc biệt có những hỗ trợ cho các trường về mặt dự báo vĩ mô, còn các trường vẫn phải chủ động dự báo.
Về chính sách quản trị nhà trường, nội dung các trường phải quan tâm là vấn đề kết nối và gắn kết với thị trường. Ở phương diện đào tạo, chúng tôi đặc biệt quan tâm giúp đỡ các trường và cũng yêu cầu các trường nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học. Bởi vì hiện nay, phần lớn nguồn lực hay năng lượng của nhà trường tập trung vào đào tạo. Mặt khác, các trường cần nghiên cứu khoa học, từ đấy gắn kết đổi mới sáng tạo.
Đào tạo gắn với nhu cầu thực tiễn của thị trường lao động là yêu cầu sống còn với các nhà trường. Ảnh: Đ.Chiêm |
Kinh nghiệm cho thấy, những trường nào quan tâm đến nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo thì trường ấy nhanh chóng có một vị thế xứng đáng. Những trường chỉ chăm chăm đến đào tạo thì sớm muộn cũng gặp khó khăn. Vì thế, bên cạnh việc tiếp tục khuyến khích các trường mở rộng quy mô, chất lượng đào tạo thì chúng tôi đặc biệt quan tâm khuyến khích và nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, gắn với đổi mới sáng tạo và kết nối doanh nghiệp, để làm sao ba nhà hoạt động tự nhiên và kết nối với nhau.
Cụ thể: Thứ nhất, chính sách phải từ thực tiễn thiết kế, chứ không phải thiết kế để các trường chạy theo; Thứ hai, nhà trường phải như một thành tố trong quy trình đào tạo nhân lực; Thứ ba, doanh nghiệp cũng phải có trách nhiệm không chỉ tài trợ hay đến tìm nhân lực, mà phải tham gia sâu hơn vào quá trình đào tạo, đặc biệt khai thác được lực lượng cựu SV. Chẳng hạn như Học viện Nông nghiệp Việt Nam, rất nhiều cựu SV ra trường thành đạt, họ có kinh nghiệm, kiến thức đào tạo, bây giờ họ quay trở về trường, phối hợp với nhà trường trong đào tạo và tuyển dụng.
Sản xuất rau sạch trên trang trại của VinEco. Ảnh: Quý Trung |
- Kết hợp giữa ba nhà, “Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp” không còn là phương thức mới. Vấn đề đặt ra là cần có cách làm mới để sự kết nối này ngày càng đi vào thực chất và hiệu quả. Bộ trưởng nghĩ sao về vấn đề này?
- Kết hợp giữa ba nhà, “Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp” cần được thực hiện một cách tự nhiên và trên yêu cầu của thực tiễn thì sẽ hiệu quả hơn nhiều so với một trong “ba nhà” có nhu cầu nhưng thực sự không đến với nhau. Tôi tin rằng, với cách làm như vậy sẽ tạo được môi trường tốt. Tâm điểm của các loại chính sách là phải tạo động lực cho tất cả các bên, để họ đến với nhau đều có lợi và trách nhiệm của Nhà nước là bảo vệ và tạo điều kiện chứ không làm thay.
Nhà trường cũng vậy, xu hướng tới đây là tự chủ, họ phải tự chủ động vươn lên nếu không sẽ bị đào thải. Vì thế, chúng tôi đánh giá rất cao kết nối “ba nhà” và mong: Ngay trong mùa tuyển sinh tới đây, khi chọn nghề, HSSV không chỉ dựa vào tài liệu đọc trên mạng hay lời khuyên của những người xung quanh, mà phải dành thời gian để nghiên cứu, cùng với các cơ quan tư vấn đón bắt được tình hình, sau 4 năm học khi ra trường thì thị trường lao động sẽ diễn biến như thế nào. Tránh tình trạng bây giờ một ngành nào đó đang “hot” nhưng học xong lại hết...
Ngay như ngành NN&PTNT chẳng hạn. Thông thường nói đến ngành này, mọi người nghĩ đến cây gì, con gì. Nhưng bây giờ không phải như vậy, rất nhiều công nghệ liên quan đến nông nghiệp, thậm chí ngay cả sau thu hoạch hay phân phối sản phẩm, đặc biệt là biến đổi khí hậu... Quan niệm về ngành nghề trong NN&PTNT rất khác so với truyền thống. Đây cũng là cơ hội, đồng thời là thách thức với các cơ sở đào tạo, nếu nhận thức được tốt thì họ sẽ nhanh chóng chuyển đổi cơ cấu, còn nếu họ cứ dựa vào những gì sẵn có thì sẽ bị hụt hậu.
Một số nhà trường mặc dù trước đó chưa có kinh nghiệm hay chưa đào tạo ngành nghề này, nhưng với xu hướng đa ngành, đa lĩnh vực, họ sẽ vươn ra để cạnh tranh. Như vậy sẽ tạo được một hướng đi thiết thực. Sự kết hợp ba nhà “Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp” không phải là chủ trương mới, bởi vì ý tưởng kết nối và nhu cầu không mới nhưng quan trọng là cách làm phải mới và đặc biệt là phải quyết tâm. Tôi khẳng định lại, vấn đề đặt ra là tạo được động lực thực sự thì họ sẽ đến với nhau một cách tự nhiên.
- Xin cảm ơn Bộ trưởng!