Tại hội nghị thượng đỉnh trực tuyến Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ngày 21/11, các nhà lãnh đạo đã nhấn mạnh sự cần thiết phải có cách tiếp cận toàn cầu với vắcxin ngừa virus SARS-CoV-2 trong cuộc chiến cấp bách chống đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 hiện nay.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề cập sự cần thiết phải xây dựng "một bức tường thành toàn cầu chống COVID-19", đồng thời kêu gọi các nước G20 hỗ trợ phân phối vắcxin "một cách công bằng và hiệu quả".
Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng cuộc khủng hoảng y tế là "một phép thử đối với G20", nhấn mạnh rằng không có cách ứng phó nào chống đại dịch hiệu quả hơn một cách ứng phó toàn cầu. Ông Macron khẳng định, việc tìm cách tiếp cận rộng rãi với các công nghệ y tế chống COVID-19 chính là cuộc chiến tiếp theo mà thế giới phải đối mặt.
Theo ông Macron, cần tránh bằng mọi giá kịch bản "thế giới hai tốc độ", trong đó chỉ nước giàu được bảo vệ và trở lại cuộc sống bình thường, trong khi nước nghèo bị bỏ lại phía sau và chìm trong dịch bệnh. Ông Macron gợi ý về một hệ thống tài trợ để tiêm phòng cho các đối tượng ưu tiên tại các nước đang phát triển.
Ngoài ra, nhà lãnh đạo này nhận định, vào thời điểm khẩn cấp về y tế, cộng đồng quốc tế cần thúc đẩy quan hệ đối tác công nghiệp và sản xuất với các nước đang phát triển, thúc đẩy các năng lực nghiên cứu và sản xuất các công nghệ y tế, qua đó sẽ đóng góp tốt nhất cho việc chống lại các đại dịch trong tương lai.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đề xuất G20 phối hợp với nhau trong lĩnh vực này, theo đó đảm bảo tiếp cận vắcxin một cách công bằng và chấp nhận được; tăng cường các mạng lưới giám sát dịch bệnh toàn cầu để thế giới sẵn sàng hơn trong việc ứng phó với các đại dịch tiếp theo.
Thủ tướng Singapore nhấn mạnh tính hiệu quả của các mạng lưới như vậy tùy thuộc vào việc các nước đầu tư cho các năng lực giám sát và ứng phó trong nước cũng như sự sẵn sàng chia sẻ thông tin với các nước khác. Ông cũng bày tỏ vui mừng khi G20 có quan điểm đa phương về vắcxin khi ủng hộ các sáng kiến toàn cầu, như Chương trình Hợp tác toàn cầu tăng tốc tiếp cận các công cụ ứng phó COVID-19 (ACT-A)...
Phát biểu tại hội nghị, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa cũng hoan nghênh sự đồng lòng của các nước G20 trong việc thúc đẩy khả năng tiếp cận vắcxin một cách công bằng và rộng rãi trên quy mô toàn cầu. Ông cho rằng để đạt được mục tiêu nhân văn này, các quốc gia G20 cần hỗ trợ tài chính để vắcxin có thể kịp thời đến được những quốc gia và khu vực nghèo trên thế giới.
Tại Nhật Bản, Thủ tướng Suga Yoshihide cho rằng G20 cần phát đi “một thông điệp rõ ràng” rằng nhóm này sẽ đi đầu trong cuộc chiến chống dịch bệnh, phục hồi tăng trưởng kinh tế toàn cầu, nối lại các hoạt động đi lại và nỗ lực định hình trật tự thế giới mới sau đại dịch.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Suga nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tạo lập môi trường trong đó tất cả mọi người trên khắp thế giới có thể tiếp cận các phương pháp chữa trị, vắcxin và phương pháp chẩn đoán, đồng thời kêu gọi G20 nỗ lực để có vắcxin và thuốc chữa COVID-19 cho người dân trên khắp thế giới. Ông cho rằng điều này đòi hỏi nỗ lực toàn diện ở các khâu bào chế, sản xuất và phân phối.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Suga nhấn mạnh cần phải nỗ lực để phục hồi nền kinh tế toàn cầu và nối lại các hoạt động đi lại trong khi vẫn thực hiện các biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Ông cho biết Nhật Bản sẽ thúc đẩy việc xây dựng các quy tắc quốc tế trong lĩnh vực kỹ thuật số và củng cố các chuỗi cung ứng.
Trong khi đó, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng kêu gọi tăng cường hợp tác giữa các quốc gia để vượt qua cuộc khủng hoảng dịch bệnh COVID-19. Theo ông Moon Jae-in, để chấm dứt hoàn toàn dịch bệnh, điều quan trọng là phải phân bổ một cách công bằng vắcxin và thuốc điều trị COVID-19.
Tổng thống Hàn Quốc đánh giá cao vai trò của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Viện Nghiên cứu vắcxin quốc tế, Chương trình ACT-A. Theo nhà lãnh đạo này chỉ ra rằng nền kinh tế thế giới đang bất ổn lớn, do vậy sự đoàn kết, hợp tác của cộng đồng quốc tế là điều rất quan trọng. Ông cũng đánh giá việc các nước thực thi chính sách nới lỏng tài chính, giãn nợ cho các nước có thu nhập thấp đã mang lại hiệu quả.