Gần 140.000 vụ vi phạm thương mại trong 9 tháng

GD&TĐ - Theo Ban Chỉ đạo 389, trong quý III đã phát hiện, xử lý 63.110 vụ việc vi phạm. Thu nộp ngân sách hơn 4,3 nghìn tỷ đồng; khởi tố 369 vụ vi phạm.

Thiếu tướng Đàm Thanh Thế - Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia phát biểu.
Thiếu tướng Đàm Thanh Thế - Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia phát biểu.

Khởi tố hàng nghìn vụ cùng người vi phạm

Sáng 20/10, Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) đã tổ chức họp báo. Theo báo cáo, trong quý III năm 2020 lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, xử lý 63.110 vụ việc vi phạm. Thu nộp ngân sách Nhà nước (NSNN) 4.386,9 tỷ đồng; khởi tố 369 vụ vi phạm với 454 đối tượng.

9 tháng đầu năm, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 138.374 vụ vi phạm (giảm 7,5% so với cùng kỳ năm 2019). Thu nộp NSNN 15.678,6 tỷ đồng (tăng 26,5% so với cùng kỳ). Khởi tố 1.497 vụ (giảm 8,44% so với cùng kỳ), 1.800 đối tượng (gỉảm 6% so với cùng kỳ).

Thiếu tướng Đàm Thanh Thế - Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cho biết, các địa phương đã chủ động thành lập các đoàn công tác để kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo định kỳ. Đột xuất kiểm tra trên địa bàn theo tuyến, mặt hàng trọng điểm... từ đó, phát hiện, xử lý nhiều vụ vi phạm lớn.

Văn phòng Thường trực chủ động tham mưu đề xuất chỉ đạo tăng cường công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đặc biệt, hàng hóa liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra công vụ. Xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu theo từng địa bàn, lĩnh vực phụ trách. Cùng với đó, điều chuyển, đề xuất điều chuyển, thay thế người đứng đầu các cơ quan, đơn vị không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, có biểu hiện bao che, dung túng cho buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả…

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT Nguyễn Thanh Bình thông tin với báo chí.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT Nguyễn Thanh Bình thông tin với báo chí.

Kho hàng lậu “khủng” tại Lào Cai

Cũng tại buổi họp báo chuyên đề, đại diện Tổng cục QLTT đã thông tin về kết quả xử lý kho hàng lậu 10.000m2 tại Lào Cai. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT Nguyễn Thanh Bình cho biết, sau khi phát hiện kho hàng lậu, Tổng cục QLTT đã phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra kho hàng 10.000m2. Qua kiểm tra đã xác định chủ kho hàng là Trần Thành Phú (SN 1992, ở Lào Cai).

Cục QLTT tỉnh Lào Cai đã giao 2 đội QLTT phụ trách địa bàn này xác định nguồn gốc hàng hóa, xác định vi phạm. Sau khi hoàn tất hồ sơ, Cục QLTT Lào Cai đã chuyển sang Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lào Cai để tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định.

Đánh giá về việc thực thi công vụ của các lực lượng chức năng địa phương trong 9 tháng năm 2020, trong đó có vụ việc tại Lào Cai, Thiếu tướng Đàm Thanh Thế - Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cho biết, đã giao chính quyền địa phương xem xét xử lý.

“Bên cạnh một số cơ chế chính sách pháp luật còn bất cập, hạn chế, khó khăn điều kiện phương tiện thì vai trò chỉ đạo, điều hành của một số cấp ủy, địa phương chưa thường xuyên, chưa quyết liệt. Một số đơn vị chưa làm tốt công tác chính trị tư tưởng, thiếu kiểm tra giám sát, để cán bộ, chiến sĩ tiếp tay cho buôn lậu, gian lận thương mại...” - Thiếu tướng Đàm Thanh Thế nói.

Trước đó, sau nhiều ngày điều tra, theo dõi, chiều 7/7/2020, Tổng cục QLTT phối hợp với Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động và Cục A05 (Bộ Công an) kiểm tra tổng kho hàng lậu hơn 10.000m2 tại 145 Hoàng Diệu, TP Lào Cai.

Tại thời điểm kiểm tra, gần 100 cảnh sát cơ động và lực lượng Tổng cục QLTT đã ập vào kho hàng có 3 nhân viên được thuê để thay nhau livestream trên các tài khoản Facebook như: Thảo Trần, Giầy Đồng giá... Các mặt hàng có trong kho là giày dép, kính mắt, đồng hồ, hàng tiêu dùng, mỹ phẩm... nhập lậu hoặc có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng thế giới như: LV, Gucci, Chanel, Adidas...

Các nhân viên làm việc tại kho hàng cho biết, sau khi livestream bán hàng thì các đơn hàng này sẽ được hơn 40 nhân viên ngồi máy tính chốt đơn hàng bằng phần mềm. Từ đó, các đơn hàng của khách hàng sẽ được đóng gói cẩn thận để gửi đi khắp cả nước thông qua các hãng chuyển phát lớn như Viettel Post.

Tổng cục QLTT đánh giá, đây là hoạt động có đường dây, ổ nhóm được bố trí chuyên nghiệp, tổ chức thành các nhóm chuyên môn hóa từng khâu, phân công giữa các thành viên phối hợp nhịp nhàng. Hoạt động kinh doanh này chỉ có thể triển khai được nhờ lợi dụng triệt để việc bán hàng trên các nền tảng Internet bao gồm cả bán buôn, bán lẻ.

Việc đầu tư các trang thiết bị livestream cũng rất rẻ tiền, thô sơ, nhưng được thúc đẩy bởi các nền tảng mạng xã hội của thế giới nên mang lại hiệu quả chốt đơn hàng rất cao.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ