Năm 2021, hơn 200 nghìn trẻ em sống tại Liên minh châu Âu (EU) bị đẩy đến bờ vực nghèo đói, nâng tổng số trẻ em nghèo trong khu vực lên 19,6 triệu, chiếm 1/4, theo báo cáo của tổ chức Cứu trợ Trẻ em (Save the Children).
Đầu tháng 3, Tổ chức Cứu trợ Trẻ em đã công bố báo cáo “Đảm bảo tương lai của trẻ em: Covid-19, chi phí sinh hoạt và khủng hoảng khí hậu ảnh hưởng đến trẻ em nghèo như thế nào và chính phủ các nước châu Âu cần làm gì?”. Báo cáo so sánh tỷ lệ trẻ em nghèo tại 14 quốc gia EU trong giai đoạn 2020 - 2021.
Các nhà nghiên cứu đã sử dụng chỉ số AROPE, công cụ đo lường tiến độ hướng tới mục tiêu xoá đói giảm nghèo tại châu Âu đến năm 2030. Theo nghiên cứu, hai quốc gia có tỷ lệ trẻ em có nguy cơ nghèo đói và bị loại trừ khỏi xã hội cao nhất là Tây Ban Nha và Romania với tỷ lệ lần lượt là 33,4% và 41,5%.
Sau dịch Covid-19, xung đột Nga - Ukraine kéo theo lạm phát, chi phí sinh hoạt gia tăng đã gia tăng sức ép khổng lồ lên hàng triệu gia đình, đặc biệt là các gia đình có thu nhập trung bình và thấp. Giá thực phẩm cơ bản như sữa, ngũ cốc, dầu tăng vọt, buộc các gia đình phải bỏ bữa, cắt giảm khẩu phần ăn.
Báo cáo cũng chỉ ra trẻ em di cư, trẻ em tị nạn, trẻ em không có giấy tờ và người lớn đi cùng nằm trong số những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Bên cạnh đó, trẻ em sống trong gia đình đơn thân, gia đình đông con có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em khuyết tật, trẻ em dân tộc thiểu số cũng nằm trong nhóm nguy cơ và có khả năng mắc bệnh.
Tại Romania, 40% hộ gia đình ghi nhận thu nhập năm 2022 giảm so với năm ngoái trong khi chi phí tăng vọt lên mức 98%. Hầu hết các gia đình buộc phải cắt giảm chi tiêu và ăn uống, gây ảnh hưởng đến sức khoẻ của trẻ nhỏ.
Trong những năm gần đây, nhận thức mức độ nghiêm trọng của tình trạng trên, các nước EU đã có nhiều động thái để bảo vệ quyền trẻ em.
Đơn cử, ngày 14/6/2021, Hội đồng Liên minh châu Âu đã thông qua khuyến nghị thiết lập Bảo lãnh Trẻ em châu Âu nhằm giải quyết tình trạng trẻ em có nguy cơ nghèo đói và bị bỏ rơi khỏi xã hội.
Các quốc gia thành viên phải cung cấp cho trẻ em có nguy cơ cơ hội tiếp cận giáo dục miễn phí, dịch vụ chăm sóc sức khoẻ chất lượng cao. Tại trường học, các em có ít nhất một bữa ăn giàu dinh dưỡng, lành mạnh.
Bà Ylva Sperling, Giám đốc Tổ chức Cứu trợ Trẻ em khu vực châu Âu, cho biết: Không một đứa trẻ nào phải đến trường với cái bụng đói và lo lắng về cuộc sống gia đình ngày một khó khăn.
Tuy nhiên, tác động của các cuộc khủng hoảng hiện nay đã tước đi những nhu cầu thiết yếu nhất cho sự phát triển và hạnh phúc của trẻ em.
Bà Ylva kiến nghị chính phủ các quốc gia châu Âu cần tăng cường hành động để triển khai khuyến nghị Bảo lãnh Trẻ em châu Âu. Đồng thời, cần tiếp tục thảo luận củng cố và phát triển các khuyến nghị; tăng cường đầu tư nguồn lực thực hiện khuyến nghị để giảm thiểu tác động của các cuộc khủng hoảng lên thế hệ tương lai.