Financial Times hé lộ chi tiết đang thảo luận trong thỏa thuận hòa bình Ukraine

GD&TĐ - Ukraine và Nga đã thực hiện các bước hướng tới “kế hoạch hòa bình 15 điểm” trong đó các lực lượng Nga sẽ rút lui để đổi lấy cam kết trung lập của Ukraine – tờ Financial Times (FT) đưa tin hôm 16/3.

Đàm phán giữa Nga và Ukraine.
Đàm phán giữa Nga và Ukraine.

Tuy nhiên, vẫn còn những điểm mấu chốt và cả 2 bên đã đưa ra những tuyên bố trái chiều về triển vọng hòa bình sắp xảy ra.

Dẫn lời 3 người tham gia cuộc đàm phán, FT cho biết một thỏa thuận đang được thực hiện, theo đó Ukraine sẽ từ bỏ tham vọng gia nhập NATO – một động thái thay đổi hiến pháp đất nước. Bên cạnh đó, Ukraine cũng sẽ từ chối sở hữu bất kỳ căn cứ quân sự hoặc vũ khí nước ngoài nào để đổi lấy đảm bảo an ninh từ Mỹ, Anh và Thổ Nhĩ Kỳ.

Nga sẽ dừng các hành động tấn công và rút lực lượng của mình khỏi lãnh thổ Ukraine để đổi lấy cam kết trung lập này, trong khi Ukraine được phép giữ quân đội của mình – tờ báo trên đưa tin.

Những người liên quan đến thỏa thuận cho biết người nói tiếng Nga ở Ukraine sẽ nhận được đảm bảo rằng quyền ngôn ngữ và các mối quan tâm nhân đạo khác của họ sẽ được bảo vệ. Trong khi đó nhà đàm phán Ukraine Mykhailo Podolyak nói rằng Kiev sẽ chỉ đồng ý với điều trên nếu những vấn đề này phù hợp với “các lợi ích độc quyền của Ukraine”.

Tương tự như vậy, tình trạng của Crimea (đã bỏ phiếu tái gia nhập Nga vào năm 2014) và các nước cộng hòa Donbass (được ông Putin công nhận là các nước độc lập) vẫn giữ nguyên quan điểm đối với bất kỳ thỏa thuận nào.

Với các cuộc đàm phán đang diễn ra, hôm qua, Thư ký báo chí Điện Kremlin Dmitry Peskov cho là “quá sớm để tiết lộ bất kỳ thỏa thuận nào”. Tuy nhiên, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov nói với phóng viên rằng cả 2 bên đều “gần” đồng ý với “những từ ngữ hoàn toàn cụ thể” trong các cuộc đàm phán.

Tổng thống Ukraine Zelensky nhiều lần tuyên bố rằng ông sẵn sàng đối thoại trực tiếp với người đồng cấp Nga Putin để đưa ra một sự dàn xếp. Tuy nhiên, ông Lavrov nói rằng nhà lãnh đạo Ukraine vẫn chưa thực hiện thêm bất kỳ bước đi nào.

Tuy ông Zelensky thừa nhận Ukraine sẽ không gia nhập được NATO nhưng ông tiếp tục vận động các nhà lãnh đạo phương Tây can thiệp vào cuộc xung đột.

Moscow triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine vào ngày 24/2 vì cho rằng cần bảo vệ các nước cộng hòa ly khai và chính Nga. Hiện Nga yêu cầu Ukraine chính thức tuyên bố là một quốc gia độc lập và không bao giờ tham gia vào khối quân sự NATO do Mỹ đứng đầu.

Kiev khẳng định hành động của Nga là hoàn toàn vô cớ và bác bỏ thông tin đang có kế hoạch chiếm lại 2 nước cộng hòa ly khai bằng vũ lực.

Theo RT

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ