Cần Thơ: Nhà máy phát điện từ rác thải sẽ thay thế bãi rác lộ thiên

Nhà máy đốt rác sinh hoạt phát điện Cần Thơ
Nhà máy đốt rác sinh hoạt phát điện Cần Thơ

Biến rác thải thành điện

Tại TP Cần Thơ, trung bình mỗi ngày có khoảng 600 - 650 tấn rác cần xử lý. Trước đây, rác thải sinh hoạt được xử lý chủ yếu bằng công nghệ chôn lấp và đốt không thu hồi năng lượng tại các bãi rác Ô Môn, Thốt Nốt và Cờ Đỏ… Sau nhiều năm tích tụ, các bãi rác lộ thiên ngày càng quá tải, gây ô nhiễm không khí và ô nhiễm môi trường đất, nước.

Thực hiện chủ trương phát triển bền vững và hướng đến thành phố thông minh, tháng 6/2017, thành phố cho khởi công xây dựng Nhà máy đốt rác sinh hoạt phát điện Cần Thơ. Nhà máy do Tập đoàn China Everbright Quốc tế làm chủ đầu tư. Pháp nhân tại Việt Nam quản lý vận hành nhà máy là Công ty TNHH Năng lượng môi trường EB Cần Thơ. Nhà máy được đặt ở xã Trường Xuân (huyện Thới Lai), đi vào hoạt động từ tháng 12/2018.

Hệ thống hiện đại xử lý nước thải từ rác bên trong nhà máy.
 Hệ thống hiện đại xử lý nước thải từ rác bên trong nhà máy.

Với diện tích 5,3ha, tổng mức đầu tư 1.050 tỉ đồng, sử dụng công nghệ đốt rác để phát điện, mỗi ngày, nhà máy có thể xử lý 400 tấn rác thải sinh hoạt và phát điện khoảng 150.000 kWh (tương đương 60 triệu kWh/năm). Thời gian hoạt động của nhà máy là 20 năm.

Theo thông tin từ bộ phận kỹ thuật Nhà máy xử lý rác thải phát điện Cần Thơ: Với nhiệt độ trên 1000 độ C thì rác cháy hoàn toàn và nhiệt lượng tận dụng làm quay tua bin phát điện. Hệ thống xử lý khói thải được xử lý triệt để do quy trình khép kín hoàn toàn.

Đặc biệt, lượng tro phát thải được khép kín đưa vào nhà máy xử lý tro xỉ lò, tiến hành sàng lọc tách kim loại và một số chất khác; phần còn lại sàng lọc làm vật liệu xây dựng, ép làm gạch không nung. Nước rỉ từ rác được xử lý triệt để và đưa trở lại làm mát hệ thống lò đốt...

Khu vực tua bin phát điện của nhà máy rác.
 Khu vực tua bin phát điện của nhà máy rác.

Xử lý triệt để nguồn rác

Từ đầu tháng 10 đến nay, mỗi ngày Nhà máy đốt rác phát điện Cần Thơ tiếp nhận 50 - 100 tấn rác đã qua chôn lấp tại bãi rác Đông Thắng (huyện Cờ Đỏ). Đây là bãi rác lớn, quá tải của thành phố, nhiều năm qua các hộ dân sống xung quanh bãi rác này khổ sở vì mùi hôi, ô nhiễm không khí và nguồn nước.

Dự kiến, thời gian vận chuyển hết số rác chôn lấp tại bãi rác này khoảng 2 tháng. Đến nay, đã vận chuyển, đốt thí điểm được hơn 500 tấn rác thải chôn lấp để phát điện. Số rác chôn lấp sau khi được đưa vào nhà máy sẽ trộn với rác thải mới phát sinh và được đốt phát điện.

Sau khi đốt thí điểm 2.500 tấn rác theo kế hoạch tại Nhà máy đốt rác phát điện Cần Thơ. Thành phố sẽ xây dựng phương án để tiếp tục đốt khối lượng rác thải còn lại của bãi rác Đông Thắng.

Theo ông Nguyễn Chí Kiên - Phó Giám đốc Sở TN&MT TP Cần Thơ: “Sau khi nhà máy xử lý rác thải phát điện Cần Thơ đi vào hoạt động, UBND thành phố có chủ trương sẽ đóng cửa 2 bãi rác Ô Môn và Cờ Đỏ. Hiện nay, Sở đang hoàn thiện kế hoạch đóng cửa 2 bãi rác này. Khi đóng cửa 2 bãi rác nêu trên còn phải xử lý triệt để rác thải chôn lấp và nước thải”.

Khu vực điều khiển hoạt động của Nhà máy đốt rác phát điện.
 Khu vực điều khiển hoạt động của Nhà máy đốt rác phát điện.
Theo thông tin Nhà máy đốt rác phát điện TP Cần Thơ, số lượng tro xỉ sau khi đốt phát điện còn lại khoảng 5% được sử dụng làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng. Các chất thải dạng rắn, lỏng, khí thông qua các thiết bị chuyên dụng xử lý đạt tiêu chuẩn và thải ra ngoài. Bộ TN&MT đã có ủy quyền cho Tổng cục Môi trường cùng Sở TN&MT TP Cần Thơ thực hiện giám sát các chỉ tiêu liên quan đến môi trường. Tất cả chỉ tiêu về không khí, khói bụi, môi trường đều được cập nhật online và gửi về các đơn vị chủ quản theo dõi, tần suất là 15 phút/lần.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.