Federico Chiesa: Câu chuyện đẹp về cặp cha con đi vào lịch sử Euro

GD&TĐ - 25 năm sau khi Enrico Chiesa ghi bàn cho đội tuyển Italia ở Euro 1996, con trai của ông là Federico Chiesa đã “khai hỏa” mang về bàn thắng quý giá cho đội bóng màu thiên thanh ở vòng 1/8 Euro 2020.

Federico Chiesa ăn mừng bàn thắng vào lưới đội tuyển Áo, vòng 1/8 Euro 2020.
Federico Chiesa ăn mừng bàn thắng vào lưới đội tuyển Áo, vòng 1/8 Euro 2020.

Con hơn cha

Ở Euro 2020, Mancini ưu tiên sử dụng bộ 3 tấn công Insigne - Immobile - Berardi nên Federico Chiesa thường xuyên phải ngồi dự bị. Trận gặp Áo vòng 1/8, ngôi sao của Juventus không góp mặt trong đội hình xuất phát của Italia. Tuy nhiên, ở hiệp 2, trong thế trận bế tắc, Federico Chiesa được HLV Mancini tung vào sân. Không bỏ lỡ cơ hội, cầu thủ này tỏa sáng với bàn thắng giúp Italia phá vỡ thế bế tắc ở đầu hiệp phụ thứ nhất. Đây là pha lập công rất quan trọng giúp Azzurri giành chiến thắng chung cuộc với tỷ số 2 - 1 sau 120 phút.

Với cá nhân Federico Chiesa, bàn thắng vào lưới đội tuyển Áo là trải nghiệm rất đáng nhớ. Cách đây 25 năm 12 ngày, bố của Federico Chiesa, tiền đạo Enrico Chiesa cũng lập công ở Euro 1996 với bàn thắng vào lưới CH Séc ở vòng đấu bảng.

Vào thời điểm Enrico Chiesa ghi bàn vào lưới CH Séc, Federico Chiesa vẫn chưa ra đời. Phải hơn 1 năm sau (tháng 10/1997), tiền vệ đang khoác áo Juventus mới được sinh hạ. Theo thống kê, đến thời điểm này, Enrico Chiesa và Federico Chiesa là cặp bố con đầu tiên cùng ghi bàn ở lịch sử các VCK Euro.

Trận thua CH Séc 25 năm trước là một trong những thất bại tệ nhất lịch sử của Italia. Do thua đối đầu trực tiếp, đội Á quân World Cup 1994 phải xếp thứ ba bảng C và bị loại khỏi Euro 1996. “Chiesa con” có phần hơn người cha. Bàn mở tỷ số trận gặp Áo đóng vai trò quan trọng đưa đội tuyển Italia vào tứ kết Euro 2020. Ngoài ra, Federico ghi bàn đầu tiên tại Serie A khi mới 19 tuổi, trong khi Enrico Chiesa đến năm 22 tuổi mới ghi bàn đầu tiên ở Serie A.

Thủ môn Buffon giành Cup Italy với cả Enrico Chiesa và người con của cựu tiền đạo này, Federico. Khi Buffon giành Cup Italy lần đầu tiên - danh hiệu anh có được cùng AC Parma năm 1999, một trong những đồng đội của thủ môn này là Enrico Chiesa. Lúc đó, con của Enrico, Federico Chiesa chưa đầy hai tuổi. 22 năm sau, chính Federico Chiesa ghi bàn quyết định giúp Juventus hạ Atalanta 2 - 1 trong trận chung kết Cup Italy 2020 - 2021. Và Buffon bắt chính trận này.

“Tôi đã giữ được sự bình tĩnh ở tình huống này. Ai cũng muốn ghi bàn ngay lập tức nhưng tôi đã quyết định hãm bóng trước khi tung cú dứt điểm trúng đích. Đội tuyển Áo có nhiều cầu thủ chất lượng. Họ giữ bóng khá tốt nên chúng tôi gặp khó khăn. Tuy nhiên, Italia xứng đáng có được 2 bàn thắng và đi tiếp. HLV luôn nói rằng chúng tôi cần phải sẵn sàng. Chúng tôi có 26 cầu thủ đá chính”, Federico Chiesa chia sẻ sau trận thắng Áo.

Enrico Chiesa khi còn thi đấu và con trai Federico Chiesa.

Enrico Chiesa khi còn thi đấu và con trai Federico Chiesa.

“Vũ khí bí mật” của Mancio

Trên sân Wembley, đội tuyển Italia đã phải trải qua một trận đấu khó khăn ngoài dự kiến với Áo. Sau 90 phút thi đấu chính thức không có bàn thắng, hai đội buộc phải bước vào hiệp phụ.

Phút 95, Spinazzola kiến tạo thuận lợi cho Federico Chiesa ở vị trí trống trải bên cánh phải. Ngôi sao mang áo số 14 khống chế 2 nhịp điệu nghệ, loại bỏ Konrad Laimer trước khi đánh bại thủ môn đội tuyển Áo bằng cú dứt điểm góc hẹp không thể cản phá.

Bàn thắng của Federico Chiesa trước tuyển Áo đến vào thời điểm mà người Ý đã tấn công bế tắc suốt hơn 90 phút trước đó. Nên nhớ, trước khi ngôi sao của Juventus vào sân, các học trò của Mancio đã tung ra rất nhiều pha dứt điểm đến từ Insigne, Immobile, Berardi, Di Lorenzo, Barella, Verratti, Belotti, nhưng tất cả đều thiếu chính xác hoặc thiếu chút hiểm hóc để thành bàn. Sau bàn thắng của Federico Chiesa, Italia chơi thoải mái hơn và bàn thắng nhân đôi cách biệt của Pessina đến sau đó là hệ quả tất yếu.

Áo đã phơi bày hạn chế trong lối chơi tấn công của Ý là khả năng dứt điểm kém hiệu quả của các cầu thủ tấn công khi đối thủ không cho họ có nhiều không gian và thời gian xử lý bóng bằng lối chơi áp sát nhanh và bịt khoảng trống tốt.

Nhưng hàng phòng ngự của Áo không thể ngăn cản Federico Chiesa. Tiền đạo dự bị, ít được nhắc đến của Italia song sở hữu những phẩm chất tạo nên bước ngoặt của trận đấu. “Chiesa con” có bàn thắng mà không tốn nhiều bóng, không cần nhiều không gian, cũng không mất nhiều thời gian xử lý.

Những ai đã xem Federico Chiesa chơi bóng thì không ngạc nhiên với bàn thắng “vàng” anh ghi vào lưới Áo. Phẩm chất nổi bật của “Chiesa con” là tốc độ cao, thể lực tốt, sút tốt cả hai chân, có khả năng xử lý bóng nhanh và gọn gàng trong không gian hẹp và trước áp lực cao của đối phương. Bàn thắng đầu tiên ở Serie A vào lưới Chievo năm anh mới 19 tuổi cho thấy rõ về kỹ năng thiên phú của Federico Chiesa. Đó là một pha tăng tốc từ giữa sân, nhận bóng ở tốc độ cao và ngả người dứt điểm vào góc xa.

Đặc biệt, so với thời ở Fiorentina, hiệu quả dứt điểm của Federico Chiesa sau 2 mùa đá cho Juventus đã được cải thiện rõ rệt. Lối chơi của “Chiesa con” hướng tới sự đơn giản nhưng đấy là sự đơn giản… có đẳng cấp bởi nó mang tính hợp lí và có độ chính xác cao của tốc độ xử lý bóng, lẫn khả năng chọn vị trí. Những CĐV Italy kỳ cựu lúc này lại đang nhìn Chiesa như một Salvatore Schilacci mới. 31 năm trước, ở World Cup 1990, Schilacci với vai trò dự bị đã vụt sáng để trở thành họng pháo số một của Azzurri, sau bàn thắng ở trận gặp Áo.

Thời gian sẽ trả lời!

Enrico Chiesa từng là một trong những tiền đạo hàng đầu Serie A. Ông ghi 203 bàn trong 557 trận cấp CLB. “Chiesa bố” vô địch UEFA Cup với Parma, trận chung kết thắng Marseille 3 - 0. Thành tích cá nhân tốt nhất của Enrico là danh hiệu Vua phá lưới UEFA Cup mùa 1998 - 1999 với 8 bàn.
“Chiesa con” tỏa sáng mùa giải vừa qua với 14 bàn trong 43 trận tại Juventus. Với phong độ hiện tại, Federico nhiều khả năng sẽ được Juventus mua đứt sau hai mùa chơi theo hợp đồng mượn từ Fiorentina, một trong những CLB cũ của người bố Enrico.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...