Gã nông dân đa tài
Ở xã Hải Bình, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa, nhiều người gọi ông Ngô Thái Nguyên là “gã khùng”. Bởi lẽ, suốt ngày ông ấy cắm cúi nghiên cứu, hí hoáy, chọc chạch, rồi chế tạo ra chiếc máy “chẳng giống ai”.
Và, khi sản phẩm của “gã khùng” ấy được đem ra chạy thử, người ta mới ngỡ ngàng vì hiệu quả và tính ưu việt của chiếc máy xử lý rác thải do ông sáng chế.
Ngồi ở trong căn nhà có lối kiến trúc đẹp, khang trang của mình, ông Nguyên giãi bày với chúng tôi cơ duyên đến với nghề… sáng chế. Sau khi học hết cấp ba, ông thi vào Trường Trung cấp Y Thanh Hóa, với ý định sau này sẽ theo nghiệp thầy thuốc nhưng hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, ông đành gác lại những mơ ước của mình để ở nhà lập gia đình theo ý nguyện của người cha.
Đến năm 1987, mặc dù đã yên bề gia thất, nhưng trong tay lại chẳng có nghề ngỗng gì để kiếm sống, ông quyết đi học nghề may. Nhưng rồi nghề may vá cũng chẳng đem lại cuộc sống ổn định cho mình và nuôi vợ, con.
Vì lẽ đó, ông Nguyên lại học nghề cơ khí sửa chữa tàu, thuyền rồi vào làm công cho Hợp tác xã nghề cá Liên Hưng.
“Năm 1993, khi hợp tác xã giải thể, tôi thất nghiệp, đành chuyển sang buôn bán đồ điện dân dụng, máy móc tàu thuyền. Thế nhưng, cái nghề buôn bán đồ điện dân dụng cũng chỉ được vài năm vì không có vốn đầu tư nên lại chuyển qua làm nội thất, hoa viên cây cảnh.
Nếu cuộc sống ở quê mình không quá khó khăn, chắc tôi cũng không thể biết nhiều nghề như vậy. Bây giờ ngẫm lại, mới thấy mình thật vất vả. Tuy nhiên, không bươn chải thì bốn đứa con của mình không thể ăn học được như hiện nay”, ông Nguyên tâm sự.
Đam mê sáng chế
Nhà ở xã ven biển Hải Bình, chiều xuống, ông lại đi ra bờ biển. Mỗi lần như vậy, chứng kiến cảnh rác thải ngập ngụa, tràn lan mọi nơi, mà không có cách nào xử lý dứt điểm được tình trạng ô nhiễm môi trường, ông Nguyên vô cùng trăn trở.
Với ý tưởng sẽ phải làm một điều gì đó để góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm, ông Nguyên bắt tay vào mày mò nghiên cứu rồi kẻ, vẽ mô hình, để sáng chế ra chiếc máy xử lý rác. Khi ý tưởng dần thành hiện thực, năm 2014, ông Nguyên gác hết công việc để lao vào… chế tạo máy.
Ban đầu, chiếc máy xử lý rác của ông Nguyên được thiết kế theo mô hình xử lý rác tổng hợp. Chức năng hoạt động của máy cũng không quá phức tạp. Đó là, rác tổng hợp được đưa vào bồn chứa nước có lắp mô tơ khuấy trộn rác.
Những loại rác nhẹ như túi nilon, giấy, bao bì… khi khuấy trong bồn nước, chúng sẽ nổi lên và được hất lên băng chuyền tải về máy. Các loại rác nặng, như: Gạch, đá, sắt, thép… sẽ lắng xuống đáy bồn và trượt theo máng đi ra mặt sàng. Còn những loại rác như: Củ, quả, phân trâu, bò… được đẩy về hầm bioga.
Các loại rác sau khi qua xử lý, băm vụn được ông Nguyên trộn với đất rồi ủ làm phân để trồng cây. Thậm chí, ông Nguyên còn thử nghiệm trộn rác qua xử lý với xi măng, đá mạt rồi ép làm gạch xây dựng.
Khi mô hình máy xử lý rác của ông Nguyên đưa vào vận hành thử nghiệm, ai cũng ngỡ ngàng vì hiệu quả và tính ưu việt của nó. Ông Nguyên cho biết: Với công suất máy được thiết kế 4,5 kw, chiếc máy hoạt động một ngày (6 giờ đồng hồ), sẽ xử lý được khoảng 10m3 rác tổng hợp.
Sau khi hoàn tất, ông tiếp tục cải tiến thiết kế công suất của máy. Đến năm 2017, chiếc máy được hoàn thiện theo thiết kế hiện đại hơn. Đó là, không dùng bồn chứa nước có lắp mô tơ khuấy trộn rác nữa, mà khi máy hoạt động, rác sẽ được tập kết ở sàn máy để phân loại, rồi đưa lên đường băng tải về máy quật đập (đánh tơi).
Sau đó, rác được máy chuyển về lồng tuyển chọn chủng loại qua khe sàng để tách mùn, đất và các loại rác có kích thước lớn. Mùn rác sẽ được máy đưa tách ra một bên để dùng làm phân bón cho cây trồng, các loại vật liệu nặng, cứng sẽ được phân tách ra một bên để tập kết đưa vào lò đốt tiêu hủy. Còn lại những loại rác thải nhẹ như nilon, bao bì, rác thải nhựa... được máy thổi ra để tập kết đưa đi tái chế.
“Thời điểm bắt đầu mày mò chế tạo ra hệ thống máy xử lý rác, tôi chỉ hy vọng sẽ giải quyết được vấn nạn ô nhiễm môi trường từ rác thải ở quê. Sau khi được chính quyền địa phương và các ngành chức năng kiểm tra, đánh giá hiệu quả của máy xử lý rác, tôi đã thuê mặt bằng để xây dựng nhà xưởng, chế tạo những chiếc máy có công suất lớn hơn nhằm giải quyết vấn nạn rác ở xã lân cận”, ông Nguyên cho hay.
Sau khi các ngành chức năng về thẩm định, đánh giá mô hình sáng chế ấy, ông Nguyên bắt tay vào sản xuất máy xử lý rác và đứng ra nhận hợp đồng lắp đặt máy cho một số đơn vị tại huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định; xã Mỹ Đức (An Lão, Hải Phòng).
Đặc biệt, sau khi cải tiến chức năng và công suất máy, ông Nguyên đã lắp đặt cho một số đơn vị ở tỉnh Quảng Ninh, Lâm Đồng, Hưng Yên với công suất xử lý từ 3 tấn - 7 tấn rác/giờ. Các huyện Nông Cống, Thường Xuân (Thanh Hóa)... đang tiến hành thủ tục để đặt hàng ông Nguyên sản xuất máy xử lý rác với công suất 50 tấn rác/ngày.