Ngày 27/11, Thiếu tá Lý Thị Thu Trang, Phó đội trưởng chỉ huy giao thông và điều khiển đèn tín hiệu, Phòng CSGT (Công an TP Hà Nội), cho biết như trên về kết quả áp dụng biện phát xử phạt vi phạm giao thông qua hệ thống camera đường phố.
Theo Thiếu tá Trang, việc xử phạt "nguội" ở Hà Nội được thí điểm từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, trong năm nay, số lượng người đến nộp phạt tăng cao gấp nhiều lần, có ngày khoảng 40 người, so với 6-7 người của những năm trước.
Lý giải điều này, đại diện CSGT Hà Nội nói "do thông tin vi phạm được cập nhật thường xuyên lên hệ thống tra cứu của Cục CSGT, nên nhiều tài xế đã chủ động xem, biết lỗi vi phạm và tự giác đến giải quyết". Ngoài ra, gần đây, CSGT tăng cường phối hợp với cơ quan đăng kiểm, gửi thông tin vi phạm của chủ xe đến cơ quan này buộc tài xế vi phạm phải nộp phạt mới được đăng kiểm.
Ghi nhận chiều 27/11, tại phòng xử lý vi phạm thuộc Đội chỉ huy, điều khiển, đèn tín hiệu (CSGT Hà Nội) có hơn chục tài xế ngồi chờ đến lượt nộp phạt.
Cầm tờ giấy mời khổ A4, tài xế xe tải Nguyễn Văn Hùng ở Lê Trọng Tấn (Hà Đông) nói anh khá bất ngờ khi nhận được thông báo 3 lần vi phạm cùng mội lỗi đi sai làn vào đường xe buýt nhanh (BRT). "Đường BRT nhiều lúc khá vắng vẻ, trong khi đó chở hàng lại vội, nên nhiều khi tôi đi vào mà không nghĩ có camera giám sát ghi lại", anh Hùng cho hay.
Khi xe tải của mình sắp hết hạn kiểm định, tài xế Hùng đến làm thủ tục nộp phạt để được đăng kiểm. Tại trụ sở công an, anh không yêu cầu song cảnh sát vẫn cho nam tài xế xem lại các lần vi phạm qua màn hình máy tính.
Trong khoảng 15 phút, anh Hùng hoàn thiện các thủ tục nộp phạt với số tiền gần 13 triệu đồng cho ba lần vi phạm và bị tước giấy phép lái xe 2 tháng.
Khác với trường hợp của anh Hùng, tài xế Tuấn (23 tuổi) ở quận Đống Đa, lái xe 5 chỗ chia sẻ "không hề hay biết vi phạm lúc nào", đến khi đi đăng kiểm mới được nhân viên ở đây thông báo là xe vi phạm lỗi vượt đèn đỏ. Sau đó anh Tuấn được hướng dẫn đến phòng CSGT Hà Nội để hoàn thiện nộp phạt nguội và quay lại đăng kiểm.
Giải thích việc không nhận được giấy báo của cảnh sát, đến khi đi đăng kiểm mới phát hiện xe vi phạm, tài xế Tuấn cho rằng, "do tôi đã chuyển nhà vài năm nên cảnh sát có gửi vài lần giấy mời đều không tới tay".
Nộp phạt "nguội" 4 triệu đồng và bị tước bằng lái 2 tháng, anh Tuấn không vui song vẫn cho rằng, "việc áp dụng công nghệ vào xử phạt vi phạm giao thông là cách làm hay, giúp tôi và các tài xế khác ý thức tốt hơn và việc xử lý được minh bạch".
Thiếu tá Trang cho hay, trong số gần 16.000 tài xế bị phạt "nguội" năm qua, trường hợp vi phạm giao thông nhiều nhất thuộc về một nữ tài xế taxi công nghệ 40 tuổi ở Hà Nội. Trong các tháng 5, 6, 9, 10, 11, nữ tài xế này vi phạm 28 lần cùng lỗi dừng đỗ ở nơi có biển cấm dừng, cấm đỗ trước cổng bệnh viện Bạch Mai (đường Giải Phóng); tổng số tiền phải nộp phạt 16,7 triệu đồng.
Hiện TP Hà Nội có hơn 200 camera giám sát, xử lý vi phạm lắp đặt trên các tuyến đường, nút giao trung tâm hàng ngày tự động nhận diện và phát hiện lỗi. Từ hình ảnh lưu trữ, cán bộ tại trung tâm sẽ xác minh thông tin, kiểm tra đối chiếu với giấy tờ của phương tiện để gửi thông báo vi phạm và đăng tải trên cổng thông tin điện tử của Công an thành phố, Cục CSGT.
Với trường hợp cố tình không đến làm việc khi nhận được giấy mời, hoặc các trường hợp thay đổi địa chỉ trên đăng ký, cảnh sát sẽ gửi giấy về công an xã, phường thị trấn, nơi làm việc và thông báo tới Cục Đăng kiểm Việt Nam để phối hợp thông báo cho chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện.
Tài xế hết hạn đăng kiểm bị phát hiện vi phạm, trung tâm đăng kiểm sẽ cấp đăng kiểm tạm trong vòng 15 ngày để chủ xe hoàn tất các thủ tục nộp phạt. Từ tháng 11/2019 đến nay, CSGT Hà Nội đã gửi sang cơ quan đăng kiểm thông tin về gần 9.000 trường hợp tài xế vi phạm; đến nay trên 50% tài xế đã nộp phạt.
Lãnh đạo Phòng CSGT Hà Nội cho hay đơn vị đang lập đề án giai đoạn hai nâng cấp, bổ sung thiết bị giám sát, xử lý vi phạm trên các tuyến cửa ngõ, cầu ở các khu vực ven thủ đô, nhà ga, bệnh viện. "Tiến tới không chỉ các nút giao trung tâm mà mọi tuyến đường sẽ được lắp đặt camera phát hiện xử lý vi phạm, giúp nâng cao ý thức của người tham gia giao thông", vị này nói.
Theo số liệu của Phòng CSGT Hà Nội, từ tháng 11/2019 đến nay, hệ thống camera xử lý vi phạm phát hiện 16.000 vi phạm với các lỗi chủ yếu là vượt đèn đỏ, sai làn, dừng đỗ. Tính trung bình mỗi tháng trung tâm chỉ huy, điều khiển đèn tín hiệu xử phạt hơn 1.000 trường hợp, với số tiền trên một tỷ đồng. Con số này tương đương với một đội CSGT xử lý vi phạm ở ngoài đường.
Ngoài việc xử phạt vi phạm "nguội" qua hình thức này, từ tháng 9/2019, các đội CSGT ở nội, ngoại thành Hà Nội cũng áp dụng hình thức phạt "nguội" qua hình ảnh người dân và báo chí cung cấp.