Facebook: Con dao hai lưỡi

Facebook: Con dao hai lưỡi

Say mê facbook đang lấy đi thời gian học tập của học sinh
Say mê facbook đang lấy đi thời gian học tập của học sinh

(GD&TĐ) - Học sinh là một trong những thành phần tham gia facebook đông đảo nhất. Tuy nhiên, cách giao tiếp ra sao cho đúng và không để facebook làm ảnh hưởng thời gian học tập, sinh hoạt thì dường như không được các em và gia đình quan tâm. Thế giới ảo đang làm thay đổi nhiều học sinh theo chiều hướng xấu.

Giật mình học sinh nghiện facebook

Hai ngày nay chị Huyền (Linh Đàm, HN) như ngồi trên đống lửa vì nhận được điện thoại của cô giáo chủ nhiệm con gái đang học lớp 10 thông báo về việc nghiện facebook của con. Con chị không chỉ sao nhãng việc học tập, sức học giảm sút mà trên face của mình cô bé còn thể hiện nhiều suy nghĩ, ngôn từ vô cùng hỗn hào với một thầy giáo bộ môn.

Thậm chí, cô còn post khá nhiều những bình luận gây sốc, những bức ảnh sưu tập trên mạng, ảnh cá nhân khá nhạy cảm để câu like, comment, bình luận... của bạn bè và cộng đồng mạng. 

Chị Huyền không thể ngờ rằng, cô con gái vốn có sức học tốt, ít nói và mọi người vẫn đánh giá là hiền lành lại có thể viết ra những ngôn từ chua ngoa, gây sốc, chém gió... như vậy. Một kế hoạch chấn chỉnh lại con gái bắt đầu từ việc siết lại quy định dùng máy tính cá nhân có nối mạng, điện thoại di động đã được chị và gia đình đặt ra.

Thế nhưng hiệu quả tới đâu, làm sao để vực dậy sức học cho con vẫn là bài toán đau đầu chưa có lời giải cuối cùng. 

Theo một khảo sát gần đây, trung bình ở Việt Nam cứ ba giây lại có người đăng ký dịch vụ mạng xã hội và đối tượng chủ yếu là giới trẻ, đặc biệt là lứa tuổi học sinh. Rất nhiều học sinh đã coi facebook như một người bạn gắn bó, thân thiết để các em có thể giãi bày, chia sẻ mọi suy nghĩ, từ các vấn đề bạn bè, gia đình, thầy cô, xã hội.

Bên cạnh những suy nghĩ hồn nhiên, thẳng thắn của lứa tuổi là không ít suy nghĩ võ đoán, tiêu cực, gây sốc, nói xấu, tục tĩu rồi cả thái độ tức giận, ghen tị, trách móc... về một vấn đề, về người thân, bạn bè. Các em có thể mò lên facebook hàng giờ, lên facebook hàng chục lần trong ngày với thời gian 15 – 30 phút/lần. 

Mặc dù cấm mang điện thoại di động tới trường, lớp song nhiều học sinh vẫn vi phạm. Ngay cả trong giờ học, do không kiềm chế được các em vẫn lén lút mở điện thoại di động để vào facebook.

Theo nhận xét của cô giáo Tạ Bích Vân - Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) thì việc giáo dục học sinh hiện nay có nhiều cái khó. Trong đó ảnh hưởng lớn nhất với học sinh hiện nay chính là mạng Internet.

Nhiều em quá mải mê với facebook đã mất đi một khoảng thời gian lớn dành cho học tập. Tình trạng học sinh quên không làm bài tập, chưa thuộc bài, không say mê học tập ngày càng nhiều.

Điều đáng lo ngại hơn nữa, ở lứa tuổi chưa đủ chín chắn trưởng thành, học sinh dễ bị kẻ xấu kết bạn, lợi dụng rủ rê đến với những tệ nạn xấu, nhiều học sinh nữ bị những đối tượng xấu lôi kéo hại đời...

Cai facebook – Tưởng dễ mà khó

Học sinh cần được trang bị kỹ năng khi lên mạng xã hội
Học sinh cần được trang bị kỹ năng khi lên mạng xã hội

Nhiều bậc phụ huynh lo lắng sức hút của facebook đã và sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới con cái, khiến con cái họ mất ăn mất ngủ, sao nhãng việc học, chỉ lo vào “face” để xem bài viết hay bức ảnh vừa post câu được bao nhiêu like, bao nhiêu comment...

Để quản con trên facebook một số phụ huynh cũng lập facebook cá nhân rồi giả dạng bạn bè của con để trao đổi hoặc núp mặt để âm thầm theo dõi xem con làm gì, nói gì trên facebook. 

Tuy nhiên, theo ThS tâm lý Vũ Thu Hà – Phòng tâm lý học đường Trường THCS Ngô Sĩ Liên (Hà Nội), đây là việc làm không cần thiết. Bởi khi đã là cha mẹ thì cần phải có lịch trình và cách quản lý con cái hợp lý hay nói cách khác là phải chủ động trong cách quản lý con cái chứ không thể chạy đuổi theo con để quản. Âm thầm theo dõi con qua “face” hay mặc kệ con “tung hoành” trên facebook... đều là những cách làm không hiệu quả. 

Vậy sự chủ động ở đây nên được hiểu ra sao? Các nhà tâm lý cho rằng, trước khi cho con dùng facebook thì bố mẹ cần trao đổi với con về mặt tích cực, tiêu cực của facebook cũng như những gì các con được phép thể hiện trên mạng xã hội.

Cần giải thích cho các con hiểu rằng việc thể hiện trên mạng xã hội cần làm tăng giá trị cuộc sống chứ không nên làm cuộc sống của các con buồn chán. Đặc biệt, cần trao đổi với các con về thời gian lên facebook bao nhiêu thì phù hợp, những trang website nào các con được phép tham gia. Trước khi cho con dùng facebook cần có sự hướng dẫn và cung cấp thông tin cho con.

Cần cảnh báo cho trẻ biết rằng giao tiếp trên facebook vẫn là giao tiếp đóng. Giới trẻ cần phải đi ra ngoài, trao đổi, học hỏi... thì đấy mới là cuộc sống thật. Và điều đó mới thúc đẩy con người hoạt động. Điều đó mới giúp chúng ta hoàn thiện con người hơn. Cuộc sống còn nhiều điều chứ không chỉ có riêng facebook. 

Đặc biệt, các bậc cha mẹ hết sức lưu tâm không nên để máy tính của con ở một khu vực riêng. Hãy để ở một nơi nào đó trong nhà mà cha mẹ, mọi người có thể theo dõi được các chương trình mà các con dùng. Nếu các con vượt quá thời gian được phép lên mạng, cha mẹ có thể nhắc con vấn đề nghiện internet, facebook có tác hại ra sao.

Hãy lấy những tấm gương cụ thể của tác hại nghiện Internet, nghiện facebook để giáo dục và cảnh báo con cái. Tất cả những kỹ năng, nguyên tắc để lên mạng cần được cha mẹ trang bị kỹ càng cho con cái trước khi cho con lên mạng tốt hơn là việc chạy theo cấm cản con được và không được làm điều gì đó.

Mặt khác, như cô Vân nói, mặc dù không ủng hộ học sinh lên facebook song những người làm thầy cũng cần lắng nghe, kiểm chứng lại các thông tin mà các em nêu ra. Có những điều các em không thể nói thẳng với các thầy cô giáo thì qua mạng các em sẽ mạnh dạn nói ra.

Từ những suy nghĩ, bày tỏ quan điểm một cách thẳng thắn của học sinh qua facebook, nhà trường, giáo viên có thể điều chỉnh những điều mà các em góp ý.

Facebook với học sinh như con dao hai lưỡi. Khi nhà trường, gia đình chưa trang bị đầy đủ cho học sinh những kỹ năng kiến thức thể hiện trên mạng xã hội... thì việc “đứt tay” là điều khó tránh.

Chính vì vậy, học sinh cần nhận được sự quan tâm và giáo dục nhiều hơn nữa từ nhà trường, gia đình, xã hội trước một vấn đề không còn mới nhưng luôn nóng từ mạng xã hội.

Học sinh cần hiểu rằng giao tiếp trên facebook vẫn là giao tiếp đóng. Những tương tác hàng ngày như: gặp gỡ, trau dồi kiến thức kĩ năng, quản lý cảm xúc ra sao, cách làm việc nhóm thế nào... mới giúp ích tốt nhất cho chúng ta trong cuộc sống. Giới trẻ cần phải đi ra ngoài, trao đổi, học hỏi bởi đây mới là cuộc sống thật mới thúc đẩy và giúp con người hoạt động, hoàn thiện bản thân. Cuộc sống còn nhiều điều chứ không chỉ có riêng facebook. 

ThS. Tâm lý Vũ Thu Hà

Hà Anh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ