Di tích lịch sử ga Nha Trang (phường Phước Tân, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa), đã ghi dấu trận đánh lịch sử của quân và dân Khánh Hòa anh dũng nổ súng tấn công thực dân Pháp xâm lược, mở đầu mặt trận Nha Trang - Khánh Hòa trong suốt 101 ngày đêm (23/10/1945 – 2/2/1946).
Trận đánh trên đã được Bác Hồ gửi thư khen ngợi: “…Tổ quốc biết ơn các bạn. Toàn thể đồng bào noi gương các bạn”.
Hai phương án di dời ga Nha Trang….
Trước thông tin Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), UBND tỉnh Khánh Hòa có chủ trương di dời ga Nha Trang để đảm bảo an toàn giao thông, cũng như phù hợp với quy hoạch TP Nha Trang, có ý kiến cho rằng, di dời là phù hợp với điều kiện phát triển của tỉnh hiện nay.
Nhưng bên cạnh đó, cũng không ít ý kiến cho rằng ga Nha Trang là di tích lịch sử. Nếu chủ trương đó được thực hiện thì di tích lịch sử ga Nha Trang sẽ bị ảnh hưởng và việc bảo tồn di tích sẽ gặp khó khăn.
Ông Nguyễn Văn Dần, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Khánh Hòa cho biết: “Việc di dời ga Nha Trang chỉ mới là chủ trương của Bộ GTVT”. Ngoài ra, ông Dần cho biết thêm, Bộ GTVT đã giới thiệu cho Công ty TNHH Tập đoàn Thương mại Tuấn Dung (Hà Nội), xây dựng và đề xuất các phương án di dời.
Theo đó, Công ty Tuấn Dung đề xuất 2 phương án cải tạo đường sắt khu vực ga Nha Trang. Cụ thể, phương án 1 cải tạo ga Nha Trang thành ga khách, xây dựng mới cầu quay máy để bỏ đường vòng.
Xây dựng ga Vĩnh Trung mới là ga hàng hóa có khu chỉnh thiết bị đầu máy toa xe, xây dựng đường vòng trạm tại khu vực nút giao thông Ngọc Hội để tránh tàu hàng đi vào trung tâm thành phố.
Phương án quy hoạch sử dụng đất khu vực ga Nha Trang, diện tích khoảng hơn 36.400m2, được bố trí như sau: Chung cư cao 30 tầng, công trình hỗn hợp 35 tầng, nhà ở thương mại, cây xanh công viên, đường giao thông nội bộ.
Phương án 2, cải tạo ga Nha Trang thành bảo tàng du lịch. Dỡ bỏ ga Nha Trang và đường bóng đèn hiện tại. Cải tạo tuyến đường sắt chính từ Km1312+500 đến Km1318+300, đường sắt không vào trung tâm TP Nha Trang. Xây dựng ga Vĩnh Trung mới, là ga kỹ thuật hỗn hợp khách hàng có khu chỉnh thiết bị đầu máy toa xe.
Sau khi di dời ga, quy hoạch sử dụng đất khu vực ga Nha Trang với diện tích khoảng hơn 114.200m2, sẽ bố trí như sau: Bảo tàng ga, chung cư cao 30 tầng, công trình hỗn hợp 35 tầng, nhà ở xã hội, nhà liên kề, nhà ở kết hợp thương mại, cây xanh công viên, đường giao thông nội bộ.
Có xâm phạm di tích…?
Theo một lãnh đạo Trung tâm Di tích tỉnh Khánh Hòa, ga Nha Trang đang được cơ quan chuyên môn xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận là di tích cấp tỉnh hoặc cấp quốc gia. Tuy nhiên, đây là nhà ga liên quan đến ngành giao thông nên còn bị vướng.
Trong khi đó, ông Nguyễn Khắc Hà, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) tỉnh Khánh Hòa cho biết: “Hiện, chủ trương và phương án di dời ga Nha Trang như thế nào Sở chưa nắm được. Do đó, Sở cũng chưa có ý kiến gì”.
Còn KTS Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Khánh Hòa, cho biết, ông mới chỉ biết đến các phương án di dời ga Nha Trang của Công ty TNHH Tuấn Dung qua báo chí. Hội Kiến trúc sư Khánh Hòa chưa được tiếp xúc với hồ sơ cụ thể.
Ông Nguyễn Văn Lộc bày tỏ quan điểm: “TP Nha Trang là một đô thị du lịch biển. Chung cư quá dư thừa với hàng loạt dự án phát triển đô thị ở phía Tây và ngay bờ biển. Trong khi đó, TP Nha Trang đang thiếu công viên, cây xanh, thiếu các công trình công cộng, đặc trưng cho một thành phố du lịch”.
Ngoài ra, cũng theo KTS Nguyễn Văn Lộc, chung cư, trung tâm thương mại hiện đã quá nhiều, ngay các công trình sát bờ biển cũng toàn siêu thị. Trong khi đó, những công trình văn hóa như bảo tàng, di tích thì chính quyền lại lúng túng vẫn chưa xác định được nơi làm cho tử tế. Nếu ga Nha Trang phải di dời, nơi đây nên dành quỹ đất để xây dựng trung tâm biểu diễn, rạp chiếu phim, nhà hát... phục vụ nhân dân và du khách.