Gần 80 năm tìm kiếm bé gái trong vụ mất tích ly kỳ nhất nước Mỹ

Vụ cô bé Marjorie West mất tích khi đang đi dã ngoại trong rừng cùng với gia đình vào Ngày của Mẹ đã khiến cả nước Mỹ cùng sôi sục tìm kiếm hàng chục năm.

Gần 80 năm tìm kiếm bé gái trong vụ mất tích ly kỳ nhất nước Mỹ

Hàng chục năm trôi qua, vụ việc càng trở nên bí hiểm khi hàng loạt giả thiết cho sự mất tích của cô bé đều không thể đáp ứng sự mong mỏi của gia đình và dư luận.

Cuộc tìm kiếm Marjorie cũng là một trong những chiến dịch tìm kiếm quy mô lớn nhất đối với một em bé, kể từ khi xảy ra vụ bắt cóc Lindbergh xảy ra cách đó 6 năm. Người dân vùng Pennsylvania và thân nhân còn sống của Marjorie đều không từ bỏ hy vọng. Nếu như còn sống, hiện tại Marjorie đã ngoài 80 tuổi.

Sự mất tích kỳ lạ

Vào Chủ nhật, ngày 8/5/1938, gia đình nhà West, gồm người cha Shirley, mẹ Cecilia, và các con Dorothea (11 tuổi), Allan (7 tuổi) và Marjorie (4 tuổi) đã tới nhà thờ tại thành phố Bradford của bang Pennsylvania. Cơn sốt dầu mỏ tại thành phố này đã mang lại đời sống ổn định cho nhiều gia đình như nhà West vào thời điểm đó.

Gan 80 nam tim kiem be gai trong vu mat tich ly ky nhat nuoc My hinh anh 1
Chân dung Marjorie West lúc 4 tuổi. Nguồn:Narratively

Sau khi đi nhà thờ, gia đình West đã lái xe hơn 20 km dọc theo đường cao tốc 219 đến rừng Allegheny, địa điểm ưa thích của các thợ săn và dân đánh cá. Họ đã vui chơi cùng những người bạn là ông bà Lloyd Akerlind.

Đến buổi chiều, Cecilia ra xe nghỉ ngơi, trong khi chồng bà chuẩn bị đi câu cá cùng ông Lloyd. Về phần mình, hai cô bé Dorothea và Marjorie đã hái rất nhiều hoa violet. Dorothea sau đó đã đi ra xe để đưa hoa cho mẹ. Khi quay lại, em gái cô đã biến mất. 

Cuộc tìm kiếm quy mô lớn

Sau khi Marjorie mất tích là cuộc tìm kiếm đằng đẵng trong nhiều tháng của lực lượng cảnh sát với chó nghiệp vụ và thậm chí là với sự giúp đỡ của 3.000 người dân địa phương. Thông tin các cuộc tìm kiếm khác đã phủ khắp các tờ báo quốc gia.

Sau 4 ngày, thị trưởng thành phố Bradford Hugh Ryan đã kêu gọi 1.000 người tình nguyện giúp đỡ và nhận được 2.500 lời hưởng ứng. Đến cuối tuần, khu vực tìm kiếm đã lên tới hơn 90 km2 mà không có tung tích của Marjorie.

Cảnh sát sau đó bắt đầu phát đi các tờ tìm kiếm trong đó miêu tả Marjorie có mái tóc xoăn đỏ, làn da tàn nhang, chiếc mũ Shirley Temple màu đỏ và đôi giày da bóng. Trong quá trình tìm kiếm, người ta đã phát hiện được bó hoa violet nằm không xa tảng đá, gần nơi các cô bé hái hoa.

Nhiều người năm 1938 và đến bây giờ vẫn tin rằng Marjorie đã được ai đó đón ở trên đường. Nhân chứng nói với cảnh sát rằng 3 xe đã đi qua khu vực trên vào chiều hôm đó. Hai lái đã xe đã được nhận dạng vào tối thứ 3.

Tuy nhiên, tài xế thứ ba là một người đàn ông chạy xe Plymouth mui kín rất nhanh và chiếc xe này đã đâm vào mương, theo lời kể của một xe môtô đi ngược chiều.

Gan 80 nam tim kiem be gai trong vu mat tich ly ky nhat nuoc My hinh anh 2
Truyền thông đưa tin về chiến dịch tìm kiếm Marjorie. Nguồn: Sentinel63.wordpress.com.

Vào ngày 13/5/1938, cảnh sát trưởng bang PW Foote tuyên bố sự mất tích của Marjorie có thể xuất phát từ việc cô bé thích chơi trốn tìm. Hàng loạt giả thiết về sự mất tích bí ẩn của của bé đã được đưa ra:

Một số tờ báo đã liên hệ vụ Marjorie mất tích với vụ mất tích bí ẩn trong rừng khác của hai bé trai chỉ cách nhau vài giờ vào năm 1910.

Ngày 16/4/1910, Edward Adams, 9 tuổi, đang câu cá với nhóm bạn gần Lamont, bang Pennsylvania, thì nghe tiếng một “người rừng” chửi thề.

Các cậu bé chạy đi nhưng khi dừng lại thì Eddie đã biến mất. Cách đó hơn 20 km, tại thị trấn Ludlow, Michael Steffan, 7 tuổi, cũng đang câu cá với một người bạn. Trên đường trở về nhà, người bạn quay lại và phát hiện Michael đã mất tích.

Hai năm sau đó, cảnh sát Buffalo đã bắt được J Frank Hickey, kẻ đã thừa nhận sát hại hai cậu bé tại Buffalo và Manhattan cách nhau 9 năm. Nhiều người tình nghi tên này còn sát hại những cậu bé khác nữa, trong đó có Edward Adams và Michael Steffan.

Dù xảy ra cách nhau tới 28 năm, song vụ này cho thấy trong rừng còn ẩn chứa nhiều nguy cơ khác ngoài thú dữ.

Một nguyên nhân khác khiến Marjorie có thể bị bắt cóc là vì lợi nhuận. Trong thời gian xảy ra Đại suy thoái, các vụ bắt cóc trẻ em kiếm tiền đã trở nên phổ biến. Đáng chú ý, tỷ lệ bắt cóc gia tăng cùng lúc với tỷ lệ sử dụng ôtô, một phương tiện đi lại tương đối mới mẻ vào thời điểm đó.

Trong khi đó, những người khác tin rằng Marjorie bị bắt cóc không phải vì tiền chuộc mà là phục vụ cho một tổ chức kiếm “tiền bẩn” khác.

Ngày 12/9/1950, nhà chức trách Tennessee đã cáo buộc Georgia Tann, Giám đốc điều hành chi nhánh của Tổ chức từ thiện nhận nuôi hơn 1.000 trẻ em để kiếm lời 1 triệu USD, lừa những cặp vợ chồng nghèo từ bỏ con mình.

Lời giải hoàn hảo?

Năm 2010, những hậu duệ trong gia đình của Marjorie đã gây sức ép cảnh sát bang, yêu cầu cảnh sát bang mở cuộc điều tra mới. Hai năm sau đó, cảnh sát bang đã lấy mẫu ADN từ hai người họ hàng tại Bradford, gửi tới Trung tâm Quốc gia về Trẻ em mất tích và bị lạm dụng, song không tìm được bất cứ manh mối nào.

Gan 80 nam tim kiem be gai trong vu mat tich ly ky nhat nuoc My hinh anh 3
Gia đình treo thưởng cho bất kỳ ai có thông tin gì về sự mất tích của Marjorie. Nguồn:Narratively

Tuy nhiên, Harold Thomas “Bud” Beck, một nhà văn, giáo sư, Phó tiến sĩ ngôn ngữ học đến từ Bradford lại khẳng định ông đã biết câu trả lời của vụ việc bí ẩn này.

Vào năm 1998, khi mạng Internet đang trở nên phổ biến, ông đã treo thưởng 10.000 USD cho ai biết được thông tin về Marjorie. Ông cũng đăng kèm cả ảnh mới nhất của người chị Dorothea, vì cho rằng Marjorie sẽ giống bà.

Sau đó, một người phụ nữ đã liên lạc với ông, khẳng định mình từng làm việc tại một công ty ở Florida với một y tá trong rất giống người trong hình. Beck đã tới miền Nam để tìm hiểu manh mối. Y tá này quả thực rất giống Dorothea, nhưng từ chối nhận mình là Marjorie.

Đến năm 2005, Beck cho biết ông lại nhận được tin từ nữ y tá này và muốn gặp bà. Vào thời điểm đó, bà đã trở về trang trại mà bà sinh sống lúc nhỏ tại Bắc Carolina.

Khi gặp Beck tại đây, bà đã hồi tưởng lại một câu chuyện mà mẹ bà kể khi gần đất xa trời. Vào năm 1938, cha của nữ y tá đã rời nông trại và lên đường đến miền Bắc để làm việc tại nhà máy lọc dầu ở Bradford trong mùa Đông. Mùa Xuân cũng là lúc ông trở về với công việc nhà nông. Khi lái xe về miền Nam qua rừng Allegheny vào Ngày của Mẹ, ông đã đâm phải một bé gái.

Ông định đưa cô bé tới bệnh viện ở Kane, song cô bé bất ngờ tỉnh lại trên xe và không hề bị thương gì. Do ông và vợ mất đi đứa con gái duy nhất vào mùa Đông năm đó vì khó sinh, họ đã quyết định giữ Marjorie lại nông trại và nuôi nấng cô.

Gan 80 nam tim kiem be gai trong vu mat tich ly ky nhat nuoc My hinh anh 4
Chân dung Marjorie lúc 4 tuổi và chị gái Dorothea lúc 65 tuổi. Nguồn:Mckeancountycoldcases.weebly.com

Vài năm sau, ông đã mất đi cánh tay trong Thế chiến II. Ông đã nói với vợ mình đây chính là cách Chúa trừng phạt ông vì những gì đã làm. Nữ y tá cũng từng kể với cha mẹ rằng bà nhớ về một gia đình khác, song họ đã phủ nhận điều này. Beck cho hay bà cũng nhớ về một nơi có “tuyết rơi phủ trên đầu”. Sau Thế chiến II, cha mẹ bà có thêm 4 người con nữa.

Nữ y tá đã kể cho Beck câu chuyện trên với một điều kiện, ông không được nói cho ai khác về danh tính của bà, trừ Dorothea, người mà bà muốn gặp. Hai là Beck chỉ được xuất bản câu chuyện sau khi bà qua đời. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, Dorothea đã quá ốm yếu để có thể gặp “Marjorie”.

Nữ y tá đã qua đời cách đây một thập kỷ. Beck giữ lời hứa và xuất bản câu chuyện “Đi tìm Marjorie West” vào năm 2010. Nhà văn khẳng định nhân vật nữ y tá chính là Marjorie West.

Cuốn sách đã làm bùng nổ cuộc tranh cãi trên mạng xã hội Facebook. Catherine, con gái chị họ của Marjorie, cũng phủ nhận tính xác thực của câu chuyện. Beck thừa nhận ông hiểu được vì sao mọi người giận dữ, đặc biệt là những người tham gia cuộc tìm kiếm. Tuy nhiên, ông sẽ không phản bội lại sự tin tưởng dành cho mình.

Những nghi vấn sau hàng chục năm

Nếu câu chuyện của Beck là sự thật, nó giải thích được tại sao Marjorie biến mất nhanh chóng mà không để lại dấu vết và chiếc xe Plymouth phóng nhanh hôm đó. Tuy nhiên, vẫn còn đó câu hỏi chưa được giải đáp như: Làm sao mà hai người nhận nuôi Marjorie có thể giữ bí mật lâu đến vậy? Liệu có phải nỗi đau trong Ngày của Mẹ khiến họ hành động như vậy?

Có lẽ câu chuyện quá hoàn hảo để có thể trở thành sự thật. Trong cuốn sách của Beck, nữ y tá tuyên bố mình chính là cô gái mít ướt được phát hiện tại Tây Virginia vào đêm Ngày của Mẹ. Tuy nhiên, theo bài báo từ tháng 10/1983, cảnh sát và gia đình West đã đến gặp Conrad Fridley, một thợ máy khẳng định đã có mặt ở địa điểm trên vào thời điểm đó.

Cảnh sát xác nhận con gái của Fridley giống với Marjorie, nhưng không phải là người mất tích và cô bé được phát hiện đêm đó mặc quần áo khác với Marjorie. Vậy nếu nữ y tá kia không phải là Marjorie, thì cô bé đã đi đâu?

Một giả thiết khác cũng được xem xét là địa hình hiểm trở trong rừng. Năm 1962, hai bé trai đã thiệt mạng khi đang khám phá mỏ đất sét bị bỏ hoang tại phía Tây Pennsylvania, khiến chính quyền Bradford phải cho đóng của toàn bộ các mỏ, hang và giếng tại khu vực này.

Cho đến nay, vẫn chưa có kết luận chính thức về vụ mất tích của Marjorie. Sau ngần ấy thời gian, dù gia đình của Marjorie chưa từ bỏ hy vọng, thì manh mối để tìm kiếm ngày càng lụi dần, có lẽ câu trả lời cho vụ Marjorie sẽ mãi là ẩn số.

Với những chiến dịch tìm kiếm quy mô lớn, hàng loạt giả thiết được đưa ra cùng với một câu chuyện được xuất bản mà không được xác thực, đây được xem là một trong những vụ mất tích ly kỳ nhất trong lịch sử nước Mỹ

Theo zing.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ